Thái Bình: Không còn cảnh hoang hóa ruộng đất

Quyết Tiến 01/07/2015 08:07

Những năm qua, câu chuyện người nông dân bỏ ruộng lên phố làm thuê vì sản xuất nông nghiệp thua lỗ đã khiến dư luận sửng sốt. Vùng đất lúa Thái Bình cũng một thời người nông dân bỏ “bờ xôi ruộng mật”. Thế nhưng trở lại Thái Bình hôm nay, một màu xanh tươi mới đang trải dài trên những cánh đồng.

Mùa về trên đồng lúa Thái Bình

Trước đây, Thái Bình là một trong những địa phương có diện tích ruộng bỏ hoang lớn. Nguyên nhân được Bộ NNPTNT lý giải, giá vật tư cao, chi phí sản xuất cao; giá bán nông sản thấp hoặc không bán được nông sản, thu nhập thấp; điều kiện sản xuất nông nghiệp quá khó khăn (thiếu nước, đất xấu, hộ gia đình khó khăn, thiếu vốn sản xuất)… nên nhiều nông dân chuyển nghề đi làm việc khác dẫn đến thiếu lao động trầm trọng.

Việc nông dân rời bỏ “bờ xôi ruộng mật” lên thành phố kiếm sống đã tồn tại nhiều năm nay ở nhiều địa phương. Trên thực tế, không thể trách người nông dân vì nhìn vào thực tế thu nhập hiện nay của người nông dân rất thấp, vì thế nhiều người bỏ làng lên phố làm thuê cho các công ty có thu nhập cao hơn. Tỉnh Thái Bình cũng là địa phương đã từng “nổi bão” vì “phong trào” nông dân bỏ ruộng lên phố.

Tuy nhiên, trở lại Thái Bình hôm nay, chúng tôi bắt gặp nhiều mô hình canh tác mới với những thành quả đáng khích lệ. Nhiều nông dân đã mạnh dạn bỏ vốn, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất thay đổi hẳn cung cách làm ăn manh mún thu được hiệu quả rõ rệt. Theo bà Đoàn Thị Kim Tứ- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Thái Bình, tại tỉnh Thái Bình đã xuất hiện những mô hình người nông dân thuê ruộng đất, bỏ vốn đầu tư cơ giới hóa, khoa học kỹ vào sản xuất bước đầu mang lại những thành quả hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với canh tác nhỏ lẻ.

Chị Lê Bích Thủy ở Vũ Vân, Vũ Thư (Thái Bình) cho biết, chị đã thuê lại 10 ha ruộng của bà con nông dân cùng xã để trồng ngô, hoa hòe và việc làm này đã thực sự khiến thu nhập của gia đình chị có nhiều cải thiện. “Nhận thấy việc canh tác nhỏ lẻ manh mún, không có hiệu quả gia đình tôi quyết định thuê đất để trồng ngô. Sau khi đầu tư máy móc, cây giống, áp dụng đúng quy trình chăm bón đã bước đầu cho thấy hiệu quả, chi phí nhân công thấp, năng suất cao. Thời gian các công đoạn trong quá trình sản xuất giảm 80% so với làm thu công”- chị Thủy cho biết.

Ông Trần Đức Tuấn- Phó giám đốc Trung tâm Máy Nông nghiệp- Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, người có nhiều năm nghiên cứu chuyển giao công nghệ máy móc nông nghiệp cho rằng, nếu chúng ta áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, cái được đầu tiên là chi phí nhân công giảm, năng suất tăng hai ba lần. Hệ số sử dụng đất tăng nên hiệu quả kinh tế rõ rệt. Tuy nhiên để có nhiều mô hình, nhà nước cần có chính sách về mặt pháp lý nhằm tạo thuận lợi và công bằng cho các bên tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. TS. Nguyễn Trí Ngọc- nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT cũng cho rằng, việc phát triển các cánh đồng mẫu lớn là thiết thực, là hiệu quả. Tuy nhiên Nhà nước cần ban hành chính sách đồng bộ đảm để mô hình hình này thực sự góp phần công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thái Bình là một trong số các tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình làm nông nghiệp hay và hiệu quả trên chính cánh đồng mấy năm trước còn bị bỏ hoang. Một trong những nguyên nhân chính là sự kết hợp tốt “4 nhà” giúp cho cho chuỗi sản xuất nông nghiệp vận hành một cách suôn sẻ và ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Bình: Không còn cảnh hoang hóa ruộng đất