Thách thức giảm nghèo đa chiều

Khanh Lê 02/06/2023 07:42

Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều trên toàn quốc cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước năm 2022 là 1.057.374 hộ. Đây sẽ là thách thức rất lớn để thực hiện mục tiêu giảm tới 1,5% hộ nghèo trong năm 2023.

Nhân rộng mô hình sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Còn hơn 1 triệu hộ nghèo

Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo sinh sống ở vùng nông thôn, có sinh kế, thu nhập không bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm. Đó là những thách thức không nhỏ cho mục tiêu giảm nghèo của năm 2023 này.

Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên toàn quốc. Kết quả cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước của năm 2022 là 4,03%. Tổng số hộ nghèo là 1.057.374 hộ. Xếp theo vùng, trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (14,23%), với tổng số hộ nghèo là 455.271 hộ. Ở vị trí thứ hai là vùng Tây Nguyên, với tỷ lệ hộ nghèo là 8,39%; tổng số hộ nghèo là 129.160 hộ. Nếu tính theo tiêu chí nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo), tỷ lệ nghèo chung toàn quốc là 7,52%. Tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là hơn 1,9 triệu hộ.

Từ những kết quả trên cho thấy việc triển khai giảm nghèo trong giai đoạn mới là hết sức khó khăn. Theo TS Nguyễn Thắng - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thách thức lớn nhất là ở lực lượng lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng. Hiện tỷ lệ người làm nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp không có giao kết hợp đồng khá lớn. Như vậy họ rất dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.

Đáng lo ngại, còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên, có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Hơn nữa, dù hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện, nhưng vẫn còn một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả.

Kiên quyết xóa bỏ chính sách “cho không”

Nhiều địa phương cho biết việc triển khai giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều là thách thức rất lớn. Bởi vốn dĩ giảm nghèo đã khó song giảm nghèo đa chiều với các tiêu chí đo lường về thu nhập, mức độ tiếp cận các dịch vụ cao hơn rất nhiều so với trước, đồng nghĩa với việc “về đích” giảm nghèo cũng khó khăn hơn.

Tại Tuyên Quang, theo báo cáo hết năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có 54 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 8 xã đang được các ngành chức năng thẩm định để đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM. Như vậy việc tiêu chí số 11 (về nghèo đa chiều) đã đạt chuẩn. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, hết năm 2022 toàn tỉnh chỉ có 38/122 xã đạt chuẩn tiêu chí nghèo đa chiều.

Theo ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia, làm cơ sở xác định đối tượng tác động chính sách giảm nghèo. Chuẩn nghèo quốc gia được xây dựng theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.

Do đó, để hoàn thành mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1-1,5%/năm, tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm,… chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, trong đó tập trung thực hiện giải pháp như: nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội, nhất là cấp cơ sở; phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó cần hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Đồng thời, triển khai quyết liệt và hiệu quả kế hoạch năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành. Cụ thể như: chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, chính sách trợ giúp pháp lý.

Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.Chương trình được thiết kế với 7 dự án, cùng tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức giảm nghèo đa chiều