Những ngày qua, khi Tết Canh Tý đang cận kề, dư luận tại tỉnh Thái Bình xôn xao việc nhiều xã thuộc hai huyện Thái Thụy và Đông Hưng nhận được thông báo của chủ đầu tư một số dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn về việc sẽ ngừng việc cấp nước sinh hoạt cho người dân để tập trung thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp...
Nhà máy cấp nước sạch số 4 của Công ty TNHH Toàn Thịnh đặt tại xã Thái Thịnh (Thái Thụy, Thái Bình).
Thông tin với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Phan Song Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thịnh-chủ đầu tư một số Nhà máy nước trên địa bàn huyện Thái Thụy xác nhận, trong ngày 13/1, Công ty này đã gửi thông báo tới Huyện ủy, UBND huyện Thái Thụy và 12 xã trong huyện về việc Công ty sẽ dừng việc cấp nước sinh hoạt phụ vụ người dân; đề nghị người dân ở các địa phương này chủ động tích trữ nước sinh hoạt.
Theo thông báo, việc dừng cấp nước sẽ được Công ty thực hiện sau 10 ngày ra thông báo. 12 xã của huyện Thái Thụy sẽ bị cắt nước gồm: Thái An, Thái Học, Thái Thịnh, Thái Tân,Thái Thuần, Thái Thành, Thái Hồng, Thái Hưng, Thái Thủy, Thụy Dũng, Thụy Tân và Hồng Quỳnh.
Cùng thông tin về việc này, ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh, một trong 12 xã nằm trong danh sách các xã sẽ bị Công ty Toàn Thịnh cắt nước xác nhận xã đã nhận được thông báo nói trên của Công ty Toàn Thịnh.
Tương tự, vào ngày 17/1 mới đây, chính quyền và người dân 6 xã của huyện Đông Hưng, gồm Đông Động, Đông Quang, Đông Hà, Đông Xuân, Đông Vinh, Đông Các cũng rất bất ngờ khi nhận được thông báo của Công ty TNHH Thương mại Đỗ Gia Bảo- chủ đầu tư dự án cung cấp nước sạch trên địa bàn, cũng với nội dung sẽ dừng cung cấp nước sạch phục vụ người dân sau 10 ngày ra thông báo...
Về nguyên nhân, theo nội dung Thông báo của Công ty Toàn Thịnh và Công ty Đỗ Gia Bảo: từ năm 2014, hưởng ứng phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; hưởng ứng chủ trương xã hội hóa đầu tư các công trình cung cấp nước sạch của tỉnh Thái Bình; qua nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ sau đầu tư của UBND tỉnh (quy định tại Quyết định số 12 năm 2012 và Quyết định số 19 năm 2014), Công ty TNHH Toàn Thịnh, Công ty TNHH Thương mại Đỗ Gia Bảo và một số doanh nghiệp khác đã huy động vốn đầu tư nhiều dự án cung cấp nước sạch cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh; chung sức cùng tỉnh thực hiện tiêu chí về nước sạch trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới.
Riêng Công ty Toàn Thịnh đã thực hiện 4 dự án nước sạch phục vụ nhân dân 13 xã trên địa bàn huyện Thái Thụy, bao gồm việc tiếp quản 2 nhà máy nước cũ; mở rộng, kéo dài 1 nhà máy; xây mới 1 nhà máy, tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể hơn, vào năm 2015, Công ty đã huy động 66 tỷ đồng đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước và cung cấp nước sạch số 4, đặt tại xã Thái Thịnh, công suất thiết kế 7000 m3/ngày đêm; phục vụ nhân dân 6 xã Thái Thịnh, Thái An, Thái Học, Thái Tân, Thái Thuần, Thái Thành.
Tuy nhiên, nội dung các thông báo cho biết: “đến nay, sau mấy năm đầu tư, phục vụ nước sạch cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh, các nhà đầu tư như Công ty Toàn Thịnh, Công ty Đỗ Gia Bảo không nhận được kinh phí hỗ trợ sau đầu tư như UBND tỉnh Thái Bình đã cam kết tại các Quyết định số 12 năm 2012, Quyết định số 19 năm 2014”.
Cũng theo thông báo, người dân ở các địa phương thuộc dự án sử dụng nước rất ít, doanh nghiệp lâm cảnh “thu không đủ chi” trong khi phải gánh chi phí lãi vay, do vậy không còn khả năng tài chính để duy trì hoạt động, lâm cảnh phá sản.
“Sau 10 ngày thông báo tới địa phương và nhân dân, Công ty sẽ dừng cấp nước và báo cáo các cơ quan chức năng của tỉnh đồng thời công bố phá sản và xin giải thể doanh nghiệp theo luật định”, thông báo của Công ty Toàn Thịnh cho biết.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh cho biết sau khi nhận được thông báo ngừng cấp nước của Công ty Toàn Thịnh vào thời điểm Tết đang cận kề, cán bộ, nhân dân địa phương rất bức xúc.
“UBND xã đã có báo cáo gửi UBND huyện, đề nghị cấp trên có biện pháp can thiệp, không thể để người dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là trong dịp Tết”, ông Bùi Văn Phú cho biết.