Tạo đột phá cổ phần hóa

Hồ Hương (thực hiện) 07/08/2016 07:21

Thời gian qua, Chính phủ rất tích cực thúc đẩy tiến trình cải cách DNNN, thông qua việc cổ phần hóa. Theo ông Đặng Quyết Tiến- Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg, theo đó sẽ ban hành kèm theo danh sách các DN thực hiện cổ phần hóa cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Dự kiến, giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện cổ phần hóa 194 doanh nghiệp.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 20-7) có 43 doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), trong đó có 6 tổng công ty. Tổng giá trị thực tế của 43 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 29.907 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 22.240 tỷ đồng. Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã cho thấy sự tích cực của mình trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách DNNN thông qua việc ban hành hàng loạt các quyết định và chỉ thị quy định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. PV Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến- Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính về công tác CPH.

PV:Thưa ông, CPH vẫn chậm. Việc IPO thời gian qua một số DN cũng “ế ẩm”, lượng cổ phần bán được thấp. Theo ông làm thế nào để khắc phục được vấn đề này?

Ông Đặng Quyết Tiến: Thời gian qua việc IPO đã chứng kiến sự không thành công của nhiều DNNN vì lượng cổ phần bán được thấp, cá biệt có một số DN chào bán 30 - 40% cổ phần, nhưng chỉ bán được 1- 2% cổ phần.

Cụ thể như: Tổng công ty Viglacera, tỷ lệ dự kiến bán ra là 25,83%, tỷ lệ thực tế bán được chỉ 8,52%; Tổng công ty Viwaseen, tỷ lệ dự kiến bán ra là 28,62%, tỷ lệ thực tế bán được 1,84%; Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, tỷ lệ dự kiến bán ra 27,02%, tỷ lệ thực tế bán được 5,39%...

Trong quá trình CPH, khâu chuẩn bị- bao gồm xây dựng kế hoạch, hình dung ban đầu về cổ đông chiến lược, phương pháp xử lý các vấn đề tài chính và chuẩn bị xác định giá trị doanh nghiệp và lựa chọn được tư vấn rất quan trọng.

Vai trò của tư vấn không phải là tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp mà là tư vấn xây dựng phương án CPH, xây dựng hình ảnh DN trong tương lai, tư vấn tìm cổ đông thích hợp, tư vấn để bán thành công.

Đối với DNNN IPO thất bại, nếu muốn bán tiếp phải làm thận trọng, điều chỉnh tỷ lệ và thay đổi cách bán để đảm bảo bán được hết. Trong đó, sau khi đã IPO chuyển sang công ty cổ phần, DN có thể tiến hành tái cơ cấu, rà soát lại những tồn tại về tài chính để tiếp tục xử lý, từng bước cải thiện bức tranh của DN sáng hơn, tốt hơn.

Để làm được điều đó, phải lựa chọn được công ty tư vấn chất lượng có thể tìm được nhà đầu tư chiến lược, có cách thức bán mới để khối lượng đặt mua phải chắc chắn.

Từ thực tiễn IPO thời gian qua cho thấy, không phải cứ DN tốt là bán được, quan trọng là khâu chuẩn bị đi bán, một anh bán mà lúc nào cũng đon đả, tươi cười, dù hàng có giá đắt một chút khách hàng cũng sẽ mua. Ngược lại, nếu anh bán hàng mặt luôn cau có thì khó bán được.

Chọn đơn vị tư vấn ở đây là chọn được đơn vị có trình độ, họ đưa ra được lợi thế, cơ hội của DN. Có nhiều DN khi chào bán cổ phần, phần lợi thế, điểm yếu chép y nguyên như sách giáo khoa thì sẽ không ai mua. Nghĩa là đơn vị tư vấn đưa nguyên phương án CPH của DN khác, đánh giá hiệu quả mà không có cơ sở pháp lý để so sánh, thuyết phục nhà đầu tư. Do đó, nếu việc bán vốn không thành công thì phải xem lại trách nhiệm của tư vấn CPH. Nếu chỉ bán được 1 - 2% thì không hoàn thành nhiệm vụ.

Sắp tới Ban chỉ đạo CPH cần phải khắt khe hơn trong việc lựa chọn tư vấn để đảm bảo chất lượng tư vấn. Cùng với đó việc sửa đổi Nghị định 59/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cũng đang được Bộ Tài chính triển khai nhằm cụ thể hóa các tư tưởng mới về sắp xếp, CPH DNNN mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Ông có thể cho biết một số điểm mới được quy định tại Nghị định sửa đổi Nghị định 59, theo ông điểm nhấn nào quan trọng nhất để thúc đẩy tiến trình CPH DNNN?

- Về phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 3 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Phương thức dựng sổ để bán cổ phần này là một phương thức phổ biến trên thế giới cần được nghiên cứu áp dụng trong quá trình cổ phần hóa. Phương pháp dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.

Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Về bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp CPH có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện.

Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo CPH trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước.

Thực tế trong thời gian qua, có doanh nghiệp CPH không xác định cụ thể nhà đầu tư có tiềm năng (công nghệ, thị trường, vốn…) tham gia mua cổ phần nhưng vẫn phát triển tốt (như Sabeco...); một số DN chỉ có 1 nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, sẽ thực hiện bán theo phương thức thỏa thuận trực tiếp cũng dẫn đến dễ thất thoát vốn của Nhà nước và không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và thị trường trong quá trình CPH.

Mặt khác, Nghị định số 116/2015/NĐ-CP đã không còn quy định tỷ lệ khống chế số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP thì tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược không vượt quá 50% số cổ phần bán ra bên ngoài).

Như vậy, các nhà đầu tư nếu cần mua cổ phần sẽ thực hiện tham gia đấu giá mà không cần phải tiến hành các thủ tục xây dựng tiêu chí lựa chọn, xây dựng các cam kết để trở thành nhà đầu tư chiến lược; sau khi mua cổ phần, nhà đầu tư sẽ căn cứ tỷ lệ vốn góp để tham gia quản trị doanh nghiệp theo điều lệ công ty cổ phần.

Doanh nghiệp sản xuất.

Chính phủ đã lên kế hoạch tái cơ cấu DNNN cho giai đoạn 2016- 2020. Ông có thể cho biết chi tiết hơn về bản kế hoạch này?

- Về kế hoạch sắp xếp, CPH, theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN, theo đó sẽ ban hành kèm theo Quyết định này danh sách các doanh nghiệp thực hiện CPH cho phù hợp với yêu cầu thực tế năm 2015 và nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì dự kiến trong giai đoạn 2016-2020 sẽ thực hiện cổ phần hóa 194 DN (chưa bao gồm các DN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, SCIC và DN 100% vốn cấp 2 của tập đoàn kinh tế đã có chủ trương cổ phần hóa công ty mẹ, DN 100% vốn cấp 2 của tổng công ty, công ty mẹ - con).

Sau khi danh sách kèm theo Quyết định thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg được ban hành, các đơn vị sẽ tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về CPH.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo đột phá cổ phần hóa