“Mô hình nuôi tôm giống PL 40 không chỉ được áp dụng rộng rãi ở tỉnh Phú Yên mà các địa phương khó khăn khác cũng đang được hưởng lợi từ dự án này”.
Anh Lê Hồng Duyệt, Trưởng bộ phận tôm thực nghiệm, doanh nghiệp tư nhân thủy sản Đức Lộc (Phú Yên), tác giả dự án vừa được vinh danh trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2017 đã chia sẻ với PV Đại Đoàn Kết.
Anh Lê Hồng Duyệt.
PV:Công trình nghiên cứu của anh đang được bà con tỉnh Phú Yên ứng dụng như thế nào trong sản xuất?
Anh Lê Hồng Duyệt: Mô hình nuôi tôm giống PL 40 (tôm ương Gree House) sẽ giúp chúng ta ươm con giống từ giai đoạn nhỏ đến giai đoạn lớn, làm cho con tôm có sức đề kháng cao, tỷ lệ sống cao hơn và có thể chống chọi được với các dịch bệnh hiện nay, đặc biệt là bệnh hoại tử xuất hiện trên con tôm trắng. Đây là loại bệnh gây thiệt hại rất nhiều về kinh tế cho người nuôi tôm trên phạm vi toàn quốc.
Quy trình nuôi tôm hoàn toàn sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh nên nguồn nước thải ra không có dư lượng thuốc kháng sinh trong nước, đảm bảo tính bền vững và an toàn cho nguồn nước cũng như các loài tự nhiên.
Hiện nay, mô hình nuôi tôm này đang được ứng dụng ở các vùng miền nuôi trồng thủy sản trên khắp cả nước với chi phí đầu tư ban đầu không lớn, dễ tiến hành trên quy mô, diện tích khác nhau.
Quá trình ương kiểm soát tốt nên rủi ro cho môi trường và dịch bệnh thấp hơn so với hình thức nuôi trồng truyền thống. Hiện mô hình này đã được nhiều tập đoàn, chuyên gia nước ngoài tới tham quan và đánh giá cao.
Đối với tỉnh Phú Yên, ngành chăn nuôi thủy hải sản được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao nên việc nghiên cứu để ứng dụng mô hình nuôi tôm này được coi là cần thiết để giúp người dân vùng biển đảo vơi bớt khó khăn.
Vậy, trong quá trình thực hiện công trình này, anh cùng cộng sự có gặp những khó khăn gì?
- Chúng tôi bắt đầu ấp ủ công trình này từ năm 2014. Trong quá trình thực hiện cũng có những khó khăn nhất định về mặt kỹ thuật cũng như quá trình chuyển giao khoa học công nghệ cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, những khó khăn đó lại càng làm chúng tôi quyết tâm để thực hiện tốt hơn công trình nghiên cứu của mình với tinh thần cố gắng làm sao tạo ra giải pháp để giúp cho ngành nuôi tôm thẻ chân trắng của Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung phát triển.
Là 1 trong 72 tác giả được vinh danh trong “Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2017”, anh có cảm nhận như thế nào?
- Thật sự mình cảm thấy rất vui và tự hào khi lần đầu tiên được ra Hà Nội để nhận giải thưởng “Sách vàng sáng tạo Việt Nam” do UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Đây là một giải thưởng vô cùng danh giá để động viên, cổ vũ những nhà khoa học tiếp tục cống hiến.
Đặc biệt, việc công bố và tôn vinh các tác giả đạt giải “Sách vàng sáng tạo Việt Nam” là động lực to lớn để những nhà khoa học trẻ như mình tiếp tục sáng tạo đưa ra những mô hình, những sáng kiến mới có tính ứng dụng cao và có thể áp dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Ngoài việc trao giải thưởng “Sách vàng sáng tạo Việt Nam”, UBTƯ MTTQ Việt Nam còn phát động phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, theo anh, làm thế nào để các nhà khoa học trẻ sáng tạo?
- Theo tôi, sáng tạo chính là động lực để con người hoàn thiện mình hơn. Tuy nhiên, sáng tạo phải mang tính thực tế, có tính ứng dụng cao, được xã hội công nhận, được áp dụng rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân thì sự sáng tạo đó mới có giá trị.
Việc UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động phong trào “Đoàn kết sáng tạo” cũng sẽ giúp những nhà khoa học, những trí thức có thêm tâm thế để tiếp tục sáng tạo phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thông qua lễ công bố “Sách vàng sáng tạo Việt Nam” và phát động phong trào sáng tạo, chúng tôi mong Đảng, Nhà nước sẽ tạo điều kiện hơn nữa, tổ chức nhiều cuộc thi, nhiều giải thưởng hơn nữa để động viên những nhà khoa học trẻ tiếp tục sáng tạo, tiếp tục cống hiến.
Trân trọng cám ơn anh!