Ngày 6/5, tại Hà Nội Bộ GDĐT đã khai giảng khóa tập huấn bồi dưỡng giảng viên quản lý giáo dục và triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) nâng cao năng lực thực hiện Chương trình GDPT mới.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT (Bộ GDĐT) cho biết, mục tiêu trước hết của khoá tập huấn là để 100 giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt hiểu sâu về chương trình GDPT mới ở góc độ của nhà quản lý.
TS Vũ Đình Chuẩn phát biểu tại buổi tập huấn.
Đổi mới từ góc độ quản lý
Từ ngày 6 đến ngày 8/5/2019, 100 giảng viên chủ chốt, là Thạc sĩ, Tiến sĩ, có chuyên môn về Quản lý giáo dục, được lựa chọn từ 9 trường ĐH, học viện, được Bộ GDĐT tập huấn chuẩn bị chương trình GDPT. Chương trình tập huấn được thực hiện bởi Dự án Hỗ trợ đổi mới Giáo dục phổ thông (RGEP) và Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) của Bộ GDĐT.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục THPT, Giám đốc Ban Quản lý Dự án RGEP và ETEP, đây là đợt tập huấn thứ hai được triển khai ngay sau khi triển khai tập huấn cho 200 báo cáo viên nguồn trước đó. Nội dung khoá tập huấn tập trung vào 2 vấn đề: Tìm hiểu chương trình GDPT mới và định hướng đổi mới GDPT để triển khai chương trình GDPT mới của Bộ GDĐT. Mục tiêu của khoá tập huấn là để 100 giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt hiểu sâu về chương trình GDPT mới ở góc độ của nhà quản lý. Từ đó, học viên cùng với đội ngũ xây dựng tài liệu của Học viện Quản lý giáo dục (đơn vị chủ trì tập huấn), sẽ thảo luận và hoàn thiện tài liệu Hướng dẫn thực hiện CTGDPT mới dành cho cán bộ quản lý cấp sở/phòng và hiệu trưởng trường phổ thông.
Tài liệu này hướng dẫn chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình mới để cán bộ quản lý cấp sở GDĐT, phòng GDĐT chỉ đạo triển khai ở các địa phương, nhà trường; hướng dẫn tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn thực hiện chương trình mới trong trường phổ thông dành cho hiệu trưởng. Đồng thời với việc hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng, các giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt sẽ được phát triển các năng lực đáp ứng yêu cầu tập huấn cho 1.028 cán bộ quản lý cấp sở GDĐT, phòng GDĐT và 4.000 hiệu trưởng cốt cán.
Nhấn mạnh tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng sau đây 100 giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục chủ chốt này sẽ bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý cấp Sở, phòng GDĐT và hiệu trưởng cốt cán trong quá trình họ thực hiện nhiệm vụ mà chương trình GDPT mới đặt ra bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Vậy sẽ nói với họ cái gì? Nói ra sao? Chẳng hạn, khi gặp câu hỏi về các môn tích hợp như làm sao để dạy các môn này trong tình huống hiện tại, khi chúng ta chưa có giáo viên dạy liên môn mà mới có giáo viên bộ môn thì các thầy cô sẽ trả lời ra sao? Trong tương lai chúng ta sẽ có giáo viên được đào tạo dạy tích hợp nhưng trước mắt, vẫn cần sự phối hợp của các thầy cô giáo bộ môn trong việc giảng dạy môn học này… Chỉ khi hiểu rõ về chương trình thì các thầy cô mới có thể giải đáp được các băn khoăn, thắc mắc đặt ra.
Lấy học sinh làm trung tâm
Phát biểu tại buổi bồi dưỡng, TS Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) kể lại một giai thoại thú vị về nhà văn Nga Sekhop và cho rằng, nếu như một buổi tập huấn mà người tổ chức hiểu được người tham gia thích các gì, quan tâm, cần gì để đưa cho họ thì sẽ đem lại hiệu quả cao nhất. Hiểu được điều đó, các thầy cô tham gia khóa tập huấn cần nghiên cứu kỹ chương trình GDPT mới, đặt ra các tình huống và giải quyết các tình huống đó.
Chẳng hạn, khi nói về mô hình phát triển năng lực của chương trình GDPT mới, các thầy cô phải làm rõ sự khác biệt so với chương trình hiện hành ra sao. Lấy ví dụ, một thầy giáo nói rằng cứ dạy hết hai quyển SGK là học sinh kiểu gì cũng đỗ sẽ không đúng khi triển khai chương trình GDPT mới. Đơn cử như một ví dụ về việc đánh giá học sinh thông qua hành vi, TS Vũ Đình Chuẩn nêu kết thúc giờ dạy học sinh về an toàn giao thông, nhưng có em bước ra đường là vi phạm luật giao thông, như vậy là chưa đạt đến yêu cầu biến kiến thức thành hành vi trong thực tiễn.
Hiện nay hệ tiểu học thực hiện giáo dục 5 bước trên lớp gồm ổn định tổ chức, kiểm tra bài cũ, giảng bài mới, luyện tập củng cố, giao bài tập về nhà. Tuy nhiên, chương trình GDPT mới đặt ra yêu cầu tổ chức hoạt động học, trong đó nhấn mạnh lấy học sinh là trung tâm. Nhiệm vụ của giáo viên thay vì đánh giá học sinh mà chuyển thành quan sát hoạt động học của học sinh, phát hiện học sinh nào đang có khó khăn cần giúp đỡ. Học sinh nào làm tốt thì động viên, khuyến khích để phát huy…
Cấp tiểu học hình thành phẩm chất năng lực gì? Hiện nay, chương trình GDPT mới đã đề cập đến vấn đề này, nhưng TS Vũ Đình Chuẩn đề nghị sắp tới, phải chẻ ra năng lực cần có của từng lớp học, thậm chí từng môn học để phấn đấu đạt được. Nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng nhưng nói thì đơn giản, dễ hiểu là điều TS Vũ Đình Chuẩn lưu ý tới các giảng viên tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng.
* Ngay sau khoá tập huấn, từ ngày 13-15/5, cùng lúc tại 4 địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, sẽ tiếp tục diễn ra khoá tập huấn cho 1.028 cán bộ quản lý cấp sở GDĐT, phòng GDĐT. Các học viên tham gia tập huấn gồm 315 cán bộ quản lý cấp Sở GDĐT, 713 cán bộ quản lý (hoặc chuyên viên) cấp Phòng giáo dục phụ trách đủ ba khối cấp học: Tiểu học, THCS, THPT. Mục tiêu của việc tập huấn là để đội ngũ này hiểu rằng cấp quản lý cần thực hiện và chỉ đạo thực hiện những gì thì đáp ứng được yêu cầu của chương trình GDPT mới và giúp chương trình triển khai hiệu quả.