“Năm 2022, một trong những giải pháp để ngành thủy sản tiếp tục đà xuất khẩu cao hơn đó là đa dạng sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, chủ động ứng phó với các rào cản phòng vệ thương mại”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định như vậy khi trao đổi với Đại Đoàn Kết.
PV: Thủy sản xuất khẩu thời gian qua đã gặp nhiều rào cản về phòng vệ thương mại. Đặc biệt tại Mỹ, chúng ta đã phải đối mặt với các vụ việc như: Điều tra chống bán phá giá cá tra, basa năm 2002; điều tra chống bán phá giá tôm nước ấm năm 2003 và điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá với tôm của Công ty Minh Phú. Trong khi đó, phòng vệ thương mại đang là điểm yếu của các doanh nghiệp (DN) thuỷ sản Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Chống bán phá giá bản chất là DN của quốc gia nhập khẩu kiện DN bên xuất khẩu chứ không phải kiện Chính phủ. Tuy nhiên, họ lại thông qua pháp lý của nước nhập khẩu. Với thị trường Mỹ, cộng đồng DN nuôi cá da trơn và nuôi tôm nước này sử dụng luật của Mỹ để kiện các DN xuất khẩu Việt Nam.
Mỹ không sử dụng thông số Việt Nam cung cấp mà sử dụng thông số bản điều tra tổng hợp từ chính họ lựa chọn để tham chiếu. Cách tiếp cận này mang lại bất lợi cho Việt Nam khi cùng một lúc phải chứng minh rất nhiều thứ. Tại vụ kiện đầu tiên với ngành cá tra vào năm 2002, chúng tôi còn bỡ ngỡ và hiểu chưa thật đúng về chống bán phá giá, và đã có suy luận là do một vài DN Việt Nam bán dưới giá thành để cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng tới uy tín của chúng ta.
Những vụ kiện phòng vệ thương mại đã gây ra nhiều bất lợi cho chúng ta khi mà toàn bộ luật pháp của họ, phán xử, phán xét cũng là từ phía cơ quan thẩm quyền của họ mà hoàn toàn không sử dụng tham số của chúng ta.
Tuy nhiên, thời gian qua với nỗ lực của cộng đồng DN và các cơ quan có thẩm quyền, chuyên môn của Việt Nam đặc biệt là Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã giúp cho chúng ta có được những thành công bước đầu trong việc ứng phó với các vụ kiện.
Tính đến thời điểm hiện tại, thông qua 3 vụ việc, các DN bị đơn đều đã có kết quả khá tốt. Đó là cơ hội khẳng định rằng, các DN Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng.
Dù vậy, tôi cũng nhấn mạnh rằng, những vụ kiện phòng vệ thương mại sẽ còn tiếp diễn. Bởi vậy các DN Việt Nam cần phải đoàn kết, chủ động nâng cấp hệ thống truy xuất, quản lý, kế toán..., đa dạng thị trường xuất khẩu để có thể ứng phó với mọi tình huống.
Mỗi thị trường sẽ có những quy định, văn hóa tiêu dùng khác nhau, gặp đối tác cạnh tranh khác nhau... Chính vì vậy câu chuyện đa dạng hoá thị trường xuất khẩu không hề đơn giản, thưa ông?
- Để có thể đa dạng hóa thị trường, theo kinh nghiệm ngành thủy sản, cần nâng cao năng lực của DN, chất lượng sản phẩm, số lượng hàng hóa. Khi hội nhập, đa dạng hóa thị trường cần đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là các hệ thống quản lý chất lượng khác nhau. Đây cũng là điều các DN phải lưu ý.
Ví dụ, muốn tập trung xuất khẩu tại thị trường Trung Đông, các quốc gia Hồi giáo, chúng ta phải có các chứng nhận rõ ràng, hoặc tìm hiểu quy cách đóng gói phù hợp với thị trường này. Đơn cử với mặt hàng cá tra, ở châu Âu thì họ sử dụng cỡ cá khoảng 0.9kg/con, cá phải được lóc da, thịt trắng. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Đông, cỡ cá lớn hơn và không cần lóc da, và có thể sử dụng cả cá trắng và hồng.
Như vậy mỗi thị trường có những quy cách, cách chế biến khác nhau, hệ thống quản lý chất lượng khác nhau. Ngoài vấn đề định hướng, cạnh tranh cần nâng cao năng lực về chất lượng, sản lượng đến hệ thống quản lý và quy cách đóng gói.
Nền kinh tế năm 2022 được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong bối cảnh bình thường mới, vậy tiềm năng xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm tới như thế nào thưa ông?
- Năm 2021, nền kinh tế trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh, ngành thủy sản cũng không nằm ngoài những khó khăn đó. Tuy nhiên, thủy sản đã vượt lên phía trước với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,89 tỷ USD, góp phần vào thực hiện mục tiêu xuất khẩu của Chính phủ.
Năm 2022, toàn ngành thủy sản sẽ tập trung triển khai các hiệp định thương mại đã ký kết (CPTPP, EVFTA, UKVFTA,…) có hiệu quả để đảm bảo mục tiêu xuất khẩu của ngành, hướng tới một ngành thủy sản phát triển bền vững. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương với các quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Đồng thời, tiếp tục duy trì và triển khai các hoạt động đàm phán, thực hiện các thỏa thuận đã ký với các nước trong khu vực và quốc tế trong hợp tác nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản và các hoạt động bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Trân trọng cảm ơn ông!
Để có thể đa dạng hóa thị trường, theo kinh nghiệm ngành thủy sản, cần nâng cao năng lực của DN, chất lượng sản phẩm, số lượng hàng hóa. Khi hội nhập, đa dạng hóa thị trường cần đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là các hệ thống quản lý chất lượng khác nhau. Đây cũng là điều các DN phải lưu ý.