Đất nước ta có nhiều dân tộc anh em, và mỗi dân tộc lại có những nét độc đáo riêng, tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc cho cộng đồng dân tộc mình. Trong đó có những phong tục tết. Tết Canh Tý 2020 năm nay cũng vậy, bà con các nơi đã có một cái tết nhiều màu sắc, vui tươi, ấm cúng.
Trò chơi dân gian trong ngày tết của bà con Khmer Nam Bộ.
Với bà con người Dao, ngày đầu năm bao giờ cũng thăm viếng và chúc nhau. Hội bản làng được tổ chức những ngày này rất vui tươi, trong đó có “tết nhảy”- gọi là “nhiang chằm đao” để rèn luyện sức khoẻ và võ nghệ. Tết nhảy như sự thử tài của thanh niên địa phương, nhưng cũng là ngày vui chung của cộng đồng.
Còn với bà con người Mông, thì lễ hội “Gầu Tào” thật thú vị, diễn ra suốt từ mồng một đến ngày rằm tháng Giêng. Cây nêu cao từ 10 đến 12 mét được dựng lên. Thân tre gióng thẳng, nhẵn, mầu xanh bóng, ngọn tre để nguyên lá, trang trí chung quanh nhiều màu sắc. Sau khi gia chủ và thầy cúng cúng lễ, gia chủ sẽ hát những bài ca ngợi bản mường, chúc tụng mọi người nhân dịp năm mới. Các chàng trai, cô gái thổi khèn, múa khèn, và cùng vui với những trò chơi truyền thống như đánh yến, leo cột lấy bầu rượu.
Tết của bà con dân tộc Nùng bắt đầu bằng mâm lễ cúng tổ tiên đêm 30. Trong mâm lễ, bao giờ cũngcó một con gà trống thiến. Sáng mồng một, người con rể phải đi lễ bố mẹ vợ một đôi gà trống thiến. Hai món nữa không thể thiếu đối với Tết của bà con dân tộc Nùng là bánh khảo và xôi ngũ sắc (vàng, trắng, hai sắc của đỏ gấc, đen). Các trò chơi phổ biến trong ngày Tết của người Nùng là ném còn, đá cầu, hát đối nam nữ, đánh võ cổ truyền, đánh gậy; trẻ con chơi quay, múa sư tử... Đáng chú ý, trước đó, từ ngày 28 và 29 tháng Chạp, bà con đã nghỉ ngơi, vệ sinh nhà cửa, cọ rửa đồ nông cụ, dán giấy đỏ cúng hồn các vật dụng lao động.
Đối với người Mường ở Sơn La, Tết Nguyên đán là cái Tết quan trọng nhất, lớn nhất trong năm. Trong dịp Tết, mỗi nhà tổ chức một bữa cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên, thánh thần. Trong mâm lễ thường có bánh chưng và mật, rượu, cơm nếp, thịt luộc, một bát nước lã, trầu cau, mắm muối… Bữa cơm ngày Tết, ngoài các món có trong mâm thờ còn có thêm món ớt, nộm thịt thủ lợn, các loại rau, măng.
Còn bà con người Tày bắt đầu cái tết vào ngày 30 và kết thúc vào sáng mùng 3. Mùng 7, mọi người ra đồng làm việc, nhưng chỉ mang tính hình thức. Đến ngày 15, bà con ăn Tết lại, gần giống như ăn rằm tháng Giêng. Trong những trò chơi dân gian của bà con, phổ biến nhất và vui nhất là tung còn. Còn ra xuân, bà con còn có hội lồng tồng (xuống đồng). Với bà con Phù Lá ở Lào Cai, ăn Tết chính trong 3 ngày, từ mồng 1 đến mồng 3 tháng Giêng, nhưng các hoạt động vui Xuân thường kéo dài đến hết ngày 15, sau đó mới bắt đầu bước vào lao động sản xuất cho một mùa vụ mới.
Năm nay, đồng bào Khmer Nam Bộ đón tết Nguyên đán với nhiều niềm vui, bên cạnh những cái tết truyền thống của riêng mình. Những ngày này, tại các ngôi chùa Khmer Nam Bộ, tấp nập người vào ra. Những ngôi chùa chính là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con. Mọi người bảo nhau cùng tích phước, hành thiện, chung sở nguyện hướng tới những điều mới mẻ với nhiều may mắn, an lành, tốt đẹp trong năm mới.
Cũng trong dịp này, chính quyền các địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch sôi động, như các chương trình ca múa nhạc, đua ghe ngo, trò chơi dân gian Khmer... Tết Nguyên đán tại Đồng bằng sông Cửu Long vì thế rất vui tươi, nhiều màu sắc.
Bà con Tây Nguyên năm nay cũng đón Tết Nguyên đán trong không khí vui tươi. Các buôn làng M’Nông, Ê Đê, Bah Nar… rộn rã âm thanh. Năm qua, làm ăn được, thu nhập khá nên bà con cũng có thêm điều kiện tổ chức đón tết tưng bừng hơn. Đáng mừng là tại một số địa phương, đội cồng chiêng dần được khôi phục. Không chỉ người cao tuổi mà trẻ em cũng tham gia. Người ta nói rằng, tiếng cồng tiếng chiêng như linh hồn của đại ngàn Tây Nguyên. Trên những con đường quanh co uốn lượn là những dòng người với trang phục đẹp nhất. Trong những mái nhà rông bà con chia vui cùng nhau bên ché rượu cần. Ai cũng mong một năm mới với nhiều kết quả mới, tốt hơn năm cũ.
Với bà con người Chăm Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang… Tết Nguyên đán cũng được gửi gắm nhiều hy vọng mới. Làng Chăm vào Tết thật náo nức. Bà con tất bật chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa để đón chào năm mới. Trong những ngày tết, bà con tổ chức ăn uống, vui chơi và thăm hỏi người thân, bạn bè. Những ngày tết Nguyên đán, trong mỗi gia đình, các thành viên quây quần bên nhau cùng tham gia làm các loại bánh, các món ẩm thực đặc trưng truyền thống. Trong mâm cỗ của bà con bao giờ cũng có những món ngon đặc sản truyền thống như cà-ri, cà-púa, phú-ku hay và cơm nị... Quây quần bên mâm cơm ngày tết, ông bà, cha mẹ giáo dục con cháu, ôn lại một năm đã đi qua với những việc làm được, chưa được để năm tới phấn đấu hơn nữa. Tết Nguyên đán của bà con người Chăm cũng là những ngày có nhiều hoạt động vui chơi, múa hát. Nam thanh nữ tú tập trung cùng nhau ca múa, rồi lại cùng nhau tham gia các hoạt động sinh hoạt cồng đồng…