Mấy hôm nay khán giả màn ảnh nhỏ hơi ngạc nhiên khi thấy NSƯT Đức Khuê trong vai Lê Cửu - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan tỉnh Đông Bình trong phim “Đấu trí” - một bộ phim rất thời sự khi đề cập tới vụ tham nhũng Việt Á. Sự ngạc nhiên này có cái lý của nó. Bởi lẽ Đức Khuê vốn được định hình là một diễn viên hài chuyên vào những vai hiền lành, hơi ngố, thậm chí quê kiểng.
Dù đóng vai nào, mang thân phận ra sao cũng lộ ra nét đáng yêu theo cách của truyện cười dân gian. Đằng sau cặp kính có độ không đều nhau ở hai mắt là cái nhìn nheo nheo thoáng một sự hài hước nhẹ nhàng và nhất là ở cặp môi Đức Khuê luôn đọng lại một cái cười mỉm hơi thoáng nhếch tếu táo, hóm hỉnh.
Còn trong nhân vật Lê Cửu đang từng bước chiếm được sự chú ý khán giả bởi một mô típ nhân vật hoàn toàn khác với dòng nhân vật cả trên sân khấu và truyền hình, Đức Khuê thường thể hiện rất ngọt và tạo ra thương hiệu ở anh - nhân vật có yếu tố hài rất đời, rất thật. Với Lê Cửu đó là kẻ quan chức có trọng trách ở một môi trường dễ phát sinh ra sự lạm dụng chức quyền của mình để vơ vét, tham nhũng.
Nhưng với tính cách khôn khéo nhân vật Lê Cửu - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan đã có ý thức và chủ động biến mình một cán bộ lãnh đạo gương mẫu theo mô típ “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, một nhân viên công vụ mẫn cán, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn, vất vả để sau mặt nạ chân thành là những mánh khoé lợi dụng chức trách của mình, thông đồng với những phần tử xấu để bảo kê buôn lậu và thu về những món lợi lớn.
Ông ta không chỉ đeo mặt nạ với xã hội mà còn trong cả gia đình khi bắt vợ con sống kham khổ, để che mắt thiên hạ. Cuối cùng cái gì đến sẽ đến. Bi kịch xuất hiện, đeo đẳng làm mất đi hạnh phúc gia đình. Tội lỗi bị phát hiện, sự thật được phơi bày, Lê Cửu phải trả giá.
Cái thành công trong vai diễn này và có thể nói đây là sự khám phá thêm một khía cạnh tài năng diễn xuất của Đức Khuê khi anh vượt qua những điểm mạnh cố hữu của mình để chuyển sang loại nhân vật khác hẳn về tính cách. Với Lê Cửu, Đức Khuê đã từ loại nhân vật hài sở trường bước sang loại nhân vật tả chân mang yếu tố bi kịch.
Có thể nói diễn hài Đức Khuê diễn ngọt, diễn bi Đức Khuê cũng ngọt không kém. Cả hai loại nhân vật có nhiều tố chất trái ngược này đều được anh thể hiện thành công bởi sự diễn sâu và nhuyễn. Ở các vai diễn đa dạng đó người xem thấy tính cách diễn viên trùng khít không hề vênh so với tính cách nhân vật. Đó chính là chất đa dạng một cách chuyên nghiệp của tài năng Đức Khuê.
Trong một lần trò chuyện với tôi, Đức Khuê cho biết, anh là diễn viên chuyên nghiệp nên sẵn sàng chấp nhận đóng các nhân vật được đạo diễn phân cho. Trên sân khấu cũng như trong phim, dù là vai chính hay phụ, nhưng nếu để nói sở thích của mình thì Đức Khuê rất hào hứng được đóng trong các vở kịch kinh điển và cổ điển.
Vì ở đó tính chặt chẽ của nhân vật được xác định rất rõ, kết hợp với sự nghiêm túc của đạo diễn khi nghiên cứu kĩ càng kịch bản để tìm ra chìa khóa vở diễn cùng với sự tiếp cận một cách thận trọng để hiểu nhân vật của diễn viên là ba yếu tố làm nên thành công của người diễn viên khi thể hiện nhân vật. Nhất là khi diễn viên biết sử dụng vốn sống, kinh nghiệm ngoài đời của mình vào để bồi đắp cho hình tượng nhân vật đủ đầy, đa dạng như ngoài đời sống xã hội. Đó chính là những nhân tố giúp diễn viên sáng tạo nghệ thuật, thông qua việc xây dựng, thể hiện nhân vật.
Trong Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV tại Hà Nội năm 2019, Đức Khuê đoạt huy chương vàng với vai diễn cậu Vanya trong vở kịch cùng tên của văn hào A.P.Chekhov. (Không hiểu sao khi xem Đức Khuê diễn vai này tôi thấy hình như diễn viên này có tính cách hao hao với nhân vật của Chekhov).
Khi nghe anh kể về quá trình dựng nhân vật này để đi đến thành công vang dội tôi mới hiểu sự khổ luyện của anh như thế nào trong quá trình tìm tòi và sáng tạo nên nhân vật chứa đầy mạch ngầm tư tưởng, sự kiện, tâm trạng và cả mâu thuẫn cuộc đời - đặc điểm tài năng kiệt xuất của Chekhov - để khiến người xem nhận ra sư hao hao đó. Đạo diễn dàn dựng vở diễn là Tsuyoshi Sugiyam người Nhật, ông sinh năm 1974. Bằng phương pháp mổ xẻ đến cùng nhân vật cùng sự thị phạm nghiêm nhặt đến từng động tác. Với sự tôn trọng đến cùng nguyên tác, thông qua những cuộc trao đổi nghiêm túc giữa đạo diễn và Đức Khuê đã giúp anh tìm ra chìa khoá hành động và chiều sâu tâm lý nhân vật.
Vì quan điểm và phương pháp xử lý nhân vật thận trọng như thế nên Đức Khuê rất tâm huyết với quan điểm “phải trân trọng tất cả các vai, không thể phân biệt vai phụ hay vai chính. Vì đôi khi vai phụ lại làm nên thành công của vở diễn”. Chính vì một cách nghĩ, một phương châm làm việc chuẩn mực như vậy nên Đức Khuê có thể nói là diễn viên để lại dấu ấn rõ nét, đáng nhớ nhiều trong lòng khán giả.
Dù anh đóng các nhân vật có thời gian ít trên sân khấu như trong chuỗi kịch hài ngắn “Đời cười” với các tiết mục như: “Bệnh nói nhiều”, “Bác sĩ nghèo khổ”, “Phong bì”, “Thần hồn nát thần tính”… Hay trong các vở diễn dài như: “Vũ Như Tô” (năm 1994 ở vở diễn này mặc dù vừa tốt nghiệp khoá diễn viên và đảm nhận vai Phó Độ - một vai không có độ diễn dài nhưng Đức Khuê đã được tặng thưởng huy chương đồng); Vở “Mùa hạ cuối cùng” (vở này Đức Khuê nhận huy chương vàng trong vai diễn thầy Hiền); Vở “Tiếng chuông” (huy chương vàng cho Đức Khuê trong vai Giám đốc Sở Thương mại); Vở “Cậu Vanya” (Đức Khuê nhận huy chương vàng cho vai diễn cùng tên).
Luôn trung thành với quan điểm phải chỉn chu, thận trọng, tâm huyết trong xây dựng nhân vật, nên không phải ngẫu nhiên Đức Khuê là một trong những diễn viên kịch nói được mời đóng phim nhiều nhất. Nếu tính từ phim “Của rơi” là phim đầu tiên anh tham gia đóng phim vào năm 1994 - đúng năm anh tốt nghiệp khoá 2 diễn viên thì đến năm 2022 này, chỉ trong 28 năm Đức Khuê bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ diễn viên Nhà hát anh đã có mặt trong 54 phim.
Điều đáng nói ở đây là không kể là phim nhựa hay phim truyền hình Đức Khuê cũng gặt hái những thành công và để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Không ít phim điện ảnh, anh được các đạo diễn danh tiếng mời vào vai và Đức Khuê đã không phụ lòng họ khi gặt hái được những thành công. Từ nhân vật anh nhớ nhất là vai thư kí của Bác Hồ trong phim “Hà Nội mùa đông năm 1946” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), rồi phim “Của rơi” (đạo diễn Vương Đức - ở phim này Đức Khuê nhận giải thưởng diễn viên nam xuất sắc của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14), rồi “Hàng xóm” của đạo diễn Phạm Lộc…
Phim chiếu rạp có doanh thu cao như: “Em là bà nội của anh”, “Tháng năm rực rỡ”… Còn với phim truyền hình thì Đức Khuê là cái tên sáng giá liên tiếp trong thời gian gần đây như: “Bánh đúc có xương”, “Lập trình trái tim”, “Phố trong làng” và “Đấu trí “đang chiếu trên truyền hình hiện nay.
Nghệ sĩ Đức Khuê sinh năm Mậu Thân (1968), người con của làng Văn Khuê, Quốc Oai, Hà Nội. Ở tuổi 54 - tuổi đang độ chín của cuộc đời diễn viên, Đức Khuê giờ có thể xem là một diễn viên gạo cội trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ và của làng điện ảnh Việt Nam. Nhưng buổi đầu khởi nghiệp của anh lại không đi thẳng vào nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại, anh trở thành một nhân viên thống kê.
Nhưng số phận run rủi, chỉ sau vài ba tháng, cảm thấy không hợp với công việc. Đúng lúc ấy vào năm 1990, Nhà hát Tuổi trẻ đang đi những bước khởi đầu sau khi thành lập có nhiều cố gắng để đào tạo diễn viên của mình. Sau khóa kịch 1 Nhà hát cho ra lứa diễn viên đầu với các diễn viên sau này là dường cột của nền sân khấu đương đại Việt Nam như: Chí Trung, Anh Tú, Lê Khanh… thì Đức Khuê trở thành học viên của khóa kịch 2 cùng với hàng loạt tài năng sau này trở thành các diễn viên nổi tiếng như: Sĩ Tiến (hiện là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ), Vân Dung, Nguyệt Hằng, Bá Anh...
Thế mới hay mỗi người có một số phận, có một cái duyên để đến với nghề. Song dù ở đâu, làm gì thì năng khiếu, sự cần cù và trong đó sự nghiêm túc, yêu nghề, nhất là trong nghệ thuật thì sẽ tạo ra những thành công và tạo được sự mến mộ của ngưởi xem. NSƯT Đức Khuê diễn viên có cái cười mỉm tếu táo và hóm hình là một ví dụ khá điển hình.