Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai,tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cho biết, sáng ngày 18/7, tỉnh Thái Bình đã thực hiện xong việc kêu gọi 1.239 tàu với 3.608 ngư dân làm ăn trên biển vào bờ neo đậu, tránh trú.
11 Huyện Tiền Hải huy động lực lượng khắc phục sự cố sạt lở đê biển.
Tỉnh cũng đã thực hiện xong việc di dời toàn bộ số lao động đang làm việc tại các đầm bãi, chòi canh ngao ven sông, ven biển thuộc các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà. Đồng thời có phương án di dời đến nơi an toàn đối với 4.229 hộ dân (15.249 người) sinh sống ngoài đê chính và 7.731 hộ dân (17.236 người) đang sống trong các ngôi nhà yếu trước khi bão số đổ bộ...
Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, những ngày qua do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn. Hậu quả, mưa lớn kèm triều cường đã làm sạt lở 5 đoạn mái đê biển thuộc địa bàn xã Nam Phú (Tiền Hải). Các đoạn mái đê sạt lở đều nằm phía đồng, gồm: đoạn sạt lở từ K7+680 đến K7+720 dài 40m; đoạn từ k7+745 đến k7+770 dài 25m; đoạn từ k8+100 đến k8+130 dài 30m; đoạn từ k7+630 đến k7+650 20m; đoạn từ k7+875 đến k7+895 dài 20m.
Trước sự cố trên, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Tiền Hải đã chỉ đạo huy động nhân lực vật lực khắc phục sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”
Nỗi lo lớn nhất của tỉnh Thái Bình hiện nay là tỉnh đã gieo cấy được khoảng gần 70 nghìn ha lúa mùa. Mưa nhiều ngày qua đã làm một số diện tích bị ngập nhẹ, cục bộ.
Theo chỉ đạo của ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, những ngày qua các địa phương trong tỉnh, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình đã huy động lực lượng, phương tiện bơm tiêu triệt để nước đệm trên hệ thống sông trục; tiêu cạn nước mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây ngập úng; huy động lực lượng khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương nội đồng và trên các sông...
Lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng chủ động bảo vệ các công trình trọng điểm như đê, kè, cống xung yếu; chằng chống, bảo vệ nhà cửa, các công trình; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư để ứng phó kịp thời khi cần thiết. Đặc biệt, phải duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng xử lý, ứng cứu, khắc phục hậu quả do bão gây ra...
* Dừng cuộc họp báo của Hội Nông dân tỉnh Thái Bình
Để tập trung phòng chống bão, tỉnh Thái Bình yêu cầu các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết. Tuy nhiên, trong sáng 18/7, Hội Nông dân tỉnh Thái Bình vẫn tiến hành cuộc họp báo tuyên truyền Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ X tại trụ sở hội (số 8, đường Quang Trung, T.P Thái Bình). Nắm bắt được thông tin trên, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Thái Bình đã liên lạc, yêu cầu Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh hoãn cuộc họp báo.