Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) - Chi nhánh TP HCM có chủ trương phát hành chứng thư bảo lãnh cho người dân mua căn hộ dự án chung cư Nam An do Công ty Siêu Thành làm chủ đầu tư. Nhưng sau đó, chủ đầu tư không thực hiện đúng theo cam kết với ABBANK, ngân hàng này từ chối bảo lãnh. Tới khi chủ đầu tư bỏ trốn, dự án đóng băng, người dân mua nhà “trên giấy” điêu đứng cầu cứu khắp nơi thì ABBANK mới phát hiện ra mình cũng là…nạn nhân!
Vụ lừa đảo nhức nhối tại dự án chung cư Nam An do Công ty Siêu Thành làm chủ đầu tư đã gây ồn nào dư luận liên tục trong thời gian qua, về hiện tượng tiêu cực bán “nhà ở trên giấy”.
Ngày 28/3/2018, ông Nguyễn Văn Danh, lúc đang là Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM ký văn bản (số 3553) nêu rõ 496 căn hộ dự án chung cư Nam An đủ điều kiện được bán nhà trên giấy, căn cứ theo văn bản ABBANK đồng ý chủ trương cấp bảo lãnh.
Điều đáng nói, ABBANK sau đó lại không cấp bảo lãnh vì Công ty Siêu Thành không đáp ứng điều kiện quy định. Thế nhưng, Công ty Siêu Thành lại sử dụng văn bản đủ điều kiện mở bán của Sở Xây dựng TP HCM như “lá bùa” để tha hồ ký hợp đồng mua bán và thu tiền của người dân đang cần nhà ở.
Người dân thì tin tưởng vào văn bản của cơ quan quản lý nhà nước là Sở Xây dựng TP HCM nên chấp nhận đóng tiền cho chủ đầu tư, nhưng trên thực tế Công ty này hoàn toàn không thực hiện theo nội dung văn bản của Sở Xây dựng TP HCM và cũng không hề bị cơ quan chức năng nào xử lý. Bên cạnh đó, ABBANK cũng không gửi thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp cảnh báo về dấu hiệu hiệu vi phạm của chủ đầu tư dự án.
Thông tin đến Báo Đại Đoàn Kết về những vấn đề đặt ra xung quanh bài viết “lá bùa cho doanh nghiệp lừa đảo”, Sở Xây dựng TP HCM cho rằng cơ quan này có văn bản đủ điều kiện mở bán nhưng sau đó chủ đầu tư không thực hiện bảo lãnh ngân hàng, trong đó có dự án chung cư Nam An.
Theo đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định: “Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng”.
Thế nhưng, Sở Xây dựng TP HCM lại không lý giải vì sao cơ quan này không thực hiện vai trò quản lý nhà nước khi không thanh tra, giám sát xử lý chủ đầu tư là Công ty Siêu Thành do không thực hiện theo nội dung văn bản đủ điều kiện mở bán 496 căn hộ dự án chung cư Nam An do chính Sở Xây dựng ban hành văn bản khẳng định đủ điều kiện được bán “nhà trên giấy”. Vụ việc ồn ào này khiến hàng trăm người dân mua nhà ở rơi vào cảnh khốn đốn “tiền mất tật mang”.
Theo Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (sau đây tạm gọi là “nhà ở trên giấy”) phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh.
Bản chất của việc bảo lãnh nhằm bảo đảm khoản tiền chủ đầu tư thu của khách hàng được sử dụng đúng vào mục đích xây căn hộ, trường hợp chủ đầu tư vi phạm quy định thời gian bàn giao nhà theo hợp đồng mua bán thì ngân hàng sẽ hoàn trả khoản tiền này cho người mua nhà ở.
Theo đó, nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng với người dân mua nhà ở chỉ phát sinh khi ngân hàng đã phát hành thư bảo lãnh cho từng khách hàng mua căn hộ riêng lẻ thuộc dự án.
Lỗ hổng nằm ở chỗ, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định (tại Điều 55), trước khi bán “nhà ở trên giấy”, chủ đầu tư phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán. Và Sở Xây dựng phải có văn bản cho biết dự án đã đủ điều kiện bán hàng chưa? Ngân hàng phải tuân thủ các quy định về nhà trên giấy có đủ điều kiện được bán, cho thuê mua theo Luật Kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, trả lời PV Báo Đại Đoàn kết, ABBANK lại cho rằng đơn vị này cũng chịu ảnh hưởng rất lớn do sự vi phạm của Công ty Siêu Thành và chủ đầu tư này đã “ôm tiền cao chạy xa bay”. Hiện có tại có 81 khách hàng vay vốn tại ABBANK để mua căn hộ thuộc dự án Nam An. Các khoản tiền khách hàng vay vốn tại ABBANK được chuyển cho Công ty Siêu Thành để sử dụng vào mục đích thực hiện dự án.
Theo Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn luật sư TP HCM), Luật Nhà ở 2014 không có quy định nào cho phép việc sử dụng vốn huy động cho mục đích “nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư liên quan đến dự án”. Do đó, bên đã nhận tiền vốn sai này phải hoàn trả lại tài khoản chủ đầu tư.
Với những vụ việc sử dụng sai vốn huy động trong phát triển dự án, người dân khó biết thông tin và cũng chưa vận dụng quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu có việc sử dụng không đúng mục đích thì buộc bên thứ ba (ngân hàng, tổ chức tài chính,…) phải hoàn trả lại tài khoản chủ đầu tư để sử dụng số tiền này trả lại cho người mua nhà.
Như vậy phải chăng tại dự án căn hộ chung cư Nam An khi chủ đầu tư bỏ trốn, hàng trăm người bị lừa, thì các chủ thể liên quan dường như đều phủi trách nhiệm?