Ngày 9/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc”.
Chủ trì Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng, Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, sau 14 năm thi hành đã thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân từ nhiều thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực hoạt động của điện ảnh. Tuy nhiên, cũng theo sự phát triển, luật đã bộc lộ nhiều bất cập dẫn tới việc cần thiết phải sửa đổi.
Dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh sẽ tập trung vào một số vấn đề, như: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim; Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam; Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước; Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Vấn đề duyệt phim, nhất là duyệt phim trong nước nhận được nhiều ý kiến. Bởi lẽ, phim là một tài sản lớn. Để có một bộ phim, nhà đầu tư phải tốn một khoản kinh phí rất lớn, có phim lên tới vài chục, thậm chí hàng trăm tỷ. Nhiều nghệ sĩ, nhân công phải làm việc vài tháng, hàng năm trời mới sản xuất sản xuất được một bộ phim. Nếu không may phim không được duyệt thì nhà đầu tư lỗ lớn, thậm chí phá sản.
Ông Trần Thanh Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Trung ương thẩm định phân loại phim truyện cho rằng: Không nên dùng từ “duyệt phim” mà nên dùng từ “thẩm định”. Việc thẩm định phim truyện trong nước nên để cho Giám đốc cơ sở sản xuất phim và Hội đồng nghệ thuật của cơ sở sản xuất phim đó…
Không nên sợ Hội đồng nghệ thuật của cơ sở sản xuất yếu. Họ sẽ biết tìm chuyên gia để Hội đồng của họ đủ mạnh giúp cho Giám đốc có sự thẩm định chính xác. Việc giao quyền thẩm định và phân loại phim cho các cơ sở làm phim tự thực hiện là sự khuyến khích tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội của người làm phim. Còn đối với phim nhập khẩu thì theo đơn vị thẩm định và phân loại của Hội đồng do Bộ VHTTDL thành lập.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Theo kinh nghiệm tham gia xây dựng thể chế gần 20 năm qua, tôi thấy rằng Luật Điện ảnh cần chú trọng tới 3 giải pháp khi xây dựng dự thảo. Thứ nhất, bảo vệ tối đa quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ; Thứ hai, bảo vệ tài sản trí tuệ của các nhà làm phim; Thứ ba, tạo hệ sinh thái để các nhà làm phim phát triển. Để đảm bảo quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ thì phải đổi mới cơ chế duyệt phim.
Đầu tiên là xóa cơ chế độc quyền. Các đài truyền hình đủ năng lực có thể duyệt phim truyền hình và thậm chí cả phim chiếu rạp. Cũng nên bỏ quy định tại Dự thảo 24.1.c: Các đài truyền hình chỉ có quyền quyết định phát sóng phim trên hệ thống của mình quản lý.
Điều này không hợp lý vì công nghệ hiện đại cho phép khán giả của tỉnh này đều có thể xem được kênh truyền hình của tỉnh khác. Tất nhiên là đài truyền hình nào duyệt đầu tiên thì đài đó phải chịu trách nhiệm. Về Hội đồng thẩm định phim thì nên nghiên cứu cơ chế cấp phép cho một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định phim, nếu có đủ năng lực.
Ví dụ một nhóm 5 đến 10 người từng có kinh nghiệm trên 10 năm làm thẩm định thì có thể đứng ra thành lập doanh nghiệp thẩm phim. Doanh nghiệp này sẽ được cấp phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Dưới góc nhìn của bà Trương Phương Lan (Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp) cho rằng nên bỏ quy định về tạm đình chỉ, thu hồi Giấy phép phổ biến và phân loại phim. Bởi vì khi đã duyệt là duyệt kỹ, đảm bảo đúng pháp luật.
Còn khi đã duyệt là phải được phát hành chứ không tạm đình chỉ hay thu hồi nữa. Vì điều này sẽ dẫn tới hệ lụy các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, chấm dứt hoạt động, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của họ. Các hành vi cấm nên quy định cụ thể rõ hơn, không thể quy định chung chung kiểu “vi phạm thuần phong mỹ tục…”.
Về phim trên không gian mạng, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh nói: Chỉ riêng vấn đề khai thác, phổ biến phim trên không gian mạng và các phương tiện nghe nhìn, thiết bị di động là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2009 sẽ được đưa vào trong dự thảo.
Đi kèm với đó là những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh. Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, giấy phép còn chồng chéo, quy trình còn nhiều bước gây mất thời gian cho doanh nghiệp, các nhà sản xuất...
Sau khi lấy ý kiến sâu rộng phía Bắc và phía Nam, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết ban soạn thảo sẽ tổng hợp và soạn lại dự thảo. Dự kiến tháng 4/2021 Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ và Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ hop thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).