Trong bối cảnh nhiều nông dân ‘chán ruộng, bỏ đồng, vào nhà máy’, nam thanh niên ở Nam Định chọn hướng về quê lập thân, lập nghiệp bằng con đường liên kết sản xuất nông nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học, bước đầu thu được kết quả tích cực.
Trong số các tham luận tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nam Định lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 (khai mạc sáng 22/9 tại TP Nam Định), tham luận của đại biểu trẻ Vũ Đình Kiên đến từ xã Trực Nội, huyện Trực Ninh thu hút sự quan tâm.
Anh cho biết mình 33 tuổi, sinh ra trong gia đình thuần nông, nhờ nỗ lực đã thi đỗ, theo học và tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Tuy nhiên, khác nhiều sinh viên khác, sau khi tốt nghiệp anh Kiên trở về quê, tìm hướng lập thân, lập nghiệp.
Thời điểm anh Kiên trở về quê, như lời anh: “Các công ty mọc lên như nấm, người làm nông chẳng còn thiết tha với đồng ruộng, để hoang rất nhiều”; thêm rằng: “nhìn thấy diện tích đất lúa bị bỏ hoang trên cánh đồng tôi rất tiếc và quyết định tập trung đầu tư vào nông nghiệp để làm giàu trên chính quê hương mình, dù biết con đường này rất vất vả, gian nan”.
“Được đào tạo trong trường đại học, với những kiến thức cơ bản cộng với những tìm tòi sáng tạo, tôi đã tự tạo cho mình cơ sở sản xuất nông sản với quy mô nhà xưởng hiện đại 500m2”, anh Kiên nói về bước đầu khởi nghiệp và cho biết đã lên kế hoạch thuê, thu gom ruộng hoang để tổ chức sản xuất; đi nhiều nơi học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu, tham quan những mô hình, cách làm hay để về áp dụng.
Tuy nhiên theo anh, thời gian đầu diện tích đất thuê được chưa nhiều, mô hình sản xuất của gia đình còn nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất không thuận lợi nên thu nhập thấp.
“Tôi nhận ra nếu chỉ sản xuất nhỏ lẻ, không có sự liên kết để vừa hỗ trợ nhau sản xuất vừa hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm thì không hiệu quả”, anh Kiên đúc rút.
Nghĩ là làm, vào tháng 4/2017, ở tuổi 27 anh Kiên đứng ra thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phòng Nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Trực Ninh và của Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng như chính quyền xã Trực Nội.
Anh cho biết, ban đầu Hợp tác xã tập trung sản xuất lúa gạo, trồng và sơ chế dược liệu (hoa hòe) và làm một số dịch vụ như gieo sạ, cấy lúa bằng máy, phun thuốc trừ sâu (bằng thiết bị bay), thu hoạch lúa (bằng máy), sấy thóc (với lò sấy 20 tấn trên một mẻ sấy, một năm sấy được 800 tấn)…
Tuy nhiên, theo anh Kiên, ban đầu Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do thiếu từ vốn, diện tích sản xuất (chỉ có 5 ha), nhà kho, bến bãi đến kinh nghiệm sản xuất, điều hành của người đứng đầu.
Không nản, chàng thanh niên khi ấy chưa đến 30 vẫn tiếp tục nỗ lực, một mặt tìm kiếm, đàm phán thuê thêm ruộng đất để mở rộng diện tích sản xuất một mặt tìm đến, gõ cửa các cơ quan quản lý nhà nước, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã ở địa phương hay các hội nghị, diễn đàn liên quan sản xuất nông nghiệp để tìm hiểu chính sách, tiếp cận nguồn vốn vay, thông tin thị trường, cơ hội hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
“Tôi mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức liên kết sản xuất với các Hợp tác xã, các hộ nông dân khác trong và ngoài huyện Trực Ninh”, anh chia sẻ.
Kiên trì, bền bỉ, đến nay Hợp tác xã do anh Kiên thành lập đã tập trung, mở rộng diện tích sản xuất của riêng Hợp tác xã lên 10 ha; đặc biệt còn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nhiều tổ chức, cá nhân khác ở trong và ngoài địa phương với tổng diện tích liên kết 40 ha.
Hiện Hợp tác xã đang sản xuất, thu mua lúa gạo, xuất đi nhiều tỉnh miền Bắc với số lượng từ 30 - 40 tấn/tháng, tổng mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 400 tấn gạo các loại, chủ lực là gạo Bắc thơm. Sản lượng thu mua lúa tươi của Hợp tác xã từ 250- 400 tấn/vụ. Ngoài ra, mỗi năm Hợp tác xã còn sản xuất, chế biến, cung cấp cho thị trường khoảng 5 tạ dược liệu (hoa hòe). Tổng doanh thu hàng năm của Hợp tác xã đạt khoảng 6 tỷ đồng. Từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hợp tác xã tạo việc làm ổn định cho 7-10 lao động, trả lương 6-7 triệu đồng/người/tháng; vào mùa thu hoạch tạo thêm việc làm thời vụ, thu nhập cho 10-15 người…
“Tôi nhận ra nếu chỉ sản xuất nhỏ lẻ, không có sự liên kết để vừa hỗ trợ nhau sản xuất vừa hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm sản thì không hiệu quả”, anh Kiên đúc rút.
Mới đây, Hợp tác xã đón nhận tin vui 2 sản phẩm gạo bắc Thơm và gạo nếp của mình được UBND tỉnh Nam Định xét công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
“Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình đã vận dụng kiến thức được học để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, làm ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, tạo thêm việc cho người lao động; hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng đất, góp phần xây dựng nông thôn mới”, Giám đốc Hợp tác xã 33 tuổi chia sẻ.
Từ thực tế hoạt động, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp, điển hình về liên kết sản xuất ở Nam Định kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn; quan tâm, động viên để bà con nông dân phát triển kinh tế đa dạng, chú trọng ngành sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời đề nghị các cấp Hội Nông dân tiếp tục phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất, nhất là nguồn vốn vay dài hạn. Tuyên truyền, kết nối các hội viên nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp từ 10-30 ha để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong 2 ngày 21-22/9, với sự tham dự của 295 đại biểu đại diện cho hơn 305 nghìn hội viên nông dân toàn tỉnh. Đại hội có sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc.
Đại hội đã tập trung nhìn nhận, đánh giá những kết quả, mặt tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế của hoạt động hội và phong trào nông dân tỉnh Nam Định trong 5 năm qua, trên các mặt: xây dựng tổ chức hội và giai cấp nông dân tỉnh; vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; hoạt động hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; hoạt động hội thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Đại hội thống nhất phương hướng trong 5 năm tới: Xây dựng Hội Nông dân Nam Định vững mạnh về chính trị, tổ chức và hành động, là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với đô thị hóa nông thôn; tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân; Đoàn kết, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, xây dựng người nông dân Nam Định phát triển toàn diện, là cầu nối tin cậy giữa nông dân với Đảng và Nhà nước; đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; góp phần thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”.
Một trong các mục tiêu Đại hội đề ra là: “Xây dựng người nông dân Nam Định văn minh, có kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, năng lực đổi mới, sáng tạo, hợp tác, có trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và nếp sống văn minh; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tích cực tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương”.
Đại hội bầu 31 người vào BCH Hội Nông dân tỉnh khóa mới. Ông Nguyễn Hùng Mạnh được tái cử chức Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định.