Đó là thực tế được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thái Bình nêu ra tại Hội nghị sơ kết thực hiện CVĐ năm 2018, tổ chức chiều 25/12.
Đại biểu phát biểu tại Hội nghị.
Thông tin tại hội nghị cho biết, triển khai kế hoạch thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện CVĐ của tỉnh Thái Bình đã tăng cường các công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, theo hướng ưu tiên tiêu dùng hàng hóa mang thương hiệu Việt.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Trong năm, toàn tỉnh đã tổ chức 5.685 chương trình khuyến mại, giảm giá, tổ chức 3 hội chợ thương mại, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút hơn 1.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia, thu hút đông đảo người dân đến tham quan mua sắm...
Đề cập đến những tồn tại, các đại biểu nhìn nhận hiện nay một bộ phận người tiêu dùng trong tỉnh vẫn mua, sử dụng hàng hóa theo tâm lý đám đông. Công tác quản lý nhà nước có lĩnh vực, có nội dung còn hạn chế.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu vẫn còn tồn tại. Hoạt động hội chợ chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu kỹ năng bán hàng, xúc tiến thương mại dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao.
Trong khi đó, việc các công ty lớn sẽ đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn tỉnh sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm Việt…
Ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Bình phát biểu tại Hội nghị.
Theo ông Đặng Thanh Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Thái Bình, để CVĐ được thực hiện hiệu quả, thời gian tới ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội cần có sự vào cuộc tích cực hơn.
Công tác tuyên truyền cũng cần có sự đổi mới, cả về nội dung và hình thức. Các địa phương trong tỉnh cần sớm thành lập, kiện toàn, củng cố hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện CVĐ. Các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, chú trọng khâu xây dựng, bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Trong năm 2019, tỉnh Thái Bình sẽ tổng kết 10 năm thực hiện CVĐ.