Ngày 12/4, đến tham quan thực tế mô hình nuôi trồng thủy sản ở Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (huyện Củ Chi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, bối cảnh hội nhập đã tạo nhiều sức ép để ngành nông nghiệp đóng góp nhiều hơn nữa cho ngân sách quốc gia. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là cách làm thích ứng với hội nhập và phù hợp với định hướng hiện đại của nước ta hiện nay.
Chìa khóa để nông nghiệp cất cánh
Trong 55 dự án tiêu biểu đầu tư vào vùng tây bắc TP HCM, có tới 18 dự án về hạ tầng giao thông - kỹ thuật và phần lớn nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và chỉnh trang đô thị. TP HCM kỳ vọng “cú hích” phát triển từ các vùng vệ tinh sẽ giúp thành phố giữ vững vai trò đầu tàu của mình.
Ông Phạm Đình Dũng - Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP HCM cho biết, tại đây đã có thể phát triển được các nguồn giống mới có đặc tính vượt trội và giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, hơn 100 quy trình kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao cũng đã hoàn thiện để sẵn sàng chuyển giao ứng dụng cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Cũng theo ông Dũng, đến nay các đơn vị hoạt động trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM đã sản xuất và cung cấp hơn 369 tấn hạt giống F1 các loại; hơn 6 triệu hạt giống dưa lưới F1; 10-20 triệu cây lan giống/năm và từ 3-5 triệu con cá giống/năm.
Về các thành tựu này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao, cho rằng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP HCM đã tiên phong của cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững. Từ mô hình này, tới đây Trung ương sẽ tiếp tục khuyến khích các địa phương nghiên cứu, hình thành các mô hình nông nghiệp công nghệ cao bằng cơ chế hấp dẫn để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia.
Tại buổi làm việc với các lãnh đạo Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP HCM tại huyện Củ Chi, Chủ tịch nước kỳ vọng TP HCM tiếp tục là nơi thu hút được hàm lượng chất xám, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giúp hoàn thiện cơ chế từ công nghệ đến tư vấn nghiên cứu thị trường, xây dựng mô hình kinh doanh, kênh phân phối cho nông nghiệp công nghệ cao.
“Nông nghiệp dù chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong GRDP của TP HCM nhưng đang ở một tầm xa hơn, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM là một trong những mô hình dẫn đầu của cả nước” - Chủ tịch nước nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, đây cũng sẽ là “chìa khóa” để đất nước hướng đến phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, khắc phục các khó khăn của nền nông nghiệp truyền thống vốn manh mún và còn tính mùa vụ, từ đó nâng cao khả năng thích ứng với thời tiết, biến đổi khí hậu. Và đây cũng là giải pháp tất yếu để hiện đại hóa ngành nông nghiệp Việt Nam.
“Cú hích” từ vùng Tây Bắc
Vùng tây bắc của TP HCM bao gồm các huyện Củ Chi và Hóc Môn, vốn còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhất là quỹ đất cho ngành nông nghiệp và phát triển đô thị trong tương lai.
Theo ông Đặng Phúc Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), tại thời điểm diễn ra hội nghị đã có 55 dự án tiêu biểu được kêu gọi đầu tư vào 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn. Các dự án đã được giới thiệu và triển lãm bên lề hội nghị, cùng với một số sản phẩm công nghệ cao của 2 địa phương này. Tổng nguồn vốn đầu tư vào 55 dự án đầu tư kể trên là 285.524 tỷ đồng (tương đương 12,5 tỷ USD), bao gồm các lĩnh vực về hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong đó, lĩnh vực có số lượng dự án mời gọi đầu tư lớn nhất là hạ tầng giao thông - kỹ thuật với khoảng 18 dự án.
Là khu vực rất hấp dẫn đầu tư và đang có những tín hiệu khả quan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai huyện Hóc Môn và Củ Chi đóng vai trò như một cực tăng trưởng mới của TP HCM trong tương lai gần. Do đó, việc mở rộng hơn nữa không gian phát triển kinh tế của TP HCM về phía tây bắc là quyết định mang tính chiến lược và đem lại cơ hội về công ăn việc làm và sinh kế cho người dân.
Muốn vậy, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cả hai địa phương cần thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình triển khai của các nhà đầu tư, các dự án đã cam kết trên địa bàn. Và để thu hút được dòng vốn đầu tư đa lĩnh vực, cả Hóc Môn và Củ Chi đều phải chủ động có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thông thoáng, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Trong quá trình đó, chính quyền cần đặt quyền và lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm để nỗ lực tìm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao mức sống cho người dân, đồng thời quan tâm các vấn đề về nhà ở cho công nhân, người lao động trên địa bàn.
Theo định hướng phát triển, huyện Củ Chi sẽ không lên quận mà được quy hoạch phát triển thành thành phố trực thuộc TP HCM (trước đó TP Thủ Đức là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước, trực thuộc TP HCM). Trong khi đó, UBND TP HCM cũng đã có kế hoạch xây dựng đề án đầu tư các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP HCM) giai đoạn 2021-2030 đối với huyện Hóc Môn vào trước năm 2025.