"Việc cùng một lúc mỗi cử tri phải sử dụng 4 lá phiếu để lựa chọn trong danh sách bảng trên 20 người ứng cử khiến nhiều cử tri không thể nghiên cứu một cách đầy đủ, kỹ lưỡng về tất cả những người ứng cử". Vì vậy, theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn: Cần nghiên cứu cách thức bầu cử đảm bảo thuận lợi cho cử tri có điều kiện tốt nhất trong lựa chọn.
Quang cảnh hội nghị tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 18/7, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV, và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thay mặt Ban thường trực UBTƯMTTQ Việt Nam báo cáo về kết quả công tác của Mặt trận tham gia bầu cử ĐBQH khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc người Việt Nam ở nước ngoài được bầu cử.
Quan tâm xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
Theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn: Ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật bầu cử và Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã khẩn trương phối hợp với Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ xây dựng các văn bản hướng dẫn công tác bầu cử. Đồng thời sớm chủ động xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.
Ngày 3/3/2016, Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố, và Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã, các thành phố thuộc tỉnh trên toàn quốc để quán triệt các văn bản hướng dẫn, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.
Thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc để thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, và tham mưu về bầu cử, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã kịp thời tổ chức tập huấn và ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, xây dựng kế hoạch lịch trình cụ thể để thực hiện. Việc tham gia, thành lập và hoạt động của các tổ chức phục trách bầu cử được Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam các cấp tham gia tích cực.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia làm Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia trực tiếp chỉ đạo bầu cử tại các tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh; Đồng Nai; Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đại diện Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tham gia làm thành viên: Tiểu ban nhân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo; Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin tuyên truyền của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Đại diện Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và lãnh đạo tổ chức chính trị xã hội. Các cấp ở địa phương tham gia Ủy ban bầu cử. Nhiều nơi đại diện Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tham gia làm Phó Chủ tịch Ủy ban bầu cử.
Nhấn mạnh, các Hội nghị hiệp thương, lựa chọn giới thiệu lấy ý kiến cử tri và người ứng cử được tiến hành đúng thời gian, trình tự, thủ tục và thành phần theo quy định của pháp luật, bảo đảm, dân chủ, công khai, minh bạch, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn nêu rõ: “Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì tổ chức các Hội nghị hiệp thương bầu cử ĐBQH ở Trung ương và hướng dẫn chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức các Hội nghị hiệp thương, Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND”.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn nói: “Việc tổ chức các Hội nghị tiếp xúc giữa người ứng cử với cử tri để những người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử được thực hiện đúng luật, cơ bản đảm bảo công bằng giữa người ứng cử. Cử tri tham dự hội nghị nhiều nơi đã thẳng thắn nêu ý kiến, và bày tỏ sự mong muốn người trúng cử sẽ nêu cao tinh thần, trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân, thực hiện tốt chương trình hành động của mình, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương các cấp”.
Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo được Ban thường trực Phó Chủ tịch, Tổng thư ký các cấp quan tâm, và tiến hành nghiêm túc.
Cụ thể, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp khi nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đều chủ động phân loại, xử lý, trực tiếp, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, hoặc chuyển đến các cơ quan cấp trên có thẩm quyền giải quyết. Trình tự, thủ tục xem xét giải quyết được thực hiện thận trọng đảm bảo đúng quy trình thủ tục do pháp luật quy định.
Từ ngày 20/3/2016 đến ngày 20/5/2016, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức 3 đợt giám sát với 15 đoàn giám sát tại 37, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong quá trình giám sát các đoàn đã trực tiếp nắm tình hình, chỉ đạo hướng dẫn địa phương về những khó khăn, vướng mắc đặt ra, kiến nghị Hội đồng bầu cử quốc gia kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết về cơ chế chính sách đối với những vấn đề thực tiễn của địa phương đặt ra.
Cần nghiên cứu, bổ sung quy định người Việt Nam ở nước ngoài được bầu cử
Nêu lên những kiến nghị của Mặt trận về hoàn thiện pháp luật về bầu cử, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, do việc sửa đổi, bổ sung Luật bầu cử thường vào cuối nhiệm kỳ, vì thế thời gian chuẩn bị cho bầu cử rất gấp.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn đề nghị, Quốc hội từ nhiệm kỳ sau cần nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật về bầu cử sớm ít nhất 1 năm trước khi tổ chức bầu cử để việc hướng dẫn, tập huấn được triển khai kịp thời.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn phải đồng bộ cụ thể kịp thời thống nhất về một đầu mối, hạn chế tối đa dẫn chiếu văn bản, hướng dẫn, bổ sung, đính chính văn bản, hệ thống các bảng biểu cần khoa học, hợp lý, dễ hiểu và thống nhất.
Bên cạnh đó, công tác triển khai, tập huấn phải tổ chức sớm để các địa phương có thời gian, điều kiện chuẩn bị chu đáo.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị, sửa đổi điều 8 Luật bầu cử theo hướng đề cao sự tham gia chủ động của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và đại diện lãnh đạo các tầng lớp chính trị xã hội trong việc dự kiến lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH.
Có cơ chế tham khảo các địa phương trước khi đưa ra bản dự kiến về việc dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội sát với tình hình ở địa phương.
“Sửa đổi điều 9 Luật bầu cử theo hướng quy định thêm sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức chính trị trong dự kiến lần thứ nhất, cơ cấu, thành phần số lượng người ứng cử HĐND của thường trực HĐND” - Phó Chủ tịch kiến nghị.
Cũng theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn, cần sửa đổi Luật theo hướng trả lại những quy định trước đây về vai trò của MTTQ Việt Nam.
Theo đó, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, MTTQ Việt Nam các cấp thỏa thuận về cơ cấu thành phần, số lượng người của tổ chức cơ quan, đơn vị được bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND trên cơ sở dự kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội và thường trực HĐND cùng cấp gửi đến.
Đồng thời, thỏa thuận về số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND trên cơ sở dự kiến của UBMTTQ Việt Nam các cấp tổ chức Hội nghị hiệp thương.
Đề nghị không quy định tổ chức Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến, nhận xét và tín nhiệm đối với người có tên sơ bộ trong danh sách ứng cử HĐND cấp xã do thôn tổ dân phố giới thiệu, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm: “Vì sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, những người này đã được cử tri thôn, tổ dân phố góp ý, tín nhiệm để giới thiệu ứng cử. Cần có quy định cụ thể về cách thức số lượng và các Hội nghị tiếp xúc cử tri, tránh sự chênh lệch quá lớn Hội nghị cử tri giữa các địa phương, có quy định cụ thể, thống nhất về việc thực hiện các hình thức vận động bầu cử, có cơ chế cụ thể phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm quy định về vận động bầu cử”.
Theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn, một số nội dung trong thực hiện quy trình hiệp thương cần được hướng dẫn chi tiết hơn như: thành phần hội nghị ban lãnh đạo mở rộng giới thiệu người ứng cử, việc lấy ý kiến cử tri đối với chức sắc, tôn giáo. Việc lấy ý kiến cử tri nơi làm việc đối với những đơn vị kinh tế tư nhân, hộ gia đình quy định đối với người ứng cử có tỷ lệ trách nhiệm của cử tri nơi công tác, hoặc nơi cư trú dưới 50%.
Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam nói: “Đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về việc người Việt Nam ở nước ngoài được bầu cử, trước hết có thể thí điểm công dân ở Việt Nam đang công tác, hoặc làm việc tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được bầu cử ĐBQH. Cuộc bầu cử vừa qua có trường hợp một người đồng thời ứng cử HĐND các cấp ở hai địa phương khác nhau. Vì vậy Luật cần quy định cụ thể vấn đề này”.
Đổi mới công tác phối hợp
Liên quan đến vấn đề tổ chức, thực hiện theo theo Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn, cần đổi mới công tác phối hợp dự kiến cơ cấu thành phần số lượng người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
Theo đó, quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chủ động phối hợp với Ban thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, và đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị xã hội trong dự kiến lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH.
Thường trực HĐND cần chủ động phối hợp với Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp trong dự kiến cơ cấu thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu HĐND cùng cấp.
Chỉ rõ việc sắp xếp nhiều người ứng cử là các chức sắc, tôn giáo, người tiêu biểu trong dân tộc, nhân sĩ, trí thức trong cùng một đơn vị bầu cử với các cơ cấu, thành phần khác đã bộc lộ nhiều bất cập, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn cho rằng, cần phải có những quy định mới để đảm bảo có một tỷ lệ nhất định trong Quốc hội và HĐND.
“Cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, và vận động bầu cử, và trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong vận động bầu cử. Việc cùng một lúc mỗi cử tri phải sử dụng 4 lá phiếu để lựa chọn trong danh sách bảng trên 20 người ứng cử, bao gồm ứng cử ĐBQH và ứng cử HĐND khiến nhiều cử tri không thể nghiên cứu một cách đầy đủ, kỹ lưỡng về tất cả những người ứng cử. Vì vậy, cần nghiên cứu để tổ chức cuộc bầu cử cũng như cách thức bầu cử đảm bảo thuận lợi cho cử tri có điều kiện tốt nhất trong lựa chọn” - Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Trần Thanh Mẫn kiến nghị.