Theo ước tính có khoảng 200 nghìn doanh nghiệp (DN) đang hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội. Khi giao dịch trực tuyến càng tăng cao thì việc thu thuế đối với thương mại điện tử (TMĐT) là việc làm rất quan trọng, vừa có tác động lớn tới sự phát triển, vừa mang lại nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Ước tính có khoảng 200 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội.
Thay đổi cách tiếp cận vấn đề
Tại Việt Nam, chính sách thuế hiện hành không phân biệt hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống và hoạt động kinh doanh theo phương thức TMĐT. Việc thu thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT đang được thực hiện theo đúng quy định của các Luật Thuế (Giá trị gia tăng, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân) các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thuế, Luật Quản lý thuế, Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Tuy không phải là loại hình kinh doanh quá mới, nhưng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, TMĐT đang ngày càng thay đổi mạnh mẽ tại các quốc gia trên thế giới và đặt các cơ quan quản lý trước sự lựa chọn thay đổi phương thức quản lý. Ở Việt Nam, để mở rộng nguồn thu, tránh thất thu với loại hình kinh doanh đầy tiềm năng này, với tư cách là cơ quan quản lý, Tổng cục Thuế cùng các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số và TMĐT. Song kết quả không như mong đơi.
Ông Lưu Đức Huy – Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho rằng quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới hiện nay vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube... Các DN này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số DN có doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, các cá nhân thu nhập hàng chục tỷ đồng. Các khoản thu nhập này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có một số DN thực hiện kê khai nộp thuế, còn lại là các nhà thầu nước ngoài và nhiều cá nhân phát sinh thu nhập nhưng vẫn chưa kê khai nộp thuế.
Lãnh đạo Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cũng cho biết, rất khó quản lý hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm số trên website và các trang mạng xã hội vì tổ chức, cá nhân sử dụng website, mạng xã hội quảng bá sản phẩm nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai doanh thu, kinh doanh thu tiền mặt hoặc giao hàng thu hộ,…Các đơn vị cho thuê máy chủ chưa hợp tác đầy đủ với cơ quan thuế trong việc cung cấp đầy đủ thông tin về các DN vận hành website.
Khó quản lý kê khai
Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, hiện nay với tỷ lệ trên 90% là hóa đơn giấy, gần 10% là hóa đơn điện tử nhưng chưa có quy định bắt buộc DN chuyển dữ liệu hóa đơn về cơ quan thuế nên công tác quản lý thuế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong công tác quản lý kê khai. Bên cạnh đó, khó khăn trong việc xác định được đúng bản chất giao dịch để đánh thuế đối với các giao dịch kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ cũng là một thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý.
Quản lý thu thuế nhà thầu đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới vẫn còn bất cập, nhất là đối với các thu nhập phát sinh từ các trang mạng xã hội …Những khó khăn này đặt cơ quan quản lý trước nhiều thách thức và việc tìm ra cơ chế quản lý để vừa tạo thuận lợi cho hoạt động TMĐT vừa không làm thất thu thuế là vấn đề không dễ để dung hòa.
Dưới góc độ là chuyên gia cao cấp về thuế của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jonathan Leigh Pemberton cho rằng: Kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai và ngày càng phát triển so với kinh doanh truyền thống. Do vậy trong hệ thống thuế chính sách cần đảm bảo tính công bằng và trung lập, không bóp nghẹt sự phát triển của TMĐT và không tạo ra sự bất lợi đối với DN truyền thống.
“Về cơ bản cơ chế sở ở đây là đơn giản hoá việc kê khai và nộp thuế, tất cả đều thực hiện trực tuyến, đây là mô hình được triển khai ở nhiều nước và là thông lệ được coi là tốt nhất trên thế giới. Dường như đây cũng là định hướng mà Việt Nam đang hướng đến. Nội dung chính là tạo ra nền tảng hay cổng thông tin trực tuyến để giúp nền tảng kỹ thuật số, DN, các nhà cung ứng nước ngoài có thể dễ dàng đăng ký, kê khai và nộp thuế” – ông Jonathan Leigh Pemberton nói.
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, quản lý thuế đối với kinh tế số và thương mại điện tử trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang kinh tế số và những “người khổng lồ” Internet bùng nổ là một thách thức với Việt Nam. Ông Dũng cho rằng cơ quan thuế nên nghiên cứu thông lệ quốc tế về cơ chế quản lý thuế đối với kinh tế số của một số quốc gia để vận dụng phù hợp cho Việt Nam. Về lâu dài, nên cân nhắc ban hành sắc thuế mới để điều chỉnh các hoạt động của nền kinh tế số. Đồng thời, Tổng cục thuế nên xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất qua thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn, như của ngành ngân hàng, thuế, viễn thông… để cập nhật kịp thời từ khâu kê khai, nộp thuế.
Được biết, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5/2019 có bổ sung quy định: Các nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động TMĐT thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.