Tăng trưởng toàn cầu 'lung lay'

Hà Anh 21/04/2022 09:39

Tác động nặng nề của cuộc xung đột tại Ukraine đang lan rộng trên khắp thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức 3,6% trong năm 2022 và trong năm 2023.

Tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đang lan rộng khắp thế giới. Ảnh: Reuters.

1. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố hôm 20/4, IMF cho biết, triển vọng đã xấu đi "đáng kể" trong 3 tháng qua khi nó giảm ước tính tăng trưởng cho năm 2022 từ 4,4% xuống 3,6%. IMF cho biết, mọi thành viên của nhóm G7 (các quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu và các quốc gia đang phát triển) sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm nay so với dự kiến trước đây và có nhiều nguy cơ dẫn đến kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn.

“Trong vài tuần nữa, thế giới lại phải trải qua một cú sốc lớn, có tính chất biến đổi. Cũng giống như sự phục hồi lâu dài của nền kinh tế toàn cầu do đại dịch gây ra, chiến tranh đã tạo ra tương lai rất thực tế rằng, phần lớn những thành quả đạt được gần đây sẽ bị xóa bỏ” - ông Pierre - Olivier Gourinchas, Giám đốc IMF cho biết.

Vương quốc Anh dự kiến sẽ là quốc gia có thành tích tốt nhất nhóm G7 trong năm nay mặc dù ước tính tăng trưởng của nước này bị cắt giảm từ 4,7% xuống 3,7%. Tuy nhiên, Anh được cho sẽ là nước có hoạt động kém nhất trong năm tới khi IMF chỉ dự báo tăng trưởng 1,2%. Chi tiêu của người tiêu dùng được dự đoán sẽ yếu hơn dự kiến do khủng hoảng chi phí sinh hoạt giảm trong khi các điều kiện tài chính thắt chặt hơn dự kiến sẽ hạ nhiệt đầu tư.

Theo IMF, nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc sẽ cảm nhận được sự tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine và làn sóng dịch Covid-19, theo đó nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ sẽ tăng trưởng 3,7% trong khi mức này đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - Trung Quốc là 4,4%.

Theo IMF, Đức và Italia là 2 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với các quốc gia châu Âu khác, bởi nhu cầu năng lượng và các ngành sản xuất lớn của hai nước này phụ thuộc nhiều vào Nga. IMF dự báo, tăng trưởng của 2 nước sẽ lần lượt giảm xuống 2,1% và 2,3% trong năm nay.

Trong khi đó, Nga sẽ có hai năm sụt giảm tăng trưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây (8,5% trong năm nay và 2,3% vào năm 2023), trong khi nền kinh tế Ukraine sẽ giảm tới 35% trong năm 2022 và tiếp tục chịu tác động của cuộc xung đột trong nhiều năm tới, IMF cho biết trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới.

6 tháng trước, IMF đã kỳ vọng áp lực đại dịch giảm bớt sẽ dẫn đến tăng trưởng toàn cầu là 4,9% trong năm nay. Tuy nhiên, “triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể kể từ dự báo Triển vọng kinh tế toàn cầu gần nhất của chúng tôi vào tháng 1” - ông Gourinchas nói.

“Cuộc khủng hoảng này diễn ra trong khi nền kinh tế toàn cầu đang trên đà hồi phục nhưng vẫn chưa thực sự ổn định sau đại dịch Covid-19, với sự phân hóa đáng kể giữa sự phục hồi kinh tế của các nền kinh tế tiên tiến, thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Rủi ro tổng thể đối với triển vọng kinh tế đã tăng mạnh và việc đánh đổi chính sách trở nên thách thức hơn bao giờ hết”- ông Gourinchas cho biết.

2. Đối với lạm phát, IMF dự báo, chỉ số này sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian dài. Theo IMF, tình trạng trên có thể xấu hơn nếu cán cân cung - cầu không được đảm bảo. Thể chế tài chính này dự báo lạm phát tại các nền kinh tế phát triển sẽ ở mức 5,7% , các nền kinh tế đang phát triển mới nổi là 8,7% trong năm nay, tăng lần lượt 1,8% và 2,8% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Ông Gourinchas cảnh báo, lạm phát đang trở thành mối đe dọa hiện hữu đối với nhiều nền kinh tế. Theo ông, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương khác đang chuyển dịch sang chính sách siết chặt tiền tệ, song tình trạng gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine đang gia tăng những áp lực về các chủ trương này.

Trong bối cảnh lạm phát tăng vọt do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine, IMF tại Washington cho biết, "các hành động quyết định" để kiềm chế giá cả leo cao theo hình xoắn ốc cần được các ngân hàng trung ương thực hiện. Tuy nhiên, họ cho biết, quá trình này phải được thông báo rõ ràng để tránh sự thay đổi đột ngột trên thị trường tài chính.

Công bố báo cáo ổn định tài chính toàn cầu cùng với triển vọng kinh tế, IMF cảnh báo, lãi suất tăng cao hơn dự kiến có thể gây ra "sự sụt giảm mạnh" trong giá trị của một loạt tài sản. "Rủi ro về ổn định tài chính đã tăng lên trên một số mặt kể từ khi diễn ra xung đột Nga - Ukraine và chúng có thể kiểm tra khả năng phục hồi của thị trường tài chính toàn cầu trong bối cảnh những bất ổn lớn", IMF cho hay.

Theo tổ chức này, có thể giảm thêm 2% nữa đối với tăng trưởng toàn cầu trong năm tới trong trường hợp căng thẳng ở Ukraine dẫn đến giá năng lượng thậm chí còn cao hơn, lạm phát tăng cao và tổn thất lớn trên thị trường tài chính.

Ông Gourinchas cho biết, xung đột giữa Nga và Ukraine làm tăng nguy cơ “nền kinh tế thế giới bị phân mảnh vĩnh viễn thành các khối địa chính trị với các tiêu chuẩn công nghệ khác biệt, hệ thống thanh toán xuyên biên giới và dự trữ tiền tệ”.

“Sự thay đổi kiến tạo như vậy sẽ kéo theo chi phí điều chỉnh cao và tổn thất hiệu quả lâu dài do chuỗi cung ứng và mạng lưới sản xuất được cấu hình lại. Nó cũng thể hiện một thách thức lớn đối với khuôn khổ dựa trên luật lệ đã điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế và quốc tế trong 70 năm qua”.

Ông nói thêm: “Những tác động của chiến tranh đối với nền kinh tế toàn cầu đang lan rộng chủ yếu thông qua thị trường hàng hóa, thương mại và liên kết tài chính”.

“Ở nhiều quốc gia, lạm phát đã trở thành mối quan tâm hàng đầu dẫn đến phản ứng thắt chặt quyết liệt hơn từ các ngân hàng trung ương. Tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, việc tăng giá lương thực và nhiên liệu có thể làm tăng đáng kể nguy cơ bất ổn xã hội”, ông Gourinchas cho biết.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở Ukraine đang khiến 1,7 tỷ người - tức khoảng 1/5 dân số thế giới - có nguy cơ bị thiếu lương thực. Giới chuyên gia dự báo, sản lượng xuất khẩu lúa mì của Ukraine sẽ giảm một nửa, do đó thị trường sẽ thiếu hụt 9,5 triệu tấn lúa mì.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng trưởng toàn cầu 'lung lay'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO