Văn hóa

Tạo sức hút cho dòng phim lịch sử

Minh Quân 18/04/2024 08:41

Những câu chuyện về lịch sử, chiến tranh luôn là đề tài lớn, hấp dẫn cho các nhà làm phim. Tuy nhiên, ở Việt Nam mảng đề tài này dường như đã qua thời hoàng kim khi đang thiếu dần các tác phẩm được đầu tư cả về chất và lượng.

anhbaitren(3).jpg
Cảnh trong phim Mùi cỏ cháy. Ảnh: ĐPCC.

Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại

Trong suốt chiều dài phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam, các bộ phim về đề tài lịch sử, chiến tranh đã trở thành cầu nối giao lưu văn hóa giữa quá khứ và hiện tại. Trong đó, không ít tác phẩm mảng đề tài này đã trở thành những bộ phim kinh điển. Có thể kể đến Chung một dòng sông, Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Hà Nội 12 ngày đêm, Giải phóng Sài Gòn, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy… Mới đây nhất là Đào, phở và piano.

Tuy đề tài lịch sử, chiến tranh chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam, nhưng hiện nay với điều kiện kinh tế thị trường, khi các hãng phim tư nhân được tham gia hoạt động sản xuất phim thì mảng đề tài này không phải là sự lựa chọn số một đối với nhà đầu tư. Do thể loại phim truyện chiến tranh lịch sử vừa kén khách, vừa đòi hỏi mức đầu tư tốn kém, phức tạp để có thể dàn dựng tái hiện bối cảnh, thiết kế may, thuê phục trang, trang bị đạo cụ, quân trang, quân dụng, tạo hiệu quả khói, lửa… mà khả năng thu hồi vốn lại rất khó. Từ đó hoạt động sản xuất phim truyện điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh, lịch sử hoàn toàn phụ thuộc vào sự đầu tư của Nhà nước.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú nhìn nhận, với cơ chế hiện nay, Nhà nước mới đầu tư cho việc sản xuất phim nói chung và phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh nói riêng mà chưa đầu tư cho việc khai thác, phổ biến phim. Trong khi đó, hệ thống rạp chiếu phim hiện đại đều thuộc sở hữu tư nhân hoặc các đối tác nước ngoài. Bất cứ bộ phim nào đến khai thác cũng phải trả tiền quảng cáo, tiền thuê rạp, tiền ăn chia theo tỷ lệ thỏa thuận giữa các bên liên quan. Ngoài ra, phải chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng, khi phim ít khách sẽ buộc phải bị loại ra để dành chỗ cho các bộ phim đông khán giả. “Đa số các bộ phim do Nhà nước đặt hàng đều lỗ vốn do quá ít người xem. Ngoài lý do nội dung kén khách thì còn do không có kinh phí quảng cáo nên người xem không biết đến. Thường sau một vài buổi chiếu ra mắt, hoặc một đợt chiếu ngắn phục vụ chính trị nhân dịp kỷ niệm ngày lễ, rồi cất vào kho” - ông Tú bày tỏ.

Những khó khăn

Có thể nói, ở giai đoạn trước, nhiều bộ phim đã thành công là do các nhà làm phim đã tận dụng được lợi thế của thời điểm lịch sử, những bối cảnh sẵn có mà bom đạn đã gây ra. Trong khi hiện nay, những nhà làm phim không tạo dựng và diễn tả được một cách chân thực không khí của cuộc chiến. Theo TS Trần Quang Minh - Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, với đội ngũ làm phim thế hệ mới (7x, 8x), việc thiếu vốn sống, thiếu trải nghiệm về chiến tranh là một trở ngại. Trưởng thành trong giai đoạn hòa bình, được tiếp nhận nhiều thông tin và chịu ảnh hưởng từ phim nước ngoài đã tác động đến hình thức thể hiện của họ. Chính vì vậy, tạo hình được thể hiện trong phim có thể không sát với thực tiễn ngày xưa.

Hiện nay, đáp ứng nhu cầu của khán giả đang là một thách thức không nhỏ với các nhà làm phim. Bởi trước Đào, phở và piano đã có rất nhiều bộ phim về mảng đề tài này được sản xuất nhưng đều nhận được những cái kết buồn cả về doanh thu lẫn chất lượng.

Dẫn chứng từ thực tế, ông Tú chia sẻ, sau hơn 10 năm ấp ủ kịch bản thì bộ phim điện ảnh “Địa đạo” về cuộc chiến đấu anh dũng trong lòng đất của du kích Củ Chi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã được Nhà nước quyết định đầu tư vốn sản xuất. Tuy nhiên, số tiền dự kiến đầu tư chỉ bằng một nửa tổng dự toán làm phim cần có. Đơn vị sản xuất đưa ra đề nghị được huy động thêm vốn từ nguồn xã hội hóa để đủ điều kiện dàn dựng một bộ phim về chiến tranh quy mô lớn nhưng đã không được chấp nhận do Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư không quy nạp lĩnh vực hoạt động văn hóa vào đối tượng điều chỉnh. Cuối cùng đạo diễn đã buộc phải khước từ nguồn tài trợ quý giá của Nhà nước để chạy vạy toàn bộ kinh phí sản xuất phim từ nguồn vốn bên ngoài.

Theo PGS.TS Trần Luân Kim - nguyên Viện trưởng Viện phim Việt Nam, phần lớn phim đề tài chiến tranh, lịch sử nói chung chưa thực sự thuyết phục về nội dung tư tưởng, cũng như chưa đạt mức cần thiết về nghệ thuật thể hiện. Khiếm khuyết này chủ yếu là do chưa vận dụng hết và đúng mức các thủ thuật thể hiện phim chiến tranh, lịch sử dẫn đến thiếu chân thật, kém hấp dẫn. Cá biệt, một số phim hướng theo mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ hoặc nhanh chóng thu hồi vốn. Đây một biểu hiện thiếu trách nhiệm, phai nhạt văn hóa truyền thống dân tộc.

Để phát triển phim truyện về đề tài chiến tranh, lịch sử trong bối cảnh hiện nay, đã đến lúc cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan quản lý cho đến nhà làm phim để tháo gỡ những vướng mắc. Chỉ khi được nhìn nhận đúng thì mới có các giải pháp hiệu quả và thiết thực, tạo điều kiện cho dòng phim này phát triển cũng như tạo ra được một môi trường thuận lợi để điện ảnh Việt Nam cất cánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo sức hút cho dòng phim lịch sử