Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết, mở ra nhiều cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt. Tuy nhiên, để có thể tiếp cận những cơ hội và CPTPP mang lại, Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó cũng là chủ đề chính của cuộc hội thảo “Giải pháp mới nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 5/4 tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 6,81% trong năm trong năm 2017 vừa qua. Và trong năm 2018 này, mức tăng trưởng mà Quốc hội kỳ vọng là 6,5 - 6,7%. Mặc dù con số 6,7% không phải là điều dễ dàng đạt được, song ông Lộc cho rằng, những cải cách về thể chế mà đặc biệt là những cải cách hành chính như cắt giảm 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho DN chính là những động lực lớn nhất cho sự tăng trưởng. Theo ông Lộc, tăng trưởng không phải là vấn đề quan trọng nhất mà chất lượng tăng trưởng mới là yếu tố chúng ta phải hướng đến. Trong mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam, vẫn đang gióng lên những tiếng chuông cảnh báo về năng suất lao động thấp, về trình độ quản trị DN. “Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có năng suất lao động thấp nhất khu vực. Và theo báo cáo PCI của VCCI, trình độ quản trị DN Việt Nam đang thấp nhất khu vực” – TS. Lộc nhấn mạnh.
Một con số điều tra của Viện Khoa học lao động xã hội nêu rõ,2/3 số DN cho biết, phần lớn người lao động thiếu hụt kỹ năng về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác. Báo cáo PCI cũng cho thấy 55% DN khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của DN. Cuộc tìm kiếm lại càng nhọc nhằn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, tác động kép của hội nhập và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn với nguồn nhân lực Việt Nam. Chính bởi vậy, sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn lao động là hạt nhân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Điều này đặt ra yêu cầu Việt Nam phải cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà ở đây vai trò của các DN rất quan trọng.
Nhận định về chất lượng nguồn lao động của thị tường lao động Việt Nam, TS Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, nguồn lao động Việt Nam dồi dào và ổn định. Tuy nhiên nói về chất lượng thì còn nhiều điểm phải bàn. Cụ thể, bà Dung nêu rõ, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao do đó khó có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Ngoài ra, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.
Đánh giá riêng về tác động của CPTPP tới nguồn nhân lực ở Việt Nam, bà Dung cho rằng, CPTPP đang tạo ra cả cơ hội cũng như thách thức. Theo ông Stephan Ulrich, Quản lý dự án Vùng Dự án phát triển DN bền vững của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì Việt Nam chỉ đứng cùng với các quốc gia như Kenya hay Nigeria về trình độ quản lý chứ chưa thể đạt được đến tầm các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc. Bởi vậy để giải bài toán này, cần mở rộng đào tạo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy học sinh tham gia 4 bộ môn: Khoa học, công nghệ, toán và kỹ thuật để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn trong tương lai. “Bên cạnh đó, giáo dục đào tạo và khởi nghiệp cần phải cải cách vì như hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều điểm bất cập và cần phải cải cách để loại bỏ những bất cập đó nếu không muốn bị đứng ngoài vòng xoáy hội nhập” – vị chuyên gia nhấn mạnh.