Trưởng ban Dân vận Trương ương Trương Thị Mai cho rằng, những người đến với Mặt trận phải là những người tiêu biểu, những người có tinh thần yêu nước nồng nàn và có những đóng góp tích cực cho công tác Mặt trận. Đây chính là nguồn sinh lực mới thông qua những con người cụ thể, sức mạnh của Mặt trận chính là hiệp thương, thống nhất hành động để giải quyết những vấn đề phát sinh...
Quang cảnh buổi làm việc.
Chiều 28/5, tại Hà Nội, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Kết luận 62-KL/TW đã làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam về kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 62-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.
Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các thành viên trong đoàn công tác.
Về phía Đảng đoàn MTTQ Việt Nam có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc.
Hướng về cơ sở
Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho biết, qua 10 năm triển khai, MTTQ các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động trên tất cả các lĩnh vực công tác, thông qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị. Cấp uỷ Đảng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Mặt trận. Công tác phối hợp giữa chính quyền, các ban, ngành với MTTQ và các đoàn thể chính trị- xã hội được tăng cường chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, hoạt động của Mặt trận được tập trung về cơ sở và địa bàn khu dân cư với phương châm rõ nội dung, mục tiêu, phương thức thực hiện linh hoạt, thông qua đó nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực. Các cuộc vận động, phong trào được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân và sự chung sức của cả cộng đồng, tích cực tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội.
Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh, qua 10 năm, số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp ngày càng tăng và chất lượng cá nhân tiêu biểu đại diện các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia trên các lĩnh vực thể hiện được tính tiêu biểu, đại diện, thiết thực với tổng số Ủy viên Ủy ban các cấp là 422.977 người, số lượng tổ chức thành viên ở cấp Trung ương tăng lên 2, cấp tỉnh tăng lên 307, cấp huyện tăng 772.
Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Chính quyền từng bước đi vào nền nếp, qua đó MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện rõ nét hơn chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và nhân dân.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc.
Tích cực thích nghi với tình hình mới
Khẳng định Kết luận 62-KL/TW đã làm rõ hơn phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, Mặt trận đã thể hiện rõ vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó, sự phối hợp giữa các bên ngày càng nhịp nhàng, có trọng tâm, trọng điểm, theo kịp với tình hình thực tế và từng bước khắc phục bệnh dàn trải, bệnh hành chính, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; sát cánh cùng Quốc hội, Chính phủ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, Mặt trận đã đã tập hợp các lực lượng không chỉ bằng công tác tuyên truyền, phát triển tổ chức, mà còn thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua, hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chăm lo đời sống nhân dân. Đồng thời, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã động viên, phát huy tính sáng tạo của các đoàn viên, hội viên trong xây dựng các mô hình nhân dân tự quản, giữ gìn trật tự trị an, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, khuyến học, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn,...
Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn cho rằng, phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân hiện nay chưa theo kịp yêu cầu mới; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận có mặt còn hạn chế. Năng lực cán bộ và điều kiện hoạt động của Mặt trận một số nơi còn bất cập.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng thách thức với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay là việc thay đổi giai tầng cả về số lượng, chất lượng; những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác động của biến đổi khí hậu, tác động của mạng xã hội đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải tích cực thích nghi với tình hình mới.
Đây là yêu cầu cấp thiết và Mặt trận các cấp phải thể hiện vai trò hiệp thương thống nhất hành động, phải đưa ra tiếng nói chung, phương hướng làm việc chung để phát huy vai trò liên minh chính trị của các tổ chức thành viên.
“Phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trên cơ sở hiệp thương thống nhất hành động, chỉ có như vậy thì việc triển khai các phong trào, các cuộc vận động mới huy động được sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, nhiệm vụ bao trùm, quan trọng hàng đầu của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay là tiếp tục xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng và hành động, thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chính vì vậy cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là những cán bộ chuyên trách ở các cấp, phải lựa chọn những người đảm bảo năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, dám nói dám làm.
“Cán bộ làm công tác Mặt trận phải là những người tiên phong về nhận thức và gương mẫu trong hành động; biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, công khai nhận sai lầm, thiếu sót khi thực thi công vụ và có biện pháp khắc phục”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn bày tỏ.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc.
Trung tâm của khối đại đoàn kết
Ghi nhận những kết quả nổi bật của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện Kết luận 62-KL/TW, bà Trương Thị Mai cho rằng, thông qua 6 nội dung của Kết luận, MTTQ và các đoàn thể đã tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Từ đó góp phần củng cố vai trò, vị trí của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và tạo sự đồng thuận, sự tham gia của nhân dân trong quá trình phát triển đất nước.
Theo bà Trương Thị Mai, thời quan qua, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội; triển khai hiệu quả các mô hình tự quản, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn và chủ trì thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với nhiều kết quả tích cực và huy động được sự vào cuộc của quần chúng nhân dân, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, hội nhập quốc tế ở địa phương.
“Như vậy, có thể nói cả 3 vấn đề, một là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh có sự tham gia rất lớn của Mặt trận. Thứ hai là vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân, lòng tin của nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố. Thứ ba là tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong các mục tiêu chung để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Trương Thị Mai chỉ rõ.
Bà Trương Thị Mai đặc biệt lưu ý tới mô hình tự quản, thành công này không chỉ được ghi nhận ở MTTQ, mà vai trò của mô hình tự quản còn được khẳng định trong Luật đất đai, Luật đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật hoà giải ở cơ sở. Đặc biệt, Nghị quyết 18 cũng giao cho MTTQ tiếp tục nghiên cứu và có chuyên đề báo cáo về mô hình tự quản ở khu dân cư. “Như vậy, chúng ta đã tiến được những bước rất xa trong nhận thức, trong thực tiễn”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Cùng với đó, vai trò của Ban Công tác Mặt trận, Trưởng Ban Công tác Mặt trận được ghi nhận và đến nay vị trí này vẫn tiếp tục được thừa nhận trên các văn bản rất cụ thể, rõ ràng. Công tác phối hợp giữa Mặt trận với Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp, các cơ quan tư pháp... ngày càng hiệu quả, các chương trình hợp tác được cụ thể hóa, cơ chế hoạt động cụ thể.
Để Kết luận 62-KL/TW ngày càng phát huy hiệu quả và gắn với thực tiễn ở cơ sở, bà Trương Thị Mai đề nghị Mặt trận cần quan tâm tới việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành viên, phải có cơ chế để các tổ chức thành viên và các tổ chức nói chung trên cả nước tham gia đóng góp cho hoạt động của Mặt trận.
Đặc biệt là phải huy động sự tham gia của các cá nhân tiêu biểu, các hội quần chúng.
“Những người đến với Mặt trận phải là những người tiêu biểu, những người có tinh thần yêu nước nồng nàn và có những đóng góp tích cực cho công tác Mặt trận. Đây chính là nguồn sinh lực mới thông qua những con người cụ thể, sức mạnh của Mặt trận chính là hiệp thương, thống nhất hành động để giải quyết những vấn đề phát sinh. Nếu Mặt trận phát huy được đội ngũ này thì vai trò, vị thế của Mặt trận ngày càng được củng cố”, bà Trương Thị Mai gợi mở.
Bà Trương Thị Mai cũng cho rằng Mặt trận tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, coi trọng vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mọi người dân thông qua việc quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh phức tạp, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai, BOT hiện nay, từ đó kiến nghị Đảng, Nhà nước có các giải pháp phù hợp để giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích, tạo đồng thuận xã hội.
Khẳng định Mặt trận là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bà Trương Thị Mai đề nghị Mặt trận phải tạo được sự đồng thuận, phải coi hiệp thương thống nhất hành động là nguyên tắc hoạt động của Mặt trận và phải duy trì, đảm bảo theo hướng mềm dẻo, khéo léo, thể hiện sự bao quát trong triển khai hoạt động tới các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu đóng góp cho hoạt động của Mặt trận.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Chủ tịch Hội LHPN Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại buổi làm việc.
Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài phát biểu tại buổi làm việc.