Trong những năm qua hệ thống bảo tàng đã có nhiều đổi mới, đưa di sản đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, để tạo dựng được một trưng bày có đủ các yếu tố khoa học, nghệ thuật và công nghệ thực sự hấp dẫn vẫn là bài toán không hề đơn giản đối với người làm trưng bày.
Cầu nối giữa quá khứ và hiện tại
Trong dòng chảy của đời sống văn hóa, không thể phủ nhận các hoạt động trưng bày tại các bảo tàng, trung tâm lưu trữ, di tích lịch sử văn hóa đang trở thành “cầu nối” gắn kết giữa quá khứ và hiện tại. Thông qua các trưng bày, triển lãm không chỉ mang đến cho công chúng các giá trị văn hóa của dân tộc mà còn khuyến khích cộng đồng chia sẻ tư liệu và hợp tác trong việc phát huy giá trị di sản.
Đơn cử, như Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã thực hiện hàng chục cuộc trưng bày, triển lãm như “Kiến trúc các công trình xây dựng tại Hà Nội (1875-1945)”, “Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn”, “Ngự phê trên Châu bản triều Nguyễn”, “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, “Dấu ấn văn hóa Pháp qua tài liệu lưu trữ”.
Gần đây nhất, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 đã tổ chức trưng bày “Cầu Long Biên -nhân chứng lịch sử”. Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 cũng tạo dấu ấn với trưng bày “Hội nghị Paris: Cuộc đàm phán lịch sử”.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, các trưng bày đã phần nào tiếp cận và giải quyết tương đối tốt 3 trụ cột lớn trong hoạt động trưng bày: khoa học, nghệ thuật và công nghệ. “Thiếu một trong 3 yếu tố này sẽ làm triển lãm mất đi sự hấp dẫn, sự quan tâm của công chúng, nhất là công chúng trẻ tuổi” - ông Huy nói.
Còn đó những băn khoăn
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng về hoạt động trưng bày, triển lãm, có một thực tế là chính những người trong ngành chưa hài lòng về chất lượng các cuộc trưng bày và nhiều hoạt động phát huy giá trị di sản ở các bảo tàng, di tích hay ở các trung tâm lưu trữ. Ở đó là những băn khoăn khi chưa tạo ra được những trưng bày, triển lãm hấp dẫn, chưa thu hút được đông đảo công chúng tới các bảo tàng, di tích, các trung tâm lưu trữ.
Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 Trần Thị Mai Hương cho rằng, việc chuyển từ những văn bản hành chính khô khan, lại bằng ngôn ngữ hiếm, ít người biết thành một sản phẩm hấp dẫn, đại chúng luôn là một bài toán khó. Để sản phẩm hấp dẫn đòi hỏi cao về ý tưởng, tư duy sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài ra để thực hiện một trưng bày hay triển lãm đòi chi phí lớn, đặc biệt là chi phí cho cơ sở hạ tầng trang thiết bị, công nghệ, nhân công. Đặc biệt, thực tế hiện nay để tạo ra được sản phẩm triển lãm, cần nhiều thời gian, trung bình 5 tháng - 1 năm. Hiện nay với các triển lãm thực đang vướng rào cản về không gian, thời gian đối với người ở xa. Ngoài ra, loại hình triển lãm này chỉ tồn tại được một thời gian rồi rỡ bỏ. Còn với các triển lãm ảo được ra đời trong thời gian gần đây vẫn còn một bộ phận không nhỏ, nhất là người cao tuổi thấy xa lạ đối với sản phẩm công nghệ.
Để giải được “điểm nghẽn” này, bà Hương cho rằng chúng ta cần trưng bày cái công chúng cần, không phải cái chúng ta có. Bởi các tài liệu xưa cũ cách đây hàng trăm năm, tưởng như đã quá xa rời với cuộc sống hiện đại. Do đó, các đơn vị tổ chức trưng bày phải luôn nghĩ cách biến thử thách thành cơ hội, gắn câu chuyện xưa trong bối cảnh hiện nay. “Thổi hồn” vào văn bản hành chính xưa cũ, làm cho câu chuyện xưa trở thành có tính thời sự, nhằm “ôn cố tri tân”. Chọn đề tài phù hợp các ngày kỷ niệm, ngày lễ tết truyền thống của đất nước. Cùng với đó, cần phải chú trọng yếu tố “đại chúng”.
Đơn cử như việc gỡ bỏ rào cản ngôn ngữ trong các tài liệu tiếng Pháp và Hán Nôm, vốn là những ngôn ngữ ít người biết, thậm chí là ngôn ngữ hiếm. Theo đó, triển lãm bên cạnh trưng bày hình ảnh văn bản chữ gốc, luôn có bản trích dịch, giải thích với cách diễn đạt dễ hiểu, gần gũi với hiện nay. Ngoài ra, còn trích cả nội dung hoặc câu nói quan trọng, đáng lưu ý trong văn bản. Với cách này, đông đảo người xem có thể tiếp cận được điểm đặc sắc, nội dung văn bản một cách dễ dàng.
Để thực hiện cuộc trưng bày, triển lãm quy mô, hiệu quả, đạt được những mục tiêu, mục đích đề ra, cần rất nhiều sự đầu tư về công sức, nguồn nhân lực và cách thức, phương pháp. Trong đó, để tạo ra sản phẩm trưng bày sống động, thu hút, đòi hỏi mỗi đơn vị phải có một đội ngũ nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này. Ngoài chuyên môn vững vàng, người thực hiện triển lãm cần có khả năng làm việc liên ngành, ý tưởng tốt, tư duy sáng tạo, từ khả năng nắm bắt xu hướng, nghiên cứu lịch sử, dịch văn bản, lên ý tưởng bố cục, viết nội dung, ý tưởng thiết kế không gian đến chi tiết, lên ý tưởng và viết kịch bản phim gắn vào triển lãm, truyền thông cho triển lãm.