Với 3.000 km đường biển, tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn chưa được chúng ta khai thác tốt, đây là một thiệt thòi lớn đối với mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Nhu cầu điện của Việt Nam hiện tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 10%/năm. Gió sẽ là nguồn năng lượng giúp Việt Nam đảm bảo tốt vấn đề an ninh năng lượng thông qua việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch phải nhập khẩu và những biến động trên thị trường than đá, khí đốt…. Ngoài ra, điện gió cũng có thể giúp loại bỏ một số thách thức mà thủy điện gặp phải liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu theo mùa, hay các vấn đề về ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện.
Theo đánh giá của giới chuyên gia nước ngoài, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng. Cụ thể, các dữ liệu tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) cho hay, nếu Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi với tổng quy mô công suất năm 2030 là 10 GW, 2035 là 25 GW, năm 2040 là 40 GW và năm 2050 là 70 GW - tương ứng với tỷ lệ điện năng cung cấp là 5%, 12%, 17% và 27%, Việt Nam có thể đạt được một số kết quả là lũy kế đến năm 2035 bổ sung 50 tỷ USD nền kinh tế (bao gồm cả xuất khẩu), tạo mới 700.000 việc làm/ năm, thu hút được 500 triệu USD vốn đầu tư, tránh phát thải hơn 217 triệu tấn CO2, tỷ lệ nội địa hóa 60% và yếu tố rất quan trọng chi phí điện quy dẫn (LCOE) là 83 USD/mWh vào năm 2030 và 62 USD/mWh vào năm 2035, khi sản xuất được 203 TWh.
Những con số nói trên cho thấy, nếu khai thác được tiềm năng điện gió ngoài khơi, chúng ta không chỉ bổ sung vào nguồn năng lượng tái tạo một lượng công suất không nhỏ mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Theo ông Matthias Bausenwein, Chủ tịch Công ty năng lượng của Đan Mạch, nguồn năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam có khả năng cung cấp nguồn điện cạnh tranh và đáng tin cậy cho người dân cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế.
Được biết, để phát huy tiềm năng của năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã đặt ra các mục tiêu rất lớn trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), trong đó, đặt mục tiêu tăng tỷ trọng điện tái tạo lên mức khoảng 30% vào năm 2030.
Tổ chức năng lượng thế giới (IEA) cũng dự báo, Việt Nam sẽ là một trong 5 trung tâm điện gió biển của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ.
Tính đến tháng 9/2020, Việt Nam đã có tổng số dự án điện gió gần bờ là 67 dự án với công suất là gần 10GW và 14 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất là gần 30GW, tức tổng số dự án sắp triển khai sẽ là 40GW.
Dù vậy, đây vẫn là con số chưa xứng tầm với tiềm năng của nguồn năng lượng điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Thực tế cho thấy, dù tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn như vậy, song theo các chuyên gia trong ngành, chúng ta vẫn chưa tận dụng khai thác được “miếng bánh năng lượng” này.
Nguyên nhân được chỉ ra, là do chi phí đầu tư quá lớn, trong khi đó, thời gian thu hồi vốn lại quá dài. Chính bởi vậy, các nhà đầu tư không mấy mặn mà. Trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện thị trường điện và hành lang pháp lý liên quan thì đây là một bài toán không dễ tìm lời giải.
Giới chuyên gia nêu giải pháp, để thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và nhà sản xuất trên thế giới phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam thì quy mô của thị trường với các mục tiêu phải đủ lớn, lộ trình rõ ràng, chính sách phù hợp.
Cũng giống như điện mặt trời, điện gió ngoài khơi được coi là nguồn năng lượng sạch bởi tính thân thiện môi trường, không gây ra những tác động xấu đến môi trường như tạo ra phát thải các loại khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn khá nhiều rào cản để chúng ta có thể khai thác tối đa tiềm năng nguồn năng lượng sạch này. Và như vậy, phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn là một thách thức lớn.