Trên chiếc xe cân bằng, hai “trợ lý nhỏ” đeo balo theo mẹ rong ruổi khắp thành phố vừa đón Tết vừa gom rác ở các tuyến đường Hà Nội, từ 15h cho đến đêm muộn.
Một buổi chiều đông đầu Xuân Nhâm Dần, cái lạnh rét đến từng thớ thịt, chị Phạm Thị Lan thuộc tổ môi trường số 8 - Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội, chi nhánh Ba Đình (Urenco 1) vẫn đến điểm làm, thu gom rác như thường lệ.
Cách đây hai tháng, mẹ con chị Lan được nhiều người biết đến sau khi mạng xã hội và báo chí đăng tải câu chuyện nữ lao công mang theo con đi gom rác giữa đêm đông. Từ đó, cuộc sống hai mẹ con có nhiều đảo lộn.
Những ngày đầu xuân, chị vẫn tất tả với công việc của mình. “Tết - không khác ngày thường là bao” - chị Lan nói. Công việc của chị Lan vẫn như ngày thường, bắt đầu từ 15h chiều đến 2h sáng hôm sau.
Hôm nay, điểm thu gom rác đầu tiên của chị nằm trên phố Kim Mã, Hà Nội. Không giống như những đồng nghiệp của mình, theo sau chị có 2 “trợ lý nhỏ” trên vai vẫn đeo chiếc cặp sách nhỏ xíu.
Vừa đến nơi, cậu “trợ lý” được chị Lan bế xuống xe cẩn thận. Cậu bé chạy lon ton xung quanh chào cô bác đồng nghiệp của mẹ và chúng tôi một cách lắp bắp, chưa rõ chữ.
Chị di chuyển, thu gom rác trên các tuyến đường đã được phân công cụ thể. Mỗi thời điểm, các khu vực được phân công có thể khác nhau.
Ngồi trầm ngâm bên đống rác vừa gom lại, đôi mắt đỏ hoe, chị Lan kể về hoàn cảnh của mình: “Tôi là mẹ đơn thân. Mười lăm năm trước, tôi có con với một người đàn ông nhưng sau đó chia tay. Người con trai lớn đã 16 tuổi, mắc chứng suy giảm trí nhớ, học hết lớp xoá mù chữ rồi nghỉ”.
Cuộc sống êm đềm trôi qua, đến năm 2019, chị quen một người đàn ông khác rồi sinh bé Thóc. Số phận lại một lần nữa trêu đùa chị khi người này cũng bỏ ra đi.
Bố mất đã lâu, mẹ chị năm nay cũng hơn 70 tuổi, hiện bà trọ ở Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Bà vừa làm việc, vừa giúp chị trông coi cháu lớn. Mẹ già tuổi cao sức yếu, chị Lan không thể nhờ mẹ phụ giúp trông thêm bé thứ hai nên đành chật vật tự mình lo cho con.
Trước đây, để có tiền nuôi con, chị làm đủ nghề để mưu sinh, các công việc theo thời vụ. Khoảng hai năm trở lại đây, một người bạn đã giới thiệu chị vào làm công nhân môi trường.
Với đồng lương ít ỏi lại phải trang trải tiền thuê phòng trọ, tiền ăn, gửi cho mẹ mua thuốc và cho con trai lớn một chút tiền tiêu vặt, chị Lan không còn dư được đồng nào. Để trang trải các khoản chi, chị Lan không đủ tiền thuê người trông coi bé Thóc nên đành phải cho bé đi cùng.
Sau khi hình ảnh của chị được đăng tải lên các phương tiện truyền thông, chị Lan và con cũng đã được nhiều người đến ủng hộ, hỗ trợ vượt qua khó khăn.
Giờ đây, chị cũng đã dành dụm được một khoản để lo cho tương lai của cu Thóc. “Tết cũng không sắm gì nhiều, có gạo với bánh chưng là được”, chị tâm sự.
Tết đến xuân về, người người nô nức hoà chung với không khí sôi động của mùa xuân nhưng với mẹ con chị Lan thì Tết đến thật nhẹ nhàng, bình dị.
“Tôi không được nghỉ Tết, mồng 1 cũng như ngày bình thường thôi không khác là mấy. Ở phòng trọ thì tôi cũng không sắm gì nhiều, chủ yếu có gạo với bánh chưng là được. Vừa rồi, mọi người cũng cho bé quần áo, cũng có nhiều người đến cho tiền, sữa”, chị Lan cho biết.
Chị Lan tâm sự, từ ngày có Mạnh thường quân giúp đỡ, cu Thóc không ngày đêm theo mẹ đi gom rác bên đường nữa, đã có người nhận trông thuê bé với giá 50 nghìn đồng/buổi. “Đi theo mẹ một tí rồi gửi, đến 11h đêm là phải đón về nhà cho bé ngủ rồi mình lại ra làm tiếp, nếu đêm bé khóc thì hàng xóm gọi về”, chị kể.
Nói về dự tính sắp tới, chị Lan cho rằng vẫn sẽ bám chặt nghề thu gom rác, bởi chị không biết làm gì hơn: “Mình theo nghề nào thì cứ làm nghề đó thôi, không bị thất nghiệp, làm nhiều cũng quen rồi, đến với nghề cũng là cái duyên. Tết năm nay thì vất vả hơn so với mọi năm, ảnh hưởng của Covid-19 nên cũng thưởng ít đi”.
Do thấy hoàn cảnh khó khăn của 2 mẹ con chị Lan, nhiều mạnh thường quân cũng ủng hộ, hỗ trợ mẹ con chị được một khoản tiền: “Số tiền ấy không nhiều, tôi cũng không phá lẻ ra để chi tiêu gì cả.
Trong thời gian tới, chị dự định gửi ngân hàng một khoản tiết kiệm để sau này con lớn lên có tiền ăn học và lo cho tương lai. Với chị Lan, "chỉ cần cuộc sống của mình và con vẫn trôi qua êm đềm là điều tuyệt vời".
Sang năm mới, chị Lan chỉ mong 2 mẹ con được sống yên bình qua ngày, cầu mong mọi điều bình an sẽ đến với gia đình trong năm Nhâm Dần 2022.