Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh có nhiều sự thuận lợi về điều kiện địa lý của tỉnh ven biển, dồi dào tiềm năng đất đai ở cả 2 vùng ngọt và lợ để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, một thời gian dài, nền nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu, không gắn kết được công nghiệp chế biến nhằm tạo ra hàng hóa quy mô lớn, có chất lượng, mẫu mã và thương hiệu thu hút được thị trường.
Nhận thấy rõ những hạn chế, tỉnh Trà Vinh đề cao quyết tâm mạnh dạn xóa cũ thay mới, tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tạo bước chuyển biến tích cực. Những năm qua, với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp hợp lý cùng sự mạnh dạn thực thi nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tập trung đưa khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh thu hút đầu tư... Trà Vinh đã tạo được bước chuyển biến tích cực cho ngành nông nghiệp.
Có 4 mục tiêu lớn được tỉnh đề ra và tập trung mọi nguồn lực thực hiện là: Đầu tư về hạ tầng kỹ thuật cho nông nghiệp; xóa bỏ triệt để thói quen phương thức sản xuất lạc hậu; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất công nghiệp chế biến.
Với mục tiêu đó, tỉnh Trà Vinh tập trung nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật về toàn bộ hệ thống kênh mương thủy lợi với hàng trăm cống ngăn mặn trữ ngọt, hàng nghìn km đường dây điện trung thế, hạ thế. Ngành nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh kết nối với Trường học Đại Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nuôi trồng thủy sản Nha Trang…để nghiên cứu về thổ nhưỡng, thực nghiệm, hình thành các mô hình sản xuất, chăn nuôi, cây con mới cho năng suất, chất lượng cao.
Ngoài ra, tỉnh thực thi nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, chính sách khuyến khích người dân tham gia vào kinh tế tập thể để tạo lợi thế đưa cơ giới hóa, khoa học - kỹ thuật, sản xuất hàng hóa tập trung, dễ kết nối thị trường cho đầu ra sản phẩm nông sản.
Chính vì vậy, sau 5 năm Trà Vinh gần như đã xóa bỏ cơ bản của phương thức sản xuất lạc hậu. Điển hình về trồng trọt, hơn 90% diện tích được cơ giới hóa trong sản xuất. Nông dân chủ động sản xuất 2 vụ lúa trong năm, với giống mới cho năng suất cao và chất lượng đạt chuẩn xuất khẩu. Những vùng đất có điều kiện phù hợp được bố trí 2 vụ lúa – 1 vụ màu, 2 vụ màu – 1 vụ lúa đặc sản, lúa kết hợp nuôi thủy sản và hình thành nhiều cánh đồng lớn, vùng lúa chất lượng, giúp nông dân có thu nhập từ 100 – 200 triệu đồng/ha /năm.
Nhiều mô hình như nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao, xen canh lúa – tôm càng xanh, 1 vụ lúa – 1 vụ tôm sú, cho mức thu nhập từ 100 – 200 triệu /ha/năm. Riêng mô hình nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao cho thu nhập lên đến 500 triệu đồng/ha/năm.
Mặt khác, toàn tỉnh cũng thành lập được 142 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 26.000 thành viên là nông dân. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chủ lực tập trung theo quy hoạch, như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, rau an toàn, đậu phộng, mía đường, cây ăn trái, dừa, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thuỷ sản.
Tạo được bước chuyển biến tích cực, tỉnh Trà Vinh đang tiếp tục phấn đấu đạt đến mục tiêu là xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Vì vậy, tỉnh đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng nông, lâm thủy sản đạt 2,5 – 3%/năm; phát triển nông nghiệp đi đôi với công nghiệp nông thôn.
Ông Phạm Minh Truyền - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi tiết để chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Cụ thể đến năm 2020, tỉnh mở rộng diện tích cây ăn trái lên 20.000 ha, sản lượng đạt 311.300 tấn; trong đó xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực để xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 3.500 ha; xây dựng vùng cây ăn trái đặc sản tập trung ở huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Càng Long và thành phố Trà Vinh với các loại cây, như bưởi da xanh, bưởi năm roi, măng cụt, xoài cát, quýt đường, dừa sáp…