Trong những năm qua, các bộ phim lịch sử về các triều đại ở Việt Nam bước đầu đã ghi nhận những thành công và nhận được sự quan tâm từ khán giả. Bên cạnh những kịch bản hay thì vai trò của cổ phục trong phim đã và đang tạo ra hiệu ứng tích cực tới khán giả. Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã có những chia sẻ với báo chí về câu chuyện này.
GS Lê Văn Lan.
PV:Thưa Giáo sư! Theo ông đâu là yếu tố tạo nên thành công cho một phim lịch sử?
GS Lê Văn Lan: Điều đầu tiên có thể khẳng định là những người làm phim phải biết chọn quãng thời gian lịch sử để trở thành một tác phẩm điện ảnh. Tôi nói ví dụ dự án phim “Phượng Khấu” đang thực hiện. Việc chọn giai đoạn từ năm 1840 đến 1847, đời cầm quyền của vua Thiệu Trị là thích hợp nhất cho các tác giả, tác phẩm làm về triều Nguyễn và tránh được sự thiếu đồng nhất trong nhìn nhận lịch sử. Cùng với đó, làm “Phượng Khấu” là sự trả lại công bằng cho lịch sử, giúp lịch sử đến với mọi người một cách tươi tắn, sinh động. Đừng gọi “Phượng Khấu” là phim cổ trang, hãy gọi nó là bộ phim về những thâm cung bí sử, về những người phụ nữ trong cung đình đã có tác động đến triều chính từ hàng trăm, hàng ngàn năm nay
Là cố vấn về cổ phục cho phim “Phượng Khấu”, ông đã tư vấn như thế nào cho ê kíp làm phim?
- Chữ “cổ” ở đây rất mênh mông. Đời Lê từ thế kỷ 15 đến 18 hay đời Trần từ thế kỷ 13 sang 14 cũng là cổ. Nhưng chữ “cổ” chốt lại chỉ ở giai đoạn nhà Nguyễn bởi có nhiều điểm thuận lợi cho việc nghiên cứu lịch sử nói chung và cổ phục nói riêng. Hiện nay có rất nhiều tư liệu, ghi chép trong cổ thư để để các nhà làm phim có thể đối chứng. Tuy nhiên, phải nói rằng cổ phục thời Nguyễn cũng rất mênh mông nên chốt ở quãng nào thì các tác giả làm cổ phục phải có đầy đủ các tư liệu để tạo nên các trang phục đúng. Nhưng hiện nay chúng ta đã có đầy đủ các tư liệu và cả những nhân chứng.
Cảnh trong phim “Phượng Khấu”.
Đã có nhiều phim lịch sử sau khi ra mắt gặp những phản ứng bởi sự lệch lạc trong cách tạo hình, trang phục, bối cảnh... Theo ông chúng ta phải làm gì để khắc phục tình trạng trên?
- Việc dư luận hài lòng hay không hài lòng về cổ phục trong một bộ phim về đề tài lịch sử đã không còn là câu chuyện mới. Chúng ta có một điển hình từ thời bắt đầu làm phim lịch sử nhưng rất sơ sài, sơ yếu, điển hình phim “Hoàng Lê nhất thống chí”. Thật tội nghiệp khi đạo diễn, diễn viên chỉ nhận được một sự tài trợ rất khiêm tốn. Tôi không muốn nói tới chuyện cụ thể nhưng họ đã phải mượn trang phục này của các đoàn tuồng, đoàn chèo miễn là nó có vẻ “cổ cổ” một tý để đưa vào. Do đó, khi bộ phim ra mắt đã nhận được sự phản ứng rất dữ dội của dư luận về bị chê bai về sự tùy tiện. Phim lịch sử về sau này đã được đầu tư tốt hơn, trong đó đầu tư cho trang phục đã tiến bộ hơn, nhiều nhặn hơn.
Tuy nhiên, vẫn có những chê trách vì trình độ nhận thức của các tác giả làm phim, nhất là những chi tiết cụ thể, mà đặc biệt ở trang phục chưa nhiều. Trong thời đại ngày một phát triển đã đến lúc, từ việc nghiên cứu đến thể hiện thành những mẫu vật cụ thể, đưa các mẫu vật vào làm phim cần phải tốt hơn. Chúng ta đã có các quyển sách nghiên cứu, đã sưu tầm được những mẫu vật gốc và phục chế được những mẫu vật cụ thể của từng thời một, đặc biệt là triều Nguyễn nên có thể phần nào yên tâm hơn. Tất nhiên là sự yên tâm trong quá trình phát triển mà ngày càng tiếp cận và tiệm cận được với chân lý, sự thực và quan điểm thẩm mỹ, dần dần chúng ta sẽ có những phim lịch sử có cổ phục đẹp, đúng đắn hơn.
Theo ông phim về các triều đại phong kiến xưa ở Việt Nam có nhất định phải đúng sự thật không?
- Trong lịch sử, ví dụ ông vua ngáp kiểu gì, che tay ra làm sao, chúng ta cũng có tư liệu đấy nhưng mà nếu cứ “chằn chặn” như thế thì đâu còn là nghệ thuật. Ở đây, phải làm sao để nghệ thuật cộng với lịch sử để lịch sử được thăng hoa, đẹp đẽ vừa đúng với yêu cầu của từng thời gian trong các bước phát triển trong từng giai đoạn.
Đơn cử như bộ phim “Phượng Khấu” là một bộ phim về những chuyện thâm cung bí sử thời nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt Nam. Nghĩa là, bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu truyền thống cũng như thói xấu, mưu mẹo - một phần của lịch sử, cũng dồn về đó. Chắc chắn mọi người đều biết đây bộ phim về thời nhà Nguyễn chứ không phải bộ phim chính trị. Trong đó, lịch sử thâm cung bí sử ở bên hậu cung của triều đại nhà Nguyễn sẽ vừa được thu gọn và tạo ra những phân khúc mới tạo nên sự hấp dẫn, ly kỳ.
Có một thực tế là lâu nay những người làm phim lịch sử Việt Nam quen với việc xây dựng kịch bản về lịch sử chính trị, quân sự, triều chính. Mảng đề tài về thâm cung, bí sử có tính ly kỳ, hấp dẫn lâu nay đang bị bỏ quên không khai thác. Đây có thể nói là một “mỏ” đề tài rất phong phú, sâu sắc, sinh động để các nhà làm phim khai thác, cũng như thời Lý, Tiền Lê, Đinh, Ngô… trước đó chưa có nhiều nhà làm phim dám khai thác.
Trân trọng cảm ơn ông!