Tay máy vàng và 40 năm hành trình điện ảnh

VIỆT QUỲNH 16/03/2022 09:26

Dù truyền thông cũng như đồng nghiệp ưu ái gọi “Tay máy vàng trong làng điện ảnh”, nhưng nhà quay phim, NSND Lý Thái Dũng là người rất kiệm lời. Khó khăn khi nói về bản thân, và thường từ chối những lần phỏng vấn. Sau nhiều năm kín tiếng, anh đã đồng ý trò chuyện, vào những ngày Tân niên Nhâm Dần 2022, giữa mưa phùn tê buốt, trong cái giá lạnh xuống 8 độ C của Hà Nội.

NSND Lý Thái Dũng. Ảnh: NSCC.

Khó khăn khi nói về bản thân, và thường từ chối những lần phỏng vấn. Sau nhiều năm kín tiếng, anh đã đồng ý trò chuyện, vào những ngày Tân niên Nhâm Dần 2022, giữa mưa phùn tê buốt, trong cái giá lạnh xuống 8 độ C của Hà Nội.

Dần khai mở và xuôi về miền ký ức, từng thước phim quá khứ dần được khơi mở trong tâm trí Lý Thái Dũng. Bắt đầu vào năm 1968, khi ấy, Lý Thái Dũng 4 tuổi. Vào mỗi sáng thứ Bảy ở nơi sơ tán, chị em anh luôn ra đầu thôn ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ đón chờ bố mẹ đạp xe về thăm và tiếp tế lương thực, thực phẩm. Năm 1972, khi mấy chị em anh lớn thêm 4 tuổi nữa, gia đình anh có thêm em gái út, hình ảnh cha mẹ sóng đôi đạp xe xuất hiện từ xa tít trên con đường giữa cánh đồng lúa là hình ảnh chẳng bao giờ có thể quên trong tâm trí anh.

“Những buổi tối đầu xuân 1973… rét lắm, cả nhà co ro ngồi bóc lạc thuê cho nhà máy chế biến thực phẩm”. Nhà quay phim Lý Thái Dũng nhớ lại: “Mấy chị em mỗi người một cái kẹp bằng tre, mỗi tối có thể tách hết một bao tải to, vỏ thì được giữ để đun nấu, những hạt lạc to nộp theo định mức. Lạc nhỏ vỡ, lạc kẹ được giữ lại, mẹ cho chúng tôi một phần để rang, một phần cho vào chai để dành nấu canh dưa. Mẹ tôi thì ngồi tháo, gỡ nguyên một cái chăn len hàng viện trợ của Mông Cổ, cuộn lại được rất nhiều cuộn len to.

Số len này mẹ tôi đan được hai chiếc áo rất ấm cho bố tôi và chị lớn, mẹ tôi nói, con gái lớn cũng phải có chiếc áo đẹp. Số cuộn len nối các đoạn len bị đứt, ngắn, nhiều màu… đan thành chiếc áo cho tôi. Chiếc áo này mẹ tôi đan rất khéo, giấu được hết các mối nối vào mặt trong, nó khá nặng, và rất ấm. Hình ảnh này diễn ra trong căn phòng của gia đình tôi ở khu tập thể Kim Liên, căn phòng 18 mét vuông, ở trên tầng 3 nhà C6… cách Bệnh viện Bạch Mai chừng 800 mét đường chim bay, vẫn còn ngổn ngang đổ nát vì bom B52”.

Ông ngoại của Lý Thái Dũng là bộ đội nghỉ hưu, chiều anh lắm. Ông đóng cho Dũng những chiếc xe đồ chơi bằng gỗ, có chở cả tên lửa, dắt anh đi chơi hết mấy làng Gia Quất, Gia Lâm. Cứ sau mỗi trận mưa, ông lại đưa anh lên đê sông Hồng hái nấm rơm để bà nấu canh. Anh kể: “Khu dân cư Ngọc Thuỵ ngày xưa là một đầm sen to, ông tôi hay chèo thuyền nan ra hòn đảo ở giữa đầm sen thăm người bạn của ông. Hai cụ uống trà sen, còn tôi thì luôn được ăn cá rô rán giòn. Lúc 5, 6 tuổi, ông đã dạy tôi đọc thành thạo số đếm, các ngày trong tuần bằng tiếng Pháp. Năm tôi 18 tuổi, về thăm ông, tôi mặc chiếc quần Jeans có gắn cái mác da in chữ Kingjo, ông đã yếu và mắt kém lắm rồi, ông hỏi, cháu đeo quyển sách gì sau lưng thế…”.

Bố của nhà quay phim Lý Thái Dũng vóc dáng nhỏ bé, thể trạng yếu, hay ốm và mắc bệnh hen suyễn nhưng sức làm việc thì đáng ngạc nhiên. “Có lẽ thời đó ai cũng phải cố gắng lắm vì đất nước rất nghèo. Là cán bộ lương khá cao, nhưng bố tôi hiếm khi có tiền vì tiền lương đều đưa hết cho mẹ tôi để nuôi 5 chị em chúng tôi. Dù vậy, chị em chúng tôi luôn có đủ sách học, có nhiều truyện để đọc”.

Bố và các chú, bác đồng nghiệp thường đàm đạo về công việc, nghề nghiệp ở nhà, vì thế, Lý Thái Dũng theo Điện ảnh cũng là tất yếu. Nhưng không theo nghề đạo diễn như bố, Lý Thái Dũng làm quay phim: “Đó cũng là lời khuyên của bố tôi. Việc tôi sau này trở thành giáo viên nghề Điện ảnh cũng là nghề gia truyền. Ngôi trường tôi làm việc hiện nay cũng một phần là Trường Cao đẳng Điện ảnh Việt Nam ngày trước, bố tôi từng làm Hiệu trưởng những năm 70”.

Vào năm thứ hai đại học, khi những bài tập quay phim được bắt đầu, vật lộn với kịch bản, với các thiết bị máy quay, đèn chiếu sáng to khủng khiếp, thâu đêm suốt sáng trong trường quay… và trong phòng chiếu phim đã mang lại cho Lý Thái Dũng cảm giác thật mê hoặc…

Đó cũng là lúc, anh hiểu, nghề quay phim là con đường anh đã chọn và thuộc về. “Bố tôi mất sớm, năm tôi 28 tuổi, lúc đó bố tôi mới chỉ xem được bộ phim Tốt nghiệp của tôi quay trước đó mấy năm. Điều an ủi với tôi là bố tôi đã rất vui vì bộ phim của tôi được quay tại Cửa Tùng, Vĩnh Linh… cũng chính là nơi bố tôi đã quay bộ phim tốt nghiệp của ông, trước đó 23 năm”.

“Tôi cũng như bao đồng nghiệp khác thôi, học xong thì làm nghề”, Lý Thái Dũng nhớ lại. “Có lẽ con đường làm nghề của thế hệ chúng tôi đầy khó khăn, vất vả, thiếu thốn như đất nước những năm đó. Năm 1991, 1992 là hai năm quan trọng với tôi. Tôi may mắn được đi theo học việc hai nhà quay phim lừng danh nước Pháp và Úc trong hai bộ phim truyện dài quay tại Việt Nam: “Điện Biên Phủ” và “Cạm bẫy”. Lúc đó tôi đủ cảm nhận để hiểu tôi sẽ làm được gì”.

Trở thành một nhà quay phim, có thể để lại dấu ấn, thì chắc chắn không dễ dàng. Với Lý Thái Dũng, ngành nghề nào cũng vậy nhưng Điện ảnh có lẽ nằm ở nhóm những ngành nghề khó khăn hơn, với tất cả các thành phần sáng tạo. Khi làm nghề, Lý Thái Dũng luôn nỗ lực tối đa ở mỗi bộ phim. Anh xác định rõ là phải tận tâm với nó vì không có cơ hội sửa sai. Mục tiêu của anh là sự chuyên nghiệp và nỗ lực hết mình: “Ở mỗi bộ phim là những câu chuyện khác nhau, những đạo diễn khác nhau… mục tiêu là hãy làm hài lòng người đạo diễn nhất. Còn ở nghề dạy học, hết một buổi lên lớp… mục tiêu của tôi là những ánh mắt hân hoan của học viên”.

Khi anh đạt được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, với tư cách một nhà quay phim, Lý Thái Dũng chia sẻ, anh có vui, nhưng không vui quá vì luôn thấu tỏ bản thân đang ở vị trí nào: “Năm 2010, tôi nhận được đề cử Best Cinematographer tại The 4 Asian Film Awards tại Hồng Kông (Trung Quốc) với hình ảnh của phim “Chơi vơi”.

Việc được cùng bốn nhà quay phim lọt vào top 5 của các nhà quay phim châu Á năm đó là một vinh dự lớn với nghề nghiệp của tôi. Tôi rất tự hào, nhưng xem phim của họ, tôi biết tôi và chúng ta còn phải nỗ lực nhiều. Điện ảnh cần đồng bộ ở mọi khâu. Còn về các giải thưởng trong nước, vui chứ, tiền thưởng cũng gần đủ khao bạn bè, đồng nghiệp (cười).

Hành trình Điện ảnh nhà quay phim Lý Thái Dũng đã kéo dài 40 năm, tính từ khi anh còn là sinh viên với khoảng 22 phim điện ảnh và hơn 300 tập phim truyện truyền hình, phim tài liệu...: “Mỗi bộ phim là một dấu ấn với cả nghề nghiệp và đời sống cá nhân của tôi. Thật sự nhiều chuyện lắm. Tôi trân quý tất cả, không đặt nặng nhẹ ở khoảng thời gian nào. Có lẽ, các con số trên là dấu ấn chung, tôi muốn các con số trên sẽ chưa dừng lại ở đó. Tính đến năm 2022 này, tôi rất hạnh phúc khi đã tham gia đào tạo được 23 khóa cử nhân ở cả 3 chuyên ngành: Biên kịch, Quay phim, Đạo diễn Điện ảnh và Truyền hình.

Ba phim gần đây nhất tôi quay, gồm “Cha cõng con”, “Đảo của dân ngụ cư” và “Lính chiến” đều cộng tác với đạo diễn trẻ, làm phim đầu tay. Tôi học được ở họ nhiều và tin chắc rằng họ sẽ thành công hơn thế hệ chúng tôi. Sau phim, họ vẫn coi tôi là bạn”.

Hai năm vừa qua, do Covid-19, một phần nữa là thị phần phim phù hợp với anh cũng không lớn, vì thế, Lý Thái Dũng tập trung cho công việc ở Khoa Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

Một ngày của NSND Lý Thái Dũng thời gian này là dậy sớm, tập thể dục, ghi những việc cần làm ra vì đã bắt đầu hay quên. “Lên lớp đúng lịch, nói chuyện nhiều với sinh viên, kể cả ngoài giờ học. Chăm sóc vườn cây bưởi ngọt, hi vọng mùa sau không bị thâm hụt vốn (cười), trồng thêm hoa, rau. Buổi tối nấu và cùng ăn cơm, nói chuyện nhiều hơn với mẹ già đã 85 tuổi. Nhắn tin cho con trai dù ít khi nhận hồi âm (cười). Ngoài ra, khá giống với người trẻ: Lướt mạng, xem phim hoặc chạy chơi cùng chiếc xe máy địa hình, và yêu”.

“Với dự định về điện ảnh, tôi thích khoảnh khắc nhà quay phim Roger Deakins khi nhận giải thưởng Oscar lần đầu tiên trong sự nghiệp ở tuổi 70, ông có nói ý: “Quan trọng là tôi vẫn quay được phim”. Tôi vẫn nạp năng lượng, vẫn chờ một kịch bản phù hợp, và một đạo diễn thích tôi”.

Nhà quay phim, NSND Lý Thái Dũng từng đoạt giải quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 (2001), lần thứ 15 (2007), lần thứ 16 (2009) lần lượt với các phim “Thung lũng hoang vắng”, “Vũ điệu tử thần”, “Chơi vơi”. Năm 2010 và 2015, anh đạt giải Cánh diều Vàng cho Quay phim xuất sắc nhất cùng phim “Chơi vơi” và “Thầu Chín ở Xiêm”.

Cũng với “Chơi vơi”, Lý Thái Dũng nằm trong Top 5 đề cử quay phim xuất sắc nhất châu Á 2009 (AFA) tại Hồng Kông (Trung Quốc) năm 2010. Lý Thái Dũng là nhà quay phim Việt Nam đầu tiên quay phim cho kênh National Geographic, với “Chợ tình ở thung lũng mây”. Trong Liên hoan phim quốc tế ASEAN 2017, Lý Thái Dũng là Đạo diễn hình ảnh (DOP) xuất sắc nhất với “Đảo của dân ngụ cư”...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tay máy vàng và 40 năm hành trình điện ảnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO