Thách thức chuyển đổi xanh

Khanh Lê 19/10/2023 06:47

Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Tuy nhiên, theo cộng đồng doanh nghiệp, nhiều chính sách vẫn chưa đủ để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp tái chế, công nghiệp môi trường cũng như chưa thúc đẩy được việc xã hội hóa đầu tư cơ sở xử lý, tái chế chất thải… Chính vì vậy, quá trình xanh hóa của doanh nghiệp gặp không ít thách thức.

Ngành dệt may cần hướng đến sản xuất xanh để không đánh mất lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Quang Vinh.

Xanh hóa nền kinh tế là giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế. Xu hướng này đang hình thành các tiêu chuẩn mới về môi trường và phát triển bền vững do các thị trường nhập khẩu, nhà nhập khẩu qui định.

Mất lợi thế nếu không “xanh hóa” nguyên liệu

Đối với ngành dệt may, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2023, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Bên cạnh sự sụt giảm về đơn hàng bởi tác động của kinh tế, trong cam kết của Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP (Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) hay EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU) đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng xanh, tái chế và đây là những yêu cầu đòi hỏi nhà sản xuất Việt phải thích ứng. Do đó, nếu không thay đổi, dệt may Việt Nam có thể dần đánh mất lợi thế cạnh tranh.

Còn theo ông Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Nghiên cứu phát triển và phát triển bền vững (Tập đoàn PAN) việc sản xuất xanh không chỉ là áp lực của đối tác, mà hướng sản xuất này còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN), như giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Nhiều khách hàng từ EU rất coi trọng việc truy dấu vết carbon trên sản phẩm. Vì vậy, Tập đoàn phải thực hiện kiểm kê carbon và giải pháp giảm dấu vết carbon trên từng sản phẩm của mình.

“Thay vì tốn chi phí xử lý, Tập đoàn hợp tác với công ty khác chế biến thành thức ăn chăn nuôi và có thêm khoản thu khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, doanh thu và lợi nhuận đều tăng do giá trị thương hiệu tăng khi đưa hàng ra thị trường quốc tế và có thể thâm nhập các thị trường có giá trị cao hơn” - ông Trung Anh chia sẻ.

Tương tự, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) đã đầu tư phòng Lab để nghiên cứu về nguyên liệu xanh và ứng dụng nghiên cứu vào các sản phẩm thời trang xanh. Không những vậy, công ty này còn thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh để phát triển 3 dòng sản phẩm chính gồm: sản phẩm thân thiện với môi trường (tái chế từ chai nhựa, mía, bắp, cà phê, quần áo cũ…), sản phẩm tính năng theo mùa và dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống.

“Xanh hóa ngành dệt may là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới. Điều này giúp ngành dệt may có nhiều lợi thế hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Trần Như Tùng - Chủ tịch HĐQT của TCM chia sẻ.

Nhận định về vai trò “xanh hóa” nguyên liệu trong sản xuất, ông Hồ Kiên Trung - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu (XK) của Việt Nam (như dệt may, da giày, sắt thép, nông lâm thủy sản…) trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới đều phải tính đến việc tăng cường quá trình tái chế. Các sản phẩm, hàng hóa muốn xuất khẩu sang các nước đều phải đảm bảo tín chỉ carbon, chứng minh được hàm lượng tái chế. Điều này mang lại cơ hội phát triển rất lớn cho các DN Việt trong lĩnh vực tái chế, công nghiệp xử lý môi trường.

Theo Bộ Công thương, qua khảo sát có 83% DN cho rằng sản xuất xanh giúp nâng cao hình ảnh và uy tín; 57% DN nhận thấy sự cần thiết phải chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh và bền vững bởi đây là áp lực cần tuân thủ nếu muốn mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác tại châu Âu, Mỹ… Tuy nhiên, có 70% DN cho biết chưa được trang bị đủ kiến thức, chưa hiểu rõ lợi ích của kinh tế xanh và phát triển bền vững nên chưa sẵn sàng đầu tư, chuyển đổi sản xuất.

Mở cơ chế để phát triển công nghiệp tái chế

Tái chế là nhân tố quan trọng, song theo ông Kiên, sản xuất các nguyên liệu tái chế này ở Việt Nam còn mang tính thủ công, nhỏ lẻ và chất lượng chưa đảm bảo. Việc sản xuất vải từ lá sen, bột ngô, tre, nứa kỹ thuật chưa được hoàn thiện và đẩy giá thành lên cao.

“Chẳng hạn như trong mảng chất thải ở ngành điện tử hay ở ngành thủy tinh vẫn còn rất ít DN tham gia xử lý tái chế để tạo thành nguyên vật liệu cho ngành sản xuất” - ông Trung nói.

Về nội tại ngành công nghiệp tái chế, ông Kiên cho rằng ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam hiện nay còn nhỏ lẻ, công nghệ và hạ tầng chưa đáp ứng để phát triển, sản xuất lớn; mới chỉ tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực; chưa đa dạng và tận dụng hết các nguồn chất thải để làm nguyên liệu tái chế mà các ngành sản xuất đang cần (chất thải từ tre, nứa, vỏ dừa để phục vụ ngành may mặc; chất thải thủy tinh…)

Theo ước tính, mỗi năm, Việt Nam phải chi khoảng 10 tỷ USD để nhập khẩu nhựa nguyên liệu, chưa kể mỗi năm thải ra môi trường 3,3 triệu tấn rác thải nhựa các loại trong khi tỷ lệ thu gom mới đạt 27% và tái chế đạt 10%. Trước những con số đáng báo động này, ngay từ đầu năm 2024, quy định thực hiện EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trong việc tái chế theo Luật Bảo vệ môi trường, sẽ chính thức có hiệu lực. DN sản xuất thay vì chỉ tái chế lượng rác từ sản phẩm của họ theo tinh thần tự nguyện, từ năm sau sẽ là trách nhiệm bắt buộc. Quy định này được đánh giá sẽ là cú hích cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo các chuyên gia việc tham gia của các DN nội địa vào lĩnh vực công nghiệp tái chế sẽ góp phần hạn chế nhập khẩu nguyên liệu tái chế, thậm chí là thúc đẩy xuất khẩu nguyên liệu tái chế.

“Việc tham gia của các DN Việt Nam vào lĩnh vực tái chế là rất quan trọng trong lúc này, nhất là cần đầu tư vào máy móc, công nghệ tiên tiến để phục vụ cho hoạt động tái chế, xử lý chất thải. Qua đó các DN sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững” - ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam (VWRA) khẳng định.

Tuy nhiên theo đại diện của VWRA, một số chính sách vẫn chưa đáp ứng và thúc đẩy hỗ trợ cho các DN nội địa trong ngành công nghiệp tái chế. Đơn cử như chính sách về hỗ trợ, xã hội hóa và đầu tư cho quản lý tái chế. Hay như giá thu gom, vận chuyển và xử lý vẫn còn nhiều điểm bất cập. Không những vậy, có những địa phương còn chưa quan tâm, hỗ trợ cho việc thu gom, tái chế chất thải và chưa coi chất thải là nguồn tài nguyên, dẫn đến việc chỉ chôn lấp hoặc đốt chất thải.

Về vấn đề này, đại diện VITAS cho rằng đầu tư phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm có khả năng tái chế đang là điểm cộng để DN nhận được đơn hàng. Chính vì vậy, VITAS đang cùng Bộ Công thương kiến nghị với Chính phủ để hướng dẫn về Chiến lược dệt may giai đoạn 2021-2035 và tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó, các địa phương có thể quy hoạch vùng đất để đầu tư vào các khu công nghiệp đạt các chuẩn về môi trường, nước thải…Tuy nhiên song hành với việc này, các chính sách cần có tính thực tế, nếu có bất cập thì cần điều chỉnh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển thị trường”.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, theo đuổi sản xuất xanh hiện là đích đến của các DN trên toàn thế giới và tại Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đặc biệt hơn, hiện Việt Nam đã tham gia hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới song để có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định này thì tiêu chuẩn xanh là một trong những yếu tố bắt buộc. Do đó, cùng với DN, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế và xác định đây là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất thúc đẩy quá trình chuyển đổi hướng đến nền kinh tế tuần hoàn bằng cách quản lý chất thải như một nguồn tài nguyên có giá trị.

Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu. Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Một số thị trường nhập khẩu lớn hàng hoá Việt Nam áp dụng thuế suất cao với các sản phẩm có phát thải carbon lớn và đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe với hàng hoá nhập khẩu. Trong khi đó, việc chuyển đổi xanh, bền vững tại nước ta còn gặp nhiều thách thức, từ tư duy đến nguồn lực tài chính cho chuyển đổi sản xuất, kinh doanh. Đây là những thách thức, trở ngại lớn đối với DN trên bước đường chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững mặc dù trong những năm gần đây, tăng trưởng xanh và chuyển dịch xanh đã trở thành ưu tiên trọng điểm trong phát triển kinh tế được Đảng, Chính phủ quan tâm tạo mọi ưu tiên. Do đó, DN cần chủ động thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là cơ hội, tiêu chuẩn để DN tận dụng các ưu đãi của các FTA, nhất là FTA thế hệ mới. Do đó, DN cần thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hoá nguồn tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà còn phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước với những đòi hỏi ngày càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức chuyển đổi xanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO