Nhiều quốc gia ở châu Phi thiếu trầm trọng nguồn lực cho công tác dự báo thiên tai, trong khi biến đổi khí hậu đang khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên.
Có cũng như không
Hầu hết các máy móc phục vụ cho công tác dự báo thời tiết của Cơ quan Khí tượng Quốc gia tại thủ đô N'Djamena, Chad đều đang nằm bất động và phủ đầy bụi tại trụ sở chính của cơ quan này. Trong khi đây là những thiết bị được cho là giúp cơ quan có tên ANAM theo dõi các kiểu thời tiết.
Tình hình ở Chad cũng diễn ra ở nhiều nơi khác tại châu Phi - một lục địa đang rất thiếu các dự báo đáng tin cậy, vốn là nền tảng của công tác quản lý thảm họa khi biến đổi khí hậu khiến thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 khai mạc hôm 13/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi hành động khẩn cấp để khắc phục tình trạng thiếu dữ liệu và tài trợ. Đích đến là đạt được mục tiêu bảo vệ toàn cầu từ các hệ thống cảnh báo sớm để giúp ứng phó trước các sự kiện thời tiết khắc nghiệt vào cuối năm 2027. Nhưng đối với Chad, đây có vẻ là một mục tiêu đặc biệt tham vọng.
Phó Giám đốc Cơ quan Khí tượng Quốc gia Chad Hamid Abakar Souleymane cho biết, khoảng 80% thiết bị tại cơ sở dự báo ở N'Djamena không hoạt động, khi Chad đang chuẩn bị đối phó với một mùa lũ lụt tàn khốc khác. "Độ tin cậy của thông tin thời tiết phụ thuộc các nguồn lực đầu tư vào việc tạo ra thông tin đó" - ông Souleymane nói và mô tả nỗ lực không ngừng nghỉ để có thêm kinh phí và nhân sự được đào tạo.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), châu Phi - một lục địa có 1,5 tỷ người - có mạng lưới quan sát thời tiết và khí hậu kém phát triển nhất thế giới, khi các trạm dự báo hoạt động theo các tiêu chuẩn toàn cầu cơ bản của cả châu lục vẫn ít hơn của riêng nước Đức. "Có nhiều trạm đã được công bố tồn tại hoặc có thể không tồn tại. Trên thực tế, nhiều trạm trong số đó không chia sẻ dữ liệu" – ông Albert Fischer, Giám đốc bộ phận Hệ thống Quan sát toàn cầu tích hợp của WMO cho biết.
Theo ông Fischer, tính đến quý 3 năm 2024, chỉ có 2 trong số 53 quốc gia ở châu Phi tuân thủ các yêu cầu cơ bản đối với các trạm quan sát trên mặt đất của WMO. Việc không chuẩn bị sẽ gây ra hậu quả chết người. Lũ lụt không chỉ xảy ra thường xuyên hơn ở châu Phi so với châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại mà còn giết chết nhiều người hơn gấp 4 lần do thiếu sự chuẩn bị và cảnh báo, một bài báo năm 2023 trên tạp chí Nature cho biết.
Chờ nguồn lực
Theo các chuyên gia, dữ liệu thời tiết tốt thôi là chưa đủ, bằng chứng là trận lũ lụt chết người diễn ra vào tháng 10 ở Tây Ban Nha – một quốc gia với tiềm lực dự báo tốt, khi một số chính quyền địa phương bị đổ lỗi vì không kịp thời báo động. Hoàn cảnh khó khăn của Chad cho thấy, quy mô của những gì có thể xảy ra khi thảm họa tấn công một trong những khu vực dễ bị tổn thương và thiếu dữ liệu nhất trên trái đất.
Những trận mưa theo mùa lớn hơn bình thường ở một số vùng Tây và Trung Phi đã khiến các con sông vỡ bờ trong những tháng gần đây, dẫn đến lũ lụt ở mọi tỉnh của Chad với 1,9 triệu người bị ảnh hưởng, hơn 570 người thiệt mạng và 72.000 gia súc bị cuốn trôi.
"Mọi nơi đều ngập lụt. Chúng tôi đã mất những cánh đồng me chua, đậu và ngũ cốc. Mọi thứ đều bị phá hủy vì không ai cảnh báo chúng tôi về thảm họa như vậy. Chúng tôi đói và không có nơi để che chở cho con cái mình" - bà Josiane Allasra nói tại một trại trú ẩn tạm thời dành cho những người phải di dời ở ngoại ô N'Djamena vào cuối tháng 10.
ANAM không có đủ nguồn lực để theo dõi tình hình ngày càng tồi tệ khi thảm họa thời tiết xảy ra trên khắp quốc gia có diện tích bằng cả Pháp và Tây Ban Nha cộng lại. "Chúng tôi có ít nguồn lực hơn khá nhiều so với nhu cầu. Chúng tôi cần các trạm dự báo và cần nguồn tài trợ" – ông Souleymane phát biểu trong chuyến thăm các cơ sở của ANAM tại N'Djamena, nơi các chồng dữ liệu thời tiết cũ tràn ra sàn kho lưu trữ và các thiết bị đóng gói phủ đầy bụi.
Một đánh giá năm 2023 về năng lực thủy văn của Chad cho thấy, nước này chỉ có 2 nhà dự báo được đào tạo, khiến việc dự báo và cảnh báo 24/7 là bất khả thi. Cơ quan này cũng thiếu các phương tiện tài chính và kỹ thuật để duy trì mạng lưới các trạm thời tiết tự động từ Chương trình Phát triển của LHQ, vốn chỉ bao phủ miền Nam và miền Trung của nước này.
"Có rất nhiều khoản đầu tư và cơ sở hạ tầng bị lãng phí nằm rải rác... khắp châu Phi" - bà Ana Heureux, Giám đốc quản lý chương trình tại một quỹ của LHQ hỗ trợ các quốc gia như Chad thu hẹp khoảng cách dữ liệu lớn, cho biết.
Theo chương trình kéo dài 5 năm, Cơ sở tài trợ quan sát có hệ thống (SOFF) có kế hoạch giúp Chad nâng cấp hoặc đưa 34 trạm thời tiết lên các tiêu chuẩn quan sát toàn cầu. Chad hiện có một trạm thời tiết trên mặt đất.
Kể từ giữa năm 2022, SOFF đã hỗ trợ 23 quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, triển vọng tài trợ của riêng tổ chức này vẫn chưa chắc chắn. Kể từ năm 2020, tổ chức này đã huy động được 94 triệu USD trong mục tiêu 200 triệu USD vào năm 2025. Bà Heureux cho biết, môi trường gây quỹ của các nhà tài trợ có đôi chút thách thức trước mọi diễn biến đang diễn ra trên thế giới. SOFF hy vọng sẽ thu hẹp khoảng cách thông qua một đợt gây quỹ lớn tại COP29.
Để tránh tình trạng các cơ quan dự báo thời tiết ở châu Phi có công nghệ mà không đủ chuyên môn và kinh phí để duy trì, chiến lược của SOFF bao gồm việc sử dụng các cố vấn từ các nước phát triển. Bà Heureux cho biết, sau khi đi vào hoạt động, các quốc gia sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ của SOFF với điều kiện họ phải chia sẻ dữ liệu của mình trên phạm vi quốc tế.