Thảo luận ở Hội trường, về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhiều ĐBQH cho rằng, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro. Luật cần đơn giản hóa các thủ tục, công khai minh bạch để không để xảy ra tình trạng, sân sau, lợi ích nhóm.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại Hội trường ngày 19/11. Ảnh: Quang Vinh.
Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhiều ĐB cho rằng, Dự án luật là cơ sở pháp lý quan trọng để kêu gọi vốn xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án hạ tầng lớn, góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, Luật cần đơn giản hóa các thủ tục, công khai minh bạch để không để xảy ra tình trạng sân sau, lợi ích nhóm.
Cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra độc lập
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Cũng theo ông Hòa, các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm để không tạo sân sau, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong Dự luật. Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư. Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác, phải tính giá trị theo cơ chế thị trường, chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt.
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), thời gian qua, các dự án PPP đã đóng góp lớn cho phát triển của đất nước. Tuy nhiên thực hiện các dự án BOT có dấu hiệu chững lại, nhiều dự án BOT giao thông khiến người dân bức xúc, có dự án phải dừng thu phí chưa biết bao giờ thực hiện thu, trong khi phát sinh thêm tiền lãi rất lớn, sau này người dân phải trả qua tiền phí. Hay nhiều dự án BT thanh toán bằng quỹ đất bất hợp lý, nhà đầu tư thu lợi quá lớn gây bức xúc trong xã hội, thiệt hại cho Nhà nước. Thực trạng này cho thấy chính sách về dự án PPP đang có vấn đề, không hoàn thiện, khó kêu gọi đầu tư hoặc tiếp tục gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì vậy xây dựng luật phải xuất phát từ bản chất của dự án PPP và thực tiễn của Việt Nam.
Từ đó ông Hàm cho rằng, luật phải quy định khung xây dựng phương án tài chính để dự tính sát nguồn thu và có cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp. Ví dụ như cách xác định, thời điểm xác định, các quy định của luật khác áp dụng để xác định giá trị đất, tài sản công dùng thanh toán cho nhà đầu tư hay nguyên tắc xác định mức thu của người sử dụng công trình, dịch vụ mà thực chất là thu của cơ quan nhà nước và người dân.
“Đối với cơ chế chia sẻ rủi ro, quy định như Dự thảo luật là bất hợp lý vì cho phép khi doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính trong hợp đồng thì được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời hạn hợp đồng. Đối với các công trình trọng điểm, Nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc được chia thêm phần tăng thu. Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế; bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế và luôn có lợi nhuận, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh tìm nhà thầu phù hợp, vi phạm nguyên tắc thị trường là lời ăn lỗ chịu”-ông Hàm nhìn nhận và kiến nghị, ngoài cơ chế kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cần có cơ chế thanh tra, kiểm tra độc lập, từ bên ngoài của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ khâu dự toán, đến quyết toán để xử lý vi phạm và phân chia chính xác lợi ích, chi phí của nhà đầu tư, Nhà nước, người dân.
Phát triển hạ tầng giao thông hiện đại cần nhiều nguồn vốn từ xã hội hóa.
Chặt chẽ nhưng phải đảm bảo thông thoáng
Theo ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), việc áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư ở Việt Nam mặc dù muộn nhưng vẫn kịp thời nếu được triển khai hiệu quả, binh bạch. Điều quan trọng hiện nay là làm sao để ban hành được một bộ luật về lĩnh vực này với những điều khoản, quy định cụ thể, khoa học vì thời gian qua đã xảy ra nhiều bất cập trong hoạt động đầu tư theo hình thức này.
Ông Trí cho rằng, các công trình công sau khi đã khai thác xong và bàn giao vẫn phải đảm bảo có giá trị chứ không thể để xảy ra hư hỏng, mất giá trị như hiện nay. Vì vậy, Dự thảo luật phải có những quy định rõ ràng, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.
Cùng chung quan điểm, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) cũng cho rằng, đầu tư của Nhà nước theo hình thức PPP là đầu tư công, tài sản hình thành từ tài sản công do đó phải được thanh tra, kiểm toán. Vì vậy cần giao cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán với toàn bộ dự án PPP qua đó giúp cho Nhà nước thêm kênh giám sát và hiệu quả hơn, để quá trình đầu tư diễn ra minh bạch, đúng theo quy định của pháp luật và theo Luật Kiểm toán Nhà nước.
Trong khi đó, các ĐB Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) và Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị, cần rà soát trình tự thủ tục trong thanh toán cho doanh nghiệp, và nhà đầu tư theo hình thức BT. Vốn cho dự án PPP cần ưu tiên cho quá trình giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó cần công khai minh bạch các thủ tục, đơn giản hóa các thủ tục để thu hút nhà đầu tư đồng thời cần quy trách nhiệm của nhà đầu tư trong thi công dự án, cũng như vai trò của chính quyền địa phương trong quá trình giám sát, nghiệm thu công trình.