Tây Nguyên đang vào đỉnh điểm của mùa khô năm 2016, đây là năm khô hạn nhất trong vòng 18 năm qua. Hiện hàng chục ngàn héc ta cây trồng thiếu nước tưới, kéo theo đó là hàng chục ngàn hộ dân trên khắp các tỉnh Tây Nguyên cũng đang trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Nhiều diện tích cà phê của người dân Đắk Lắk khô héo vì hạn hán.
80% hộ dân thiếu nước
Tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh này, tính đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 20.000 ha cây trồng bị hạn hán với tổng thiệt hại ước khoảng 500 tỷ đồng và hơn 13.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Hiện đã có đến 120 hồ bị cạn nước và dự kiến số hồ bị cạn kiệt nguồn nước và khoảng 50% số hồ đập trên địa bàn tỉnh sẽ cạn nước vào cuối tháng 3 này. Còn nguồn nước ở các con sông lớn như Krông Ana, Krông Bông, Krông Buk cũng đã khô cạn khiến cho nhiều diện tích cây trồng chạy dọc hai bên sông cũng lâm vào tình trạng khô hạn.
Việc thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt hiện đang là câu chuyện nóng ở các thôn, buôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ông Y Zăm Byă, Trưởng buôn Za Wầm B (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) cho biết, hiện toàn buôn có 127 hộ thì 80% hộ dân thiếu nước tưới và sinh hoạt. Nhiều diện tích cà phê không có nước tưới người dân đành phó mặc cho trời, còn để có nước sinh hoạt các hộ phải đi bộ cả vài ba cây số gùi nước về mới có dùng. Anh Y Hùng Knul cùng buôn chia sẻ: “Những năm trước, phải đến tháng 3, tình trạng thiếu nước mới xuất hiện, nhưng năm nay, từ sau Tết, mực nước các hồ, đập, giếng giảm mạnh nên nhiều gia đình không có nước để tưới cho cà phê. Gia đình tôi, có 5 ha cà phê nhưng không có nước tưới vì suối và giếng đã cạn”.
Hiện toàn huyện Cư M’gar đã có gần 520 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, trong đó có các trường mẫu giáo của 3 xã Cư M’gar, Ea M’droh và Ea Kuêh với hơn 300 cháu không có nước sinh hoạt từ đầu tháng 3 vừa qua; còn tại 7 cơ sở mẫu giáo, mầm non giáo viên phải đi xin nước cho các cháu ăn uống, vệ sinh nửa tháng nay.Trước tình hình này, UBND huyện Cư M’gar vừa trích ngân sách hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ các trường mẫu giáo trên địa bàn 3 xã Cư M’gar, Ea M’droh và Ea Kuêh khoan đào giếng lấy nước sinh hoạt. Tại huyện Ea H’leo, từ đầu năm đến nay, do tình hình khô hạn kéo dài, trên địa bàn huyện này đã có 1.800 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gần 4.200 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại bởi hạn hán.
Không chỉ ở các huyện mà ngay tại TP. Buôn Ma Thuột thì tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên. Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết, để điều tiết việc cung cấp nước, bảo đảm cho các hộ dân có nước sinh hoạt, Công ty buộc phải cúp nước luân phiên ở một số khu vực vì hiện nay, cụm 27 giếng khoan khai thác nguồn nước ngầm mực nước đang sụt giảm nhanh chóng, công suất khai thác tối đa chỉ đạt khoảng 70%,. Do nguồn cung cấp nước hạn chế nên công suất cấp nước tối đa của đơn vị chỉ đạt khoảng 40.000 m3 ngày/đêm (so với bình thường là 50.000 m3 ngày/đêm).
Đến cuối tháng 5 mới có mưa
Trước tình trạng khô hạn diễn biến ngày càng phức tạp, ông Nguyễn Hoài Dương-Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Ủy ban tỉnh đã chỉ đạo và ngành nông nghiệp cũng đã có sự phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp tích cực như: nâng cao lượng tràn để nâng dung tích trữ, nạo vét kênh mương các cửa cổng lấy nước để khơi thông dòng chảy, đắp các đập tràn để giữ nước. Lắp đặt thêm các trạm bơm dã chiến bơm từ các sông suối để chống hạn như ở: Lắk, Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin… và đào khoan giếng để khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, theo dự báo, đến cuối tháng 5 – 2016 mới có mưa thì đây là một vấn đề hết sức nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống của người dân.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đến nay, toàn vùng Tây Nguyên đã có trên 7.100 ha đất lúa phải dừng sản xuất, có khoảng 5.300 ha lúa vụ đông xuân bị mất trắng hoặc thiệt hại làm giảm năng suất trên 70%. Cùng với cây ngắn ngày thì khu vực Tây Nguyên cũng có trên 33.400 ha cà phê và 1.700 ha hồ tiêu bị ảnh hưởng do nắng hạn. Về nước sinh hoạt, toàn khu vực đã có gần 17.600 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Để giảm bớt thiệt hại do hạn hán mới đây, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn hán khu vực Tây Nguyên năm 2016, nhằm tìm ra các giải pháp giúp phòng, chống hạn hiệu quả cho các địa phương nơi đây.
Đắk Lắk: Công bố rủi ro thiên tai cấp độ I Mặc dù, tỉnh Đắc Lắk đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhưng mức độ hạn vẫn khốc liệt, số hộ dân thiếu nước sinh hoạt và diện tích cây trồng bị khô hạn thiếu nước tưới đang tăng lên từng ngày, ước tính thiệt hại sẽ lớn hơn những năm trước đây rất nhiều. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định công bố rủi ro thiên tai do hạn hán cấp độ I trên địa bàn 7 huyện, thị xã gồm: Buôn Đôn, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai và thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống hạn. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, tiếp đến là nước cho chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, nhất là bảo vệ diện tích cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao trên địa bàn. |