Victoria- một trong những thác nước mang tính biểu tượng hàng đầu thế giới gần như bị cạn khô khi hạn hán đang làm tê liệt khu vực phía Nam châu Phi. Thác Victoria nằm giữa Zambia và Zimbabwe, tới nay những dòng nước chảy xuống các hẻm núi gần như biến mất. Mực nước của thác nước lớn nhất thế giới hiện giảm tới 50%, mức thấp kỷ lục trong vòng 40 năm qua.
Thác Victoria hiện nay.
Biến đổi khí hậu làm thác Victoria cạn nước
Các nhà khoa học cho rằng, sở dĩ có hiện tượng này là do tác động xấu của biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, xuất hiện tình trạng khô hạn kéo dài. Hôm 8/12, chính Tổng thống Zambia Edgar Lungu đã phải trực tiếp kêu gọi sự hỗ trợ của các nước phương Tây trong bảo vệ môi trường. “Người Zambia chúng tôi cảm nhận rõ những tác động của biến đổi khí hậu thực sự gây hại. Và nó đang ảnh hưởng tới tất cả mọi người”- ông nói đồng thời cho rằng sự việc này là “lời nhắc nhở nghiêm túc về những gì biến đổi khí hậu đang gây ra cho môi trường của chúng ta”.
Trong khi đó, Hội đồng Du lịch địa phương lại có quan điểm khác khi cho rằng việc mực nước xuống thấp vào thời gian này trong năm là bình thường, nhưng thác nước sẽ không bao giờ khô cạn cả. Trong những năm qua, nước ở thác không nhiều như đã từng có nhưng nó sẽ không bao giờ khô cạn.
Victoria là thác nước tự nhiên cao hơn 100m, là cảnh quan thiên nhiên thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm và là nguồn lực thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế, hạn hán không chỉ đe dọa gây ảnh hưởng tới ngành du lịch và dịch vụ sở tại mà còn gây tác động mạnh tới các loài động vật hoang dã trong vườn quốc gia. Khoảng 8 triệu người dân ở Zimbabwe hiện được cho là phụ thuộc vào các gói thực phẩm từ các nhà cung cấp viện trợ nước ngoài và các dự án bảo tồn các loài động thực vật đã được triển khai. Còn rộng ra, khu vực phía Nam châu Phi hiện đang hứng chịu một số ảnh hưởng tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu khi nước ngày càng cạn dần đi và khoảng 45 triệu người cần viện trợ thực phẩm vì mùa màng thất bát.
Nói về nguyên nhân thác Victoria thiếu nước nghiêm trọng, một chuyên gia về sông hồ- ông Harald Kling- cho biết khi nước sông bị nóng hơn, khoảng 437 mét khối nước sông sẽ bốc hơi trong mỗi giây. “Trong những năm trước, khi mùa khô tới, thác nước không ở trong tình trạng này. Lần này thác nước cạn kiệt chính là do thiếu nguồn nước từ các dòng sông cung cấp cho nó”- ông Harald Kling nói.
Dữ liệu từ Cục Quản lý sông Zambezi cho thấy dòng chảy của sông đang ở mức chậm nhất kể từ năm 1995.
Lượng nước nhiều dòng sông lớn suy giảm
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại không chỉ đến từ thác Victoria mà còn mang tính toàn cầu. Năm nay, châu Âu cũng chịu đựng một mùa khô hạn kéo dài nhất trong lịch sử. Tại Tây Ban Nha, các vườn nho và ruộng cà chua bị héo dần do không đủ nước tưới. Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cho biết, Chính phủ nhận thức rõ về tình trạng đáng lo ngại mà người chăn nuôi và trồng trọt phải đối mặt, và buộc phải áp dụng các biện pháp cần thiết tùy thuộc vào diễn biến tình hình. Theo dự báo của cơ quan thời tiết AEMET (Tây Ban Nha), khoảng 32 triệu người dân nước này đã phải vượt qua một mùa hè dài hơn và khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu.
Tại Đức, nhà chức trách phải hạn chế việc đi thuyền trên 2 con sông Elbe và Oder do mực nước xuống thấp. Các quy định hạn chế sử dụng lãng phí nước cũng đã được Pháp đưa ra. Arnaud Lespagnol- Chủ tịch Hiệp hội Nông dân FDSEA tại vùng Cher (Pháp) đã khuyến cáo, trước tình trạng nắng nóng và hạn hán, nông dân phải cố gắng hết sức để quản lý việc tiêu thụ nước cũng như thay đổi một số loại cây trồng.
Các nhà khoa học cũng đã lên danh sách những dòng sông đang trong tình trạng cạn kiệt nước do biến đổi khí hậu (so với lượng nước trung bình trong vòng 30 năm). Đó là sông Citarum (Indonesia), cung cấp 80% lượng nước sinh hoạt cho 14 triệu dân thủ đô Jakarta. Sông Hằng (Ấn Độ), hiện đã mất đi khoảng 30% lượng nước. Sông Mississippi (Mỹ), lượng nước giảm 22%. Sông Buriganga (Bangladesh), lượng nước giảm 35%. Sông Hoàng Hà (Trung Quốc), lượng nước giảm 15%. Sông Marilao (Philippines), lượng nước giảm 20%. Sông Sarno (Italy), lượng nước giảm 25%. Sông King (Australia), lượng nước giảm 15%.