Các loại hình văn học nghệ thuật (VHNT) thiếu nhi như điện ảnh, âm nhạc, văn học… vẫn được xem là “mảnh đất” màu mỡ cần được khai phá. Tuy nhiên, để tạo ra sức bật cho các loại hình VHNT này đang cần sự chung tay của những người có tâm và có tầm.
Vừa qua, nhân dịp Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số Đài Truyền hình Việt Nam (VTV Digital) phối hợp cùng Hãng phim hoạt hình Việt Nam đã giới thiệu “Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo”.
Điều bất ngờ với khán giả là 50 bộ phim hoạt hình được trình chiếu hoàn toàn do Việt Nam sản xuất. Không những vậy, với việc áp dụng công nghệ tiên tiến nhiều bộ phim đã mang đến cho khán giả sự ngỡ ngàng khi chất lượng cả về hình ảnh lẫn âm thanh không hề thua kém phim hoạt hình nước ngoài.
Bên cạnh đó, các bộ phim còn mang lại cho khán giả nhiều trải nghiệm mới bởi sự đa dạng trong đề tài. Mỗi ngày trên ứng dụng VTVGo đã phát sóng một đề tài khác nhau như phim viễn tưởng, phim giả tưởng, phim sự tích, cổ tích; phim lịch sử; phim về đề tài môi trường; phim đề tài gia đình; phim về cuộc sống hiện đại và kỹ năng sống; chùm phim tổng hợp. Tuy nhiên, nhìn từ tuần lễ phim hoạt hình trên không khỏi làm nhiều người băn khoăn. Với một nguồn “tài nguyên” phong phú như vậy, bấy lâu nay phim hoạt hình Việt Nam đang ở đâu ngay trên chính sân nhà?
Về vấn đề này, theo bà Trần Thị Thu Hiền- Chủ tịch HĐQT Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chia sẻ, hiện đơn vị đang sở hữu một kho phim hoạt hình dồi dào, trong đó có hơn 500 bộ phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của khán giả.
Tuy nhiên, lướt trên các kênh sóng truyền hình, có thể thấy ngay “thực đơn” chủ yếu của thiếu nhi hiện nay vẫn là hoạt hình nước ngoài. Nguyên nhân là hoạt hình Việt Nam vẫn chưa tìm được kênh phát hành thật sự hiệu quả. Hoạt hình Việt Nam cần rất nhiều thay đổi để hoàn thiện, song điều quan trọng là phải tiếp cận được khán giả thì mới tạo thêm động lực cho những nhà làm phim tiếp tục lao động, sáng tạo.
Điều đáng nói, câu chuyện phim hoạt hình cũng chỉ là một trong những “tài nguyên” bị bỏ quên ở lĩnh vực VHNT giành cho thiếu nhi. Đơn cử như lĩnh vực văn học, dạo một số nhà sách hay các sàn giao dịch trực tuyến không thể phủ nhận sách thiếu nhi chiếm diện tích khá rộng rãi, với đủ mọi thể loại sách.
Tuy nhiên chiếm diện tích lớn nhất, được bày ở những nơi nổi bật nhất lại là các tập truyện tranh, truyện dịch của nước ngoài. Thậm chí, trong số các tác phẩm Việt Nam được bày bán thì đa phần đều là những tác phẩm cũ. Điều đó chứng tỏ văn học thiếu nhi Việt Nam đương đại vẫn chưa thực sự phát triển để đáp ứng nhu cầu của độc giả nhỏ tuổi.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia về VHNT đưa ra là, sáng tác cho thiếu nhi không đơn giản, ngoài tài năng, trí tưởng tượng phong phú, người viết còn cần phải am hiểu đời sống, tâm tư, tình cảm của trẻ. Điều này là rất khó khi mà các nhà văn sáng tác cho thiếu nhi phần lớn đều đã ở độ tuổi mà tuổi thơ của họ rất khác với tuổi thơ ngày nay.
Chưa kể tác phẩm viết cho thiếu nhi còn phải bảo đảm tính hiện thực, tính giáo dục mà nếu sa đà vào thì sẽ thành ra giáo điều, nhạt nhẽo khiến cho tác phẩm không đủ sức thu hút độc giả nhí. Thế nên nhiều nhà văn Việt đành ngậm ngùi chuyển sang sáng tác cho người lớn, bỏ ngỏ thị trường rộng lớn, hấp dẫn đó cho truyện tranh, sách nhập ngoại.
Rồi ngay ở lĩnh vực dễ tiếp cận thiếu nhi là âm nhạc thì nhiều năm qua hầu như không có sáng tác nào mới được đánh giá nổi trội và được phổ biến rộng rãi. Minh chứng rõ nhất qua các chương trình ca nhạc thiếu nhi trên truyền hình hầu như vẫn chỉ “quanh quẩn” với các tác phẩm xưa cũ, thậm chí có tuổi đời hơn nửa thế kỷ của các nhạc sĩ “lão làng”.
Hay như cuộc thi âm nhạc giành cho thiếu nhi được tổ chức gần đây tưởng như là “cứu cánh” âm nhạc thiếu nhi lại đang để lại những băn khoăn. Nhiều chương trình trổ tài ca hát, thay vì trình bày ca khúc phù hợp lứa tuổi, khán giả lại được chứng kiến cảnh các em nhỏ ở lứa tuổi tiểu học “đau đớn quằn quại” trong các ca khúc thất tình, chia ly, tan vỡ, hoặc nhập các vai ghen tuông, giành giật yêu đương.
Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là do các chương trình đang khai thác thiếu nhi để phục vụ cho nhu cầu giải trí của người lớn và sản xuất vì mục tiêu lợi nhuận, chứ không thật sự xuất phát từ việc tạo môi trường phát triển lành mạnh cho tài năng trẻ cũng như tạo sân chơi ý nghĩa, trong sáng cho trẻ em. Bởi vậy, dường như mong ước của công chúng về một chương trình ca nhạc hoàn toàn dành riêng cho thiếu nhi, sử dụng các ca khúc phù hợp lứa tuổi trên sóng truyền hình giờ đây vẫn đang bỏ ngỏ…
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, ca khúc cho thiếu nhi hiện nay có một số lượng rất nhiều nhưng lại không đáp ứng được nhu cầu của chính lứa tuổi này. Thậm chí, hàng năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các hội nhạc sĩ, hội văn học nghệ thuật các tỉnh thành và các cuộc vận động sáng tác… đã trao giải cho nhiều ca khúc, mảng đề tài thiếu nhi. Như vậy, còn cả một số lượng lớn ca khúc cho thiếu nhi chưa được phổ biến là một thực tế.
Để giải quyết, bài toán “khó” này nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho rằng, cần tạo nhiều kênh truyền thông chính thống giới thiệu, phổ biến những ca khúc mới viết cho lứa tuổi thiếu nhi. Hạn chế vai trò của các công ty truyền thông tổ chức sự kiện chi phối định hướng nhu cầu âm nhạc cho thiếu nhi thông qua những chương trình cụ thể mà các công ty đang thực hiện và phủ sóng rộng khắp trên truyền hình và hệ thống mạng xã hội.