Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các tỉnh tăng cường hoạt động phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tránh lây lan trên diện rộng. Đặc biệt, ngành nông nghiệp yêu cầu, nông dân không tái đàn trong giai đoạn này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo, không tái đàn trong thời điểm dịch bệnh.
Ngày 25/5, tại TP HCM diễn ra hội nghị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi các tỉnh phía Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.
Nhiều điểm yếu trong phòng, chống dịch
Ông Bạch Đức Lữu, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho hay, đến nay toàn khu vực phía Nam có 8 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.
Tại Đồng Nai, dịch xảy ra từ ngày 17/4, đến nay dịch đã xuất hiện tại 20 hộ thuộc 9 xã, 4 huyện (huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch, huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành) với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 2.181 con. Tỉnh Bình Phước, dịch xảy ra từ ngày 25/4.
Đến nay dịch xuất hiện ra tại 16 hộ thuộc 9 xã/phường, 4 huyện/thành phố (huyện Đồng Phú, TP.Đồng Xoài, Thị xã Phước Long, huyện Phú Riềng) với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 377 con. Tại Hậu Giang, dịch xảy ra từ ngày 11/4, đến nay dịch đã xuất hiện ra tại 12 hộ thuộc 5 xã, 3 huyện/thị xã (huyện Vị Thủy, huyện Châu Thành, Thị xã Ngã Bảy) với tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 816 con…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tổng số lợn tiêu hủy tại khu vực phía Nam là 4.840 con heo bị tiêu hủy. Số đầu lợn bị tiêu hủy trên tổng đàn lợn hiện có chiếm 0,08%. Mặc dù, số lượng nhỏ nhưng rất nguy hiểm vì số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều, con đường lây lan phong phú và phức tạp tốc độ lan truyền rất nhanh. Nếu không phòng tốt các địa phương còn lại sẽ bị sẽ gây tác hại lớn.
Thông qua đợt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi lần này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ ra những khuyết điểm lớn trong hoạt động chăn nuôi lợn. Theo đó, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng mật độ chăn nuôi rất cao, gây khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Số cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh còn thấp so với tổng số trang trại chăn nuôi lợn trong khu vực (chỉ chiếm 13,1%) và so với tổng đàn lợn trong khu vực (chỉ chiếm 18,5%).
Hầu hết các chủ hộ chăn nuôi bị bệnh dịch tả lợn châu Phi thuộc vùng Đông và Tây Nam Bộ vừa qua chưa hiểu rõ tính chất nguy hiểm của dịch bệnh, nên chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh (nuôi chuồng hở, nhưng không thực hiện tiêu độc sát trùng thường xuyên và triệt để.
Kiểm soát dịch, không tái đàn
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ông Randolph Reinecker Zoerb, Phó Tổng Giám đốc Sản xuất – Đào tạo trại của Tập đoàn Chăn nuôi Greenfeed Việt Nam cho hay, muốn phòng, chống dịch bệnh này tốt phải đánh giá sức khỏe đàn trong trại như thế nào, giám sát vận chuyển thức ăn, vật dụng khi các phương tiện ra vào trại. Kiểm soát di chuyển lưu ý dụng cụ, phương tiện vào trại cần qua các bước xịt rửa, khử trùng, phơi khô, đảm bảo thời gian cách ly sau đó mới triệt để và khống chế được dịch. Ngoài vấn đề chuồng trại cần kiểm tra nguồn thức ăn.
Cụ thể, nguyên vật liệu nhập khẩu đối với mặt hàng cám có đảm bảo hay không. Một số nguyên vật liệu từ Trung Quốc thì cần giám sát chặt chẽ vấn đề đó. Cũng theo vị này, các tỉnh thực hiện phòng - chống tốt nhưng không kiểm soát tốt hàng nhập khẩu thì bất ổn. Phải nâng tầm phòng, chống dịch tả lợn châu Phi lên cấp quốc gia. Nghĩa là, xem lại việc vận chuyển từ các quốc gia, hạn chế những nguy cơ nhập khẩu từ các quốc gia đã có dịch.
“Các địa phương cần rà soát lại các kịch bản để ứng phó với dịch để hoàn thiện một cách tích cực nhất. An toàn sinh học là biện pháp tốt nhất hiện nay. an toàn sinh học từ các hộ nhỏ đến các hộ lớn. Đây là bài học nhãn tiền, nơi nào làm tốt thì dịch chậm đến hoặc khả năng lây lan rất chậm”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sắp tới phải thực hiện công tác phòng – chống dịch tốt hơn. Thứ nhất, làm vệ sinh tổng quan chung bằng c ách tiêu độc khử trùng. Thứ 2, từng hộ phải tham gia chủ động tích cực nhất. Thứ ba, từ công tác khác như: thú y, điều kiện,… phải đảm bảo từng cấp. Tất cả phải vào cuộc một cách quyết liệt mới mong hạn chế mức thấp nhất thiệt hại cũng như tình hình lây lan của dịch bệnh.
Ngoài công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, câu chuyện tái đàn hay không cũng được đề cập đến. Theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi, dịch tả lợn châu Phi làm giảm sản lượng lợn, giá sẽ tăng. Như vậy, năm nay và vài năm nữa thị trường thịt lợn hấp dẫn người chăn nuôi, tuy nhiên tái đàn là vấn đề rất căn cơ. Trước hết cần phải kiểm soát được dịch bệnh. Nếu để dịch lây lan trên diện rộng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung thực phẩm này.
“Trong giai đoạn này không tái đàn trừ khi nào dịch đã ổn định thì cơ quan quản lý sẽ thông báo cụ thể. Tái đàn lại cũng phải theo chủ trương. Chúng tôi đã bàn với các địa phương khác chuyển hướng chăn nuôi cho bà con. Rất mong bà con chăn nuôi lợn ủng hộ, tránh tái đàn để hạn chế thiệt hai. Lý do, tàn dư của con vi rút trong môi trường rất lâu”, ông Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.