Hiệu quả của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tại tỉnh Bắc Giang đã góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, tạo niềm tin trong nhân dân.
Giám sát tiến độ xây dựng công trình mở rộng Trường Mầm non Song Khê, TP Bắc Giang.
Hiện nay tỉnh Bắc Giang có 230 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) với 2.006 thành viên. Năm 2017, Ban GSĐTCCĐ đã giám sát 452 dự án, phát hiện, kiến nghị 10 vụ việc sai phạm, thu hồi cho nhà nước và nhân dân 35 triệu đồng, kết quả đó đã góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở, đấu tranh chống những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, tạo niềm tin trong nhân dân.
Với phương châm đổi mới cách làm, MTTQ tỉnh Bắc Giang đã kịp thời củng cố kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Ban GSĐTCCĐ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giám sát. Được biết, thời gian qua tỉnh Bắc Giang tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhiều chương trình, dự án được áp dụng cơ chế đặc thù cần có sự tham gia của Ban GSĐTCCĐ...
Theo bà Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang, hoạt động giám sát đầu tư của cộng đồng đã mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế sai phạm trong quá trình triển khai các công trình, dự án, tạo điều kiện để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Việc huy động người dân tại nơi triển khai dự án giám sát công trình mà chính họ thụ hưởng sẽ phát huy được tinh thần trách nhiệm. Phía nhà thầu, đơn vị thi công cũng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Tuy nhiên, công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động GSĐTCCĐ ở một số nơi còn chưa được chú trọng, vẫn còn 10% Ban hoạt động trung bình. Hiểu biết của một số thành viên Ban GSĐTCCĐ về kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản còn hạn chế, sự phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn giữa các cấp, các ngành còn chưa chặt chẽ,... Đơn cử, ông Vi Văn Tham, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lục Ngạn cho biết: Tại các xã miền núi, vùng cao, cùng lúc có nhiều công trình thi công nên ban giám sát chưa thể bao quát. Ban chủ yếu thực hiện ở những công trình do cộng đồng đóng góp, quy mô nhỏ, ít hạng mục. Còn các dự án lớn do tỉnh, Trung ương hay tổ chức nước ngoài đầu tư thì việc tiếp cận để giám sát chưa nhiều.
Liên quan tới hạn chế của công tác giám sát đầu tư của cộng đồng, ông Vi Văn Phục, Trưởng Ban giám sát xã Phong Vân (Lục Ngạn) nêu, Ban giám sát xã đăng ký giám sát từ một đến hai công trình mỗi năm vì thực hiện nhiều sẽ không đủ thời gian và khó bảo đảm chất lượng. Hơn nữa, với các dự án phức tạp đòi hỏi người giám sát phải có kiến thức chuyên ngành xây dựng, thiết kế, kiến trúc thì thành viên trong ban chưa đủ kiến thức đáp ứng được.
Theo bà Diêm Hồng Linh, để bảo đảm chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn với MTTQ trong quá trình triển khai. Công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng và các tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn ban giám sát xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện phục vụ việc giám sát. Theo dõi, xử lý những vấn đề được người dân phản ánh, kiến nghị.
Bà Linh cho rằng, Ban giám sát cơ sở cần quan tâm thu hút, lựa chọn những người có tinh thần trách nhiệm, am hiểu kỹ thuật xây dựng tham gia.
Kinh nghiệm ở các xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang), Liên Sơn (huyện Tân Yên), Cảnh Thụy (huyện Yên Dũng) cho thấy, trước khi công trình thi công, các thành viên dành nhiều thời gian xem xét thiết kế, phân công từng nhóm trực tiếp theo dõi trên thực địa. Đồng thời phải chú trọng kiểm tra chất lượng vật liệu đầu vào, chủng loại, khối lượng và kỹ thuật.
“Chúng tôi tiếp tục đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hỗ trợ kinh phí cho ban giám sát theo quy định. Quan tâm khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác Giám sát đầu tư của cộng đồng để động viên, khích lệ phong trào”, bà Diêm Hồng Linh nhấn mạnh.