Giáo dục

Tạo mọi điều kiện để học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Dung Hòa 21/04/2025 08:30

Diễn ra từ ngày 18 - 20/4 tại Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII năm 2025 nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên; hình thành văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục; nâng cao chất lượng công tác tư vấn nghề nghiệp.

Các gian hàng trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII.
Một gian hàng trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VII. Ảnh: Mạnh Tùng.

Khởi nghiệp là một môn học

Bà Nguyễn Thị Kim Chi - Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) cho hay, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, đến nay trên một chương trình tổng thể đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, nội dung khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã được tích hợp vào chương trình đào tạo của nhiều cấp học, nhất là bậc ĐH và cao đẳng (CĐ). Trên 120 cơ sở giáo dục ĐH đã đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, dưới hình thức bắt buộc hoặc tự chọn.

Tinh thần khởi nghiệp không còn là khẩu hiệu, mà thực sự lan tỏa và thấm sâu vào môi trường học đường – từ phổ thông đến ĐH. Đến nay, hơn 65% địa phương triển khai kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông. Ở bậc ĐH, kết quả rất đáng khích lệ: 100% cơ sở giáo dục ĐH đã ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, hơn 75% trường đã có không gian sáng tạo, 43% thành lập trung tâm khởi nghiệp, và đặc biệt – 100% các trường đều có hợp tác với doanh nghiệp và vai trò dẫn dắt của các doanh nhân. Trong đó, những cơ sở giáo dục ĐH hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tiêu biểu như: 2 ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH kinh tế TPHCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM… có chuỗi kết nối từ giảng đường đến doanh nghiệp, từ ý tưởng đến thực tiễn.

Sự kiện năm 2025 cũng nhằm tổng kết 7 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”; đề xuất giải pháp, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đánh giá của Bộ GDĐT, sau 7 lần tổ chức, Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” trong khuôn khổ Ngày hội đã nhận được gần 2.239 dự án đến từ các cơ sở giáo dục ĐH; 4.598 ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp và hơn 1.299 dự án đến từ các trường THPT, THCS. Trong đó, 80% các dự án đã có sản phẩm và 20% dự án là ý tưởng hoặc sản phẩm đang ở mức sản xuất thử. Chất lượng của các ý tưởng, các dự án khởi nghiệp ngày càng tốt hơn, được các doanh nghiệp đánh giá cao. Trong số các dự án đoạt giải của Cuộc thi, đã có những dự án nhận được đầu tư từ Nhà nước và đã được triển khai sản xuất tại một số địa phương.

Cần cam kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

Cũng trong khuôn khổ Ngày hội, các hội thảo tìm giải pháp khích lệ sinh viên khởi nghiệp đã được tổ chức. Theo ông Trần Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT), đội ngũ giáo viên giữ vai trò nòng cốt trong việc định hướng, truyền cảm hứng và trang bị kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh. Việc nâng cao năng lực giáo viên về tư vấn nghề nghiệp và khởi nghiệp là điều kiện tiên quyết để triển khai hiệu quả hoạt động này trong nhà trường.

Nhiều giải pháp cũng được đề xuất tại các hội thảo. TS Lê Thị Duyên (Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng) kiến nghị, xây dựng cơ chế hợp tác cụ thể giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động tư vấn, hướng nghiệp và khởi nghiệp. TS Vũ Đình Bảy - Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục TPHCM đề xuất phương pháp tư vấn hướng nghiệp cá nhân hóa, phù hợp với đặc điểm, năng lực và nguyện vọng của từng học sinh. Ở góc độ giáo dục nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Kim Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ FPT Polytechnic đề xuất, xây dựng bộ khung năng lực AI – khởi nghiệp để tạo nền tảng phát triển cho người học, đồng thời hình thành hệ sinh thái công nghệ hỗ trợ khởi nghiệp.

Theo ông Đặng Văn Huấn - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), cần thiết phải ban hành bộ chỉ số đánh giá về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đồng thời đề nghị lãnh đạo các cơ sở giáo dục ĐH cần có sự cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả. Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng tài liệu, tổ chức, tập huấn đội ngũ giảng viên, mentor nhằm đảm bảo cả về số lượng và chất lượng nguồn lực phục vụ công tác giảng dạy và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo mọi điều kiện để học sinh, sinh viên khởi nghiệp