Xây dựng thương hiệu để khẳng định vị trí cho gạo Việt trong thời kỳ hội nhập hiện nay, đó là điều mà bất cứ ai quan tâm đến ngành nông nghiệp nước nhà cũng đang rất trăn trở.
Ảnh minh họa.
Theo TS Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm, Việt Nam chúng ta là một trong những cái nôi của lúa gạo thế giới với rất nhiều giống lúa bản địa nổi tiếng như: Tám xoan, dự, nàng thơm, nếp cái hoa vàng, nếp cẩm, một bụi đỏ…
Và không phải Việt Nam không có những điều kiện sinh thái thuận lợi cho việc canh tác lúa với chất lượng cao. Vậy nhưng, quá trình “cách mạng xanh” tập trung vào việc nâng cao năng suất lúa, các giống lúa thâm canh năng suất cao đã thay thể dần các giống lúa bản địa.
Chính bởi vậy, cho đến thời điểm này, gạo Việt dù xuất khẩu với số lượng lớn ra thị trường thế giới (bình quân mỗi năm đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD với khoảng trên 5,6 triệu tấn gạo), so với các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu gạo luôn đóng góp một lượng không nhỏ cho GDP của nước nhà… thế nhưng giá trị thương hiệu của gạo Việt hiện vẫn đang rất lu mờ trên thị trường thế giới.
Theo TS Đào Thế Anh, Việt Nam xuất khẩu gạo với sản lượng lớn nhưng thế giới đa số chỉ biết đến gạo trắng và phân chia theo tỷ lệ tấm của Việt Nam chứ chưa có thương hiệu gạo mang tên Việt Nam vì gạo Việt Nam chủ yếu đóng bao và mang nhãn hàng của doanh nghiệp hay quốc gia nhập khẩu.
“Ngay tại thị trường trong nước, gạo Việt Nam bị đánh giá thấp hơn gạo nhập khẩu từ Thái Lan, Camphuchia, Đài Loan, Nhật Bản… dẫn đến hiện tượng gạo sản xuất ở Việt Nam nhưng sử dụng bao bì nước ngoài bán trong các siêu thị. Rất ít thương hiệu gạo Việt Nam được người tiêu dùng biết đến”-TS. Đào Thế Anh cho hay.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, mức độ tham gia của gạo Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu rất yếu, chủ yếu ở phân khúc trung bình và thấp, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp…
Hiện có trên 200 DN Việt Nam có quy mô trung bình và lớn tham gia vào hệ thống thương mại xuất khẩu gạo, nhưng ít sử dụng thương hiệu riêng do quá phụ thuộc vào các hợp đồng do Vinafood đấu thầu… Chính sách tập trung đầu mối xuất khẩu đã làm giảm tính năng động và cạnh tranh bằng chất lượng của các DN tư nhân.
Chúng ta cần xác định nhu cầu của từng phân khúc thị trường, vị trí cạnh tranh của gạo Việt Nam so với từng đối thủ để từ đó có thể vạch ra chiến lược thích hợp (cạnh tranh giá, cạnh tranh chất lượng, thị trường mục tiêu...).
Trên cơ sở nắm vững nhu cầu và tâm lý tiêu dùng của từng phân khúc thị trường, chiến lược của đối thủ cạnh tranh để định vị thương hiệu cho gạo Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Nghiên cứu thị trường còn là cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho gạo Việt Nam theo từng phân khúc, từng thị trường. Hệ thống tiêu chuẩn gạo Việt Nam đã quá lỗi thời và không đáp ứng được các thay đổi trên thị trường thế giới.
“Kinh nghiệm của Pakistan cho thấy họ xây dựng tiêu chuẩn chi tiết cho tất cả các loại sản phẩm gạo của họ có thể sản xuất, thậm chí thích ứng với từng nước nhập khẩu, tất cả đều được công khai trên trang web. Đối với ta cũng vậy, tiêu chuẩn của gạo đạt thương hiệu quốc gia Gạo Việt Nam cần được tập trung xây dựng như kinh nghiệm của Pakistan” – TS. Đào Thế Anh nhấn mạnh.