Lo ngại về an ninh Biển Đông, gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc… là những nội dung được các diễn giả quan tâm tại phiên họp về triển vọng địa – chính trị châu Á sáng 13/9, trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) đang diễn ra tại Hà Nội.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết 3 điểm ông quan tâm hiện nay là Cách mạng công nghiệp 4.0, mang lại nhiều lợi ích song nếu không tận dụng được thì sẽ bị bỏ lại phía sau. Thứ hai là sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, chính trị cường quyền, cạnh tranh chiến lược, khiến những quốc gia đều phải thích nghi. Thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thông là mối đe dọa, đặc biệt là cạnh tranh, tranh chấp trên biển; an ninh mạng.
Bà Lynn Kuok, nữ nghiên cứu sinh đến từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (Châu Á), cho rằng một trong những lo ngại của bà về tình hình địa – chính trị hiện nay là những vấn đề ở Biển Đông. Trung Quốc đang có sự chi phối với tình hình cũng như nguồn lực trong khu vực. “Tôi hiểu rằng Biển Đông là khu vực xảy ra những hành động quân sự của Trung Quốc, có mâu thuẫn với Việt Nam trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Trong khu vực có thể sẽ có sự thay đổi về quyền lực. Trung Quốc tuyên bố rằng những hành động của họ nhân danh hòa bình cũng như hài hòa trong khu vực, song một quốc gia khác có vị thế yếu hơn trong khu vực khó có tiếng nói mạnh như Trung Quốc để phản đối lại. Có cơ hội rất lớn cho chúng ta trong khu vực này có thể tăng cường sự kết nối với nhau. Rất tuyệt vời nếu khu vực có thể kết nối với nhau trong việc đương đầu với những rủi ro, nguy cơ này, đặc biệt là có thể bảo vệ những nguồn tài sản chiến lược trong khu vực”- bà nói.
Nghiên cứu sinh cũng cho rằng những hành động của Trung Quốc là nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, ASEAN sẽ cần đưa ra chiến lược mạnh hơn để duy trì vai trò, ảnh hưởng trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh ông lo ngại trước bất cứ nỗ lực đơn phương nào để thay đổi hiện trạng ở châu Á. Trong việc thiết lập một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, bất cứ một sự thách thức, thay dổi nào một cách đơn phương với trật tự này, cộng đồng quốc tế cần có tiếng nói phản đối.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhấn mạnh tự do hàng hải là một vấn đề chủ chốt với kinh tế toàn cầu. Nhật Bản đang nỗ lực để tăng cường kết nối giữa khu vực bờ đông Châu Phi với nền kinh tế ASEAN thông qua Thái Bình Dương và bờ phía tây của châu Mỹ. Nhật Bản nỗ lực hỗ trợ xây dựng trật tự trên biển dựa trên quy tắc, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng có chất lượng cao: dự án cởi mở, công khai, có ý nghĩa kinh tế, lành mạnh về mặt tài chính của quốc gia được hỗ trợ. Bên cạnh đó là chống lại những nguy cơ như cướp biển, khủng bố và tăng cường năng lực các quốc gia trong đảm bảo an ninh trên biển. Định hướng chiến lược dành cho một khu vực Ấn Độ Dương với mong muốn đó là một khu vực mở và tự do. Cần sự nỗ lực, chung tay của tất cả mọi người trong những vấn đề bảo đảm an ninh biển.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha đánh giá sáng kiến Một vành đai, một con đường của Trung Quốc có phần mâu thuẫn, đối đầu với chính sách tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN. “ASEAN đưa ra những chính sách như minh bạch, phát triển dành cho tất cả mọi người. Đó là những xu hướng mà chúng tôi rất mong muốn được thực hiện”- Ngoại trưởng Hàn Quốc nói.
Còn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh hiện có rất nhiều sáng kiến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương như sáng kiến Thái Bình Dương mở và tự do, Một vành đai, một con đường, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương… “Chúng tôi hoan nghênh tất cả các sáng kiến nếu đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực. Sáng kiến cần mở, mang tính bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế”- Phó Thủ tướng lưu ý.