Trong tâm thức của ngư dân ven biển Hậu Lộc (Thanh Hóa), công đức của các vị thần vô cùng to lớn, nơi để họ gửi gắm những khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi, vào lộng được mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng. Bên cạnh đó, Tổ đường được coi trọng như trái tim để các gia tộc hướng về nguồn cội vào dịp xuân kỳ, thu tế, kỵ lạp…
Chuyện về 100 lá chiếu
Với ngư dân vùng ven biển Hậu Lộc, sau những chuyến đánh bắt xa bờ suốt cả năm, tới những ngày tháng Chạp họ bắt đầu trở về sum vầy, chờ tiễn năm cũ, đón mừng năm mới. Đó cũng chính là thời điểm khắp làng trên, xóm dưới, bằng tấm lòng thành kính, cùng nhau chuẩn bị những vật phẩm, dâng lên các vị thần linh, kính cáo tổ tiên, đất trời.
Theo tín ngưỡng dân gian ở nơi này, các thần linh được thờ phụng rất đa dạng và phong phú. Trong có tục thờ cá Voi - vị “thần hộ mệnh” luôn sát cánh cùng các ngư phủ mỗi khi ra khơi, bám biển.
Ông Phạm Văn Ngọ, trú thôn Thắng Phúc, xã Ngư Lộc, người trông coi đền thờ cá Voi ở Diêm Phố cho biết: Vào dịp lễ, tết, dân làng đều đến đây tổ chức các nghi thức cúng tế cầu mong mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa cá tôm. Nét văn hóa tâm linh đã khắc sâu vào tiềm thức mỗi cư dân biển ngay từ khi còn bé, giúp con người có thêm sức mạnh, niềm tin để thực hiện những dự định, cố gắng của mình trong cả năm mới.
Đặc biệt, vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, các bậc cao niên và người dân vùng ven biển Hậu Lộc thành kính dâng lễ vật lên ban thờ “thần biển”, cầu mong cá Voi giúp họ tăng thêm sự tự tin vươn khơi, bám biển. Ông Ngọ nói: “Các vị nhân thần, nhiên thần được thờ tự trong cụm di tích đều có mối liên hệ, gắn bó mật thiết với nghề biển. Do đó, vào các ngày rằm, mùng 1, những khi lễ, Tết, xuân về, đông đảo cháu con làng biển lại tìm đến mái đền, đình, chùa, miếu... thắp nén nhang thơm, thành kính dâng lễ cầu mong sức khỏe, bình an, nguồn “lộc biển” dồi dào trong những chuyến ra khơi, vào lộng”.
Câu chuyện thờ cá Voi ở vùng biển Hậu Lộc được các bậc cao niên truyền lại rằng: Vào cuối thời Lê, năm 1739, có một con cá Voi không hiểu vì lý do nào đó bị trôi dạt vào bờ biển, ngư dân thấy lạ liền đem 100 lá chiếu đắp lên thân cá. Sau khi cá chết, dân làng lấy bộ xương về lập phủ thờ. Tục thờ cá Voi ở làng Diêm Phố đến nay cũng đã có lịch sử ngót nghét 300 năm, tạo nên bề dày truyền thống về tín ngưỡng.
Người gác đền thờ cá Voi chia sẻ: “Từ bao đời nay, nổi bật và in đậm trong tâm thức của người dân làng biển là sự tôn sùng, biết ơn, cúng tế bằng những nghi thức trang trọng đối với loài linh vật, đấng cứu nhân độ thế. Cá Voi là vị thần bảo hộ, có liên quan mật thiết đến sự hưng thịnh lẫn an nguy của ngư dân”.
TS Phạm Văn Tuấn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa cho biết: Tục thờ cá Voi ở vùng ven biển Thanh Hóa đã tồn tại và phát triển trong đời sống tinh thần của cộng đồng ngư dân suốt mấy trăm năm qua. Họ có cả một tri thức truyền thống biển, khả năng khai thác biển làm nguồn sống chính, mang tính quyết định. Vì thế, như một quy luật tất yếu khi đã lựa chọn cho một nền tảng kinh tế như vậy thì việc thờ phụng cá Voi là một diễn trình “nhân - quả” xuyên suốt trong đời sống tinh thần của họ.
“Thiêng hóa” lễ hội
Diêm Phố - tên gọi xưa, nay thuộc xã Ngư Lộc, một trong 5 xã vùng biển Hậu Lộc (Thanh Hóa). Tên Diêm Phố bắt nguồn từ nét đặc trưng, “diêm” là muối, “phố” là sự trù phú, mang tính chất thành thị, nơi dân cư làm nghề muối với đời sống khá sung túc, sầm uất. Diêm Phố có chùa Hoa Liên, nghè Cả, đền thờ Nẹ Sơn, đền thờ cá Voi…
Hàng năm, vào dịp cuối tháng Chạp, khi bến cảng, luồng lạch nơi cửa biển Hậu Lộc đầy ắp tàu thuyền về neo đậu, cũng là thời điểm ngư dân kết thúc một năm lênh đênh giữa trùng khơi để chuẩn bị cho mùa lễ hội cầu ngư đầu năm mới. Người dân làng biển Diêm Phố gìn giữ truyền thống như một báu vật vô hình của đấng siêu nhiên ban tặng và phát triển lễ hội sinh hoạt văn hóa mang màu sắc tâm linh do chính họ đóng vai trò chủ thể chuẩn bị, thực hiện từ cảnh quan lễ hội đến hình thức tế lễ.
Theo đó, lễ hội cầu ngư, xã Ngư Lộc được tổ chức vào các ngày từ 22-24 tháng 2 âm lịch hằng năm. Lễ hội này thường được lồng ghép cùng lễ tế cá Voi và ra quân đánh bắt vụ cá trong năm mới. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với việc khai trống, khai chiêng, biểu diễn trống hội, nhạc lưu thủy, lễ yên vị, lễ cầu an, rước cỗ, rước kiệu, đặc biệt là nghi lễ rước thuyền Long Châu - biểu tượng linh thiêng nhất của lễ hội cầu ngư. Về phần hội, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, trò diễn dân gian sôi nổi, khắc họa những giá trị văn hóa vùng biển như thi câu mực, đan lưới, hát hò đối...
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đợi, một trong những người có uy tín ở làng biển Ngư Lộc nhiều lần được tham gia đóng Long Châu cho biết: Quan trọng hơn cả, những người vinh dự được dân làng tín cử tham gia vào phần việc này cần chuẩn bị tâm hồn sạch sẽ, trong năm mọi người trong gia đình không vướng “bụi”. Bởi Long Châu có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, dùng để tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, mô phỏng chức năng và quyền lực của các vị thần linh vùng sông biển; nơi người dân gửi gắm niềm tin, mong nhận sự phù hộ cho họ luôn đảm bảo an toàn trong cuộc sống giữa biển khơi.
Ông Đợi kể: “Rạng sáng ngày 21 tháng 2 âm lịch, đúng giờ hoàng đạo, vị chủ tế nổi ba hồi chín tiếng trống đại ở nghè Cả, sau đó 24 trống lớn nhỏ nổi lên rộn rã. Ông chủ tế bắt đầu khấn mời chư vị thần linh giáng lâm chứng giám, sau đó là nghi thức rước thần linh về đàn lễ. Tại khu vực đàn lễ, vào thời điểm chuyển sang ngày mới, ban hành lễ, tế lễ sang canh”.
Vào chính lễ, các đội tế, phường bát âm, phường khiêng kiệu, các bản hội, hội đồng kỳ mục, các chức sắc trong làng, trưởng các dòng họ… có mặt tại đền thánh Cả để làm thủ tục rước kiệu đến bãi “đất phúc”. Sau khi làm lễ cầu ngư (cầu mát), các dòng họ, nhân dân và du khách thập phương lần lượt vào chiêm bái, cúng lễ. Bước sang ngày 24 tháng 2 âm lịch, các giáp rước cỗ về và đặt lễ phẩm vào các vị trí trên đàn lễ. Tục cầu mát năm nào cũng được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, từ địa điểm lễ nghi, trang trí đến đồ lễ đều phải thể hiện sự long trọng.
Địa điểm đàn lễ được chọn đặt ở trung tâm của làng hướng ra bến nước. Không gian đàn lễ phải dựng rạp, đặt bàn ghế theo ngôi thứ trong làng. Trên mỗi bàn có đặt một chiếc mũ ngũ sắc. Phía trước rạp đặt chiếc thuyền rồng lớn, khung bằng tre luồng, phía ngoài dán giấy nâu, kích thước thuyền rồng to gần như một chiếc thuyền đánh cá loại trung bình. Hai bên mạn thuyền cắm hai dãy cờ, trên thuyền có một lá buồm xòe rộng bằng giấy đỏ. Ở khoang thuyền có để muối, gạo, thuốc lào và một quả bí ngô đỏ chín.
Đồ lễ gồm có xôi, thủ lợn, oản, gà. Ngoài đồ lễ chung của làng, mỗi người đến dự đều mang theo đồ lễ riêng như hương, vàng, rượu, trầu cau. Trước khi buổi lễ bắt đầu, phường nhạc của làng dạo một hồi kèn trống. Sau đó ông chủ lễ đứng ra tế, ông thông xướng, ông họa xướng và đốt hương chắp tay hướng vào con thuyền vái lễ. Dân làng vái theo ông chủ tế. Kết thúc cuộc tế lễ là việc “hóa tiễn Long Châu về biển” để cúng thần.
Ông Vũ Huy Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc đánh giá: Lễ hội cầu ngư là dịp để cộng đồng dân cư khẩn nguyện thần linh phù hộ, giúp đỡ, cầu cho khởi đầu năm mới vươn khơi bám biển bình an, may mắn, lộc biển đầy khoang, vượt qua hoạn nạn, đời sống no đủ. Hầu như tất cả người làm nghề biển và ở vùng biển đều coi trọng và tham gia lễ hội này. Đến nay, cho dù đã giản lược một số khâu, song ý nghĩa và các nghi thức diễn tế của lễ hội vẫn được tổ chức rất trang trọng, trở thành một sự kiện văn hóa.
Coi trọng từ đường
Không chỉ phong phú, đa dạng về các loại hình lễ hội, có lẽ hiếm nơi nào lại hiện hữu nhiều từ đường như ở vùng biển Hậu Lộc. Chỉ tính riêng xã Ngư Lộc, địa phương đất chật, người đông đã có tới gần 100 Tổ đường của các dòng họ. Nếu như lễ hội cầu ngư, tục thờ cá Voi là một phổ hệ văn hóa rộng khắp trong cộng đồng dân cư thì Tổ đường lại là nơi để các dòng họ tụ hội, tri ân, ngưỡng vọng, tỏ lòng thành kính, thờ cúng tổ tiên, giáo huấn đạo đức, rèn giũa nhân cách con người từ thuở thiếu thời vào mỗi dịp lễ, Tết, khi xuân về.
Các dòng họ trên địa bàn xã Ngư Lộc nói riêng, vùng ven biển Hậu Lộc nói chung luôn giữ được truyền thống văn hóa, những nét thuần phong, mỹ tục của quê hương Diêm Phố xưa; luôn coi trọng nghĩa tình, tinh tế trong ứng xử, sống giản dị, gần gũi, thuỷ chung. Nét truyền thống đó như một di sản, tinh hoa của làng nước, họ tộc được lưu truyền và vun đắp theo diễn tiến thời gian.
Dòng họ kiểu mẫu là dòng họ không có việc con cãi lại ông bà, cha mẹ; con dâu không cự lại mẹ chồng; anh em biết nhường nhịn nhau. Dòng họ kiểu mẫu là nơi không có chuyện cờ bạc, rượu chè bê tha, mượn chén đưa lời, khích bác, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, phạm vào luân thường đạo lý.
Từ đường là nơi để các dòng họ bày tỏ ước mong được phù hộ độ trì, chở che cho muôn đời con cháu phúc ấm mãi dày. Nhìn lại gốc rễ để hiểu rằng, thế hệ sau thành đạt hơn thế hệ trước là biểu hiện của phúc đức, đảm bảo cho sự tiếp nối, phát triển liên tục, làm vẻ vang, cường thịnh cho mỗi dòng họ.
Để chuẩn bị các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân năm tới, từ rằm tháng Chạp hầu hết các dòng họ tổ chức họp, làm lễ tạ kính cáo tiên tổ, tổng kết năm cũ, bàn công việc năm mới, chuyển giao đăng cai từ chi này sang chi khác. Tới ngày 30 tháng Chạp, từng dòng họ tập trung về từ đường, tiến hành tết khuyến học, khuyến tài, vinh danh các cháu học giỏi, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, viếng mộ tổ, thượng cờ Tổ quốc, cờ họ, làm lễ tất niên với nghi thức tâm linh.
Ông Đặng Quốc Hùng, phụ trách phả tộc dòng họ Đặng ở Ngư Lộc cho biết: Vào chiều cuối cùng của năm cũ, hầu như con cháu các dòng họ đều tự giác tập trung về từ đường, có lễ vật dâng trước tôn thần, thổ địa, nuôi dưỡng phần âm, bảo toàn khô cốt, trời dành đất tốt đãi người có phúc; cầu mong tiên tổ bồi dưỡng hậu sinh, phách thể bình yên, mồ mả vững bền...
Ông Vũ Huy Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc nói khiến lòng tôi cảm thấy xốn xang: “Với người dân vùng biển Hậu Lộc, ngày rằm tháng Giêng quan trọng không kém gì Tết Nguyên đán, sau khi kết thúc nghi lễ, các gia đình sum vầy, tổ chức liên hoan linh đình, hy vọng một năm mới ngập tràn vượng lộc. Và mùa Xuân, mùa tìm về nguồn cội, mùa sinh sôi, nảy nở, mùa của cỏ cây hoa lá lại đến. Trong sâu thẳm trái tim mỗi con người sẽ luôn nhớ về các bậc khởi sinh, ông bà, cha mẹ, quê hương, bản quán, tình nghĩa xóm làng. Từ đó, bồi thêm tinh thần nhân ái đối với cộng đồng, nhân lên ý chí, nghị lực, lòng kiên nhẫn. Đời người ngư phủ ướp mặn sóng gió trùng khơi, nương nhờ biển cả nên tình cảm dòng họ đối với họ đóng vai trò thiết yếu, hợp thành lòng quê hương, đất nước”.