Kỳ nghỉ hè là thời gian các địa phương triển khai tập huấn sách giáo khoa (SGK) mới ở lớp 4, 8 và 11. Đây cũng là cơ hội giúp giáo viên hiểu rõ hơn về chương trình, từ đó đảm bảo dạy học hiệu quả.
Những lưu ý quan trọng
Theo ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), thông qua các buổi tập huấn SGK, các báo cáo viên, tác giả cần giúp thầy cô không chỉ hiểu về bộ sách mà còn hiểu rõ hơn về chương trình, mục tiêu cần đạt. Cụ thể, với chương trình mới, đích đến là nâng cao năng lực phẩm chất của học sinh, không phải là kiến thức môn học, đây chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu.
Chia sẻ quan điểm này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT Nguyễn Xuân Thành lưu ý, với mục tiêu của dạy học theo định hướng phát triển năng lực, nhiều người nghĩ rằng kiến thức không quan trọng mà phải là năng lực. Tuy nhiên, điều này không đúng, thậm chí rất nguy hiểm vì không thể xem nhẹ kiến thức, có bột mới gột nên hồ.
“Về nội dung chương trình, cũng có ý kiến cho rằng nội dung chương trình là mới, tuy nhiên, nội dung khoa học không thể mới được mà chương trình chỉ sắp xếp lại, bỏ tính hàn lâm, tăng thực tiễn” - ông Thành nhấn mạnh.
Một lưu ý nữa mà ông Thành chỉ ra, đó là nhiều báo cáo viên mặc định thầy cô đã biết nên khi tập huấn không nhấn vào những điểm mới của chương trình. Thực tế vừa qua, đoàn giám sát của Quốc hội đã phỏng vấn giáo viên một số nơi và nhận thấy cần tiếp tục tập huấn cho thầy cô hiểu kỹ hơn về nội dung chương trình. Theo đó, tập huấn sử dụng SGK chính là cơ hội giúp giáo viên hiểu rõ hơn về chương trình. Qua việc phân tích sâu 2, 3 bài ví dụ cụ thể để giáo viên hiểu khái quát về chương trình, từ đó biết cách soạn bài.
Có những thầy cô chỉ ra khó khăn khi thiết bị dạy học mới không có, không dạy được thì báo cáo viên cần giúp thầy cô hiểu, tất cả thiết bị cũ đều dùng được, không bỏ đi cái gì. Khác nhau ở chỗ, trước đây thầy cô làm cho học sinh xem thì nay học sinh tự làm dưới sự hướng dẫn của thầy cô.
Lấy ví dụ về việc thiết kế chương trình, ông Thành nêu thực tế với môn Khoa học Tự nhiên, có trường phân công cho giáo viên Hóa dạy Khoa học Tự nhiên lớp 6, 7 với 4 tiết/tuần, 3 lớp là 12 tiết/tuần. Như vậy, có thầy cô phản ánh là không còn thời gian dạy Hóa lớp 8, 9 với 2 tiết/tuần nữa. Trong khi đó, Công văn số 5512 hướng dẫn không bắt buộc chia đều số tiết trong tuần. Có thể xếp 3 tiết Khoa học Tự nhiên ở những tuần đầu rồi sau 5 tiết. Hay môn Hóa lớp 8, 9, tuần đầu dạy 1 tiết rồi sau dạy 3 tiết...
Giáo viên cần chủ động
Ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam cho biết, đơn vị đã và đang phối hợp với các địa phương để xây dựng kế hoạch, lịch trình tổ chức tập huấn cho 100% giáo viên sử dụng SGK lớp 4, 8, 11 và cán bộ quản lý. Việc tập huấn áp dụng hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Trong đó, đối với việc tập huấn trực tuyến, thầy cô có thể chủ động đăng nhập trước để xem các tài liệu, nội dung tập huấn… sau đó mới tham gia hội thảo trực tiếp, đặt câu hỏi hoặc các thắc mắc để báo cáo viên, chuyên gia giải đáp, cùng bàn luận.
Cô giáo Nguyễn Thị Thùy Liên - Trường Tiểu học Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, cô đã tham gia tập huấn SGK mới lớp 1, 2, 3. Năm nay, dự kiến cô Liên sẽ cùng các đồng nghiệp tiếp tục tham gia tập huấn SGK lớp 4 để phục vụ cho việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được hiệu quả. Với kinh nghiệm ở những lần tập huấn trước, cô Liên cho rằng sự chuẩn bị chu đáo, xem trước tài liệu, nội dung SGK của giáo viên là quan trọng để khi tập huấn còn những vấn đề nào chưa thông suốt sẽ được giải đáp.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái), nhà trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng cơ sở vật chất, đường truyền, tạo điều kiện tốt nhất cho phương thức tập huấn qua mạng Internet. Khó khăn là việc tập huấn trực tuyến đôi khi vẫn bị lỗi kỹ thuật do đường truyền, khiến nhiều giáo viên chưa tiếp thu đầy đủ nội dung cuốn sách. Do đó, ông Hoàng Minh Tiến - Phó Hiệu trưởng nhà trường đề xuất sẽ có thêm một số buổi bồi dưỡng trực tiếp để giáo viên có điều kiện lĩnh hội nhiều kiến thức hơn. Cùng với đó, việc tương tác giữa giáo viên và tác giả của các bộ sách cũng thuận tiện hơn.
Về độ mở, linh hoạt của chương trình và SGK, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) cho biết, với môn Tiếng Việt lớp 1 trước đây yêu cầu về tốc độ đọc của học sinh là 40 chữ/phút còn chương trình mới yêu cầu học sinh đọc 40-60 chữ/phút. Hoặc khi viết bài chính tả yêu cầu các em đạt 30 chữ/15 phút trong khi chương trình mới yêu cầu viết chính tả từ 30-35 chữ/15 phút. Linh động như vậy để giáo viên, học sinh phù hợp với tùy từng vùng miền, từng trường học, từng cá nhân học sinh. Điều này cần được truyền tải đến giáo viên để thầy cô nắm rõ được các quy định độ mở của chương trình để lựa chọn cách dạy, đánh giá cho phù hợp…