Thái Lan bầu chọn Thủ tướng: Những diễn biến khó lường

Thanh Đức 18/07/2023 06:36

Dẫu rằng Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan, ông Prayuth Chan-o-cha tuyên bố rút lui khỏi chính trường sau 9 năm nắm quyền lãnh đạo chính phủ, thì ông Pita Limjaroenrat - ứng viên duy nhất cho chức Thủ tướng mới cũng đã không được Quốc hội nước này chuẩn thuận.

Ông Pita Limjaroenrat trong ngày bỏ phiếu bầu Thủ tướng, 13/7. Ảnh: Reuters.

Thông tin từ tờ Bangkok Post, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 13/7 tại Quốc hội cho thấy, ông Pita nhận được 324 phiếu ủng hộ, tức ít hơn con số cần thiết để trở thành Thủ tướng. Theo Hiến pháp Thái Lan, một ứng viên phải nhận được ít nhất 376 phiếu từ 500 thành viên Hạ viện và 250 Thượng nghị sĩ để trở thành Thủ tướng. Trong trường hợp ông Pita, số phiếu cần thiết là 375 do 1 Thượng nghị sĩ đã từ chức trước đó 1 ngày.

Tổng cộng có 705 thành viên Quốc hội tham gia bỏ phiếu, trong đó 182 người bỏ phiếu chống và 199 người bỏ phiếu trắng. Cụ thể hơn, tại Hạ viện, ông Pita nhận 311 phiếu ủng hộ, 148 phiếu chống và 39 phiếu trắng. Còn tại Thượng viện, chỉ có 13 thành viên bỏ phiếu chọn ông Pita, trong khi có tới 34 phiếu chống và 159 phiếu trắng.

Như vậy, ông Pita thiếu 51 phiếu so với 375 phiếu cần thiết để đắc cử. Với kết quả trên, phiên họp bỏ phiếu tiếp theo có thể diễn ra vào ngày 19/7 tới.

Theo các quy tắc hiện hành, không có giới hạn về số lần Quốc hội Thái Lan triệu tập để bầu Thủ tướng và cũng không có thời hạn cho việc phải đưa ra quyết định.

Một động thái rất quan trọng ngay trước cuộc bỏ phiếu là Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC) đã yêu cầu Tòa án Hiến pháp ra quyết định liệu ông Pita có vi phạm các quy tắc bầu cử khi nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông trong lúc ra tranh cử hay không. Nếu bị tòa án cho rằng có vi phạm, ông Pita có thể bị hủy tư cách nghị sĩ. Tòa cho đảng Tiến bước (MFP) và ông Pita 15 ngày để trả lời và biện hộ trước đơn kiện.

Giới quan sát chính trị Thái Lan và quốc tế đều đưa ra nhận định, đây sẽ là lần bầu chọn Thủ tướng mới rất khó lường. Ông Pita Limjaroenrat - lãnh đạo đảng MFP, cho dù thành công lớn tại cuộc tổng tuyển cử trước đó vào ngày 15/5 và cũng là ứng cử viên Thủ tướng duy nhất được giới thiệu cho Quốc hội bỏ phiếu, thì cũng vẫn phải đối mặt con đường đầy chông gai phía trước.

Bản thân ông Pita cũng cho rằng, những thách thức vẫn đang tăng lên, bất chấp việc nước này cần một chính phủ ổn định có tính hợp pháp để quản lý. Phát biểu sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, ông Pita tuyên bố sẽ không từ bỏ nỗ lực tranh cử Thủ tướng và đảng của ông sẽ lập lại chiến lược để thu thập sự ủng hộ cần thiết ở vòng bỏ phiếu tiếp theo. “Kết quả này không phải điều chúng tôi mong đợi, nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc” - ông Pita nói.

Trong trường hợp ông Pita trở thành Thủ tướng thứ 30 của Thái Lan và là Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong gần 8 thập kỷ, ông Pita sẽ tiến hành thành lập nội các nhiều khả năng bị chi phối bởi các thành viên của MFP và đảng Pheu Thai (Vì nước Thái), đảng giành được sự ủng hộ cao thứ 2 trong cuộc bầu cử và có liên hệ chặt chẽ với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Hiện MFP đang liên minh với 7 đảng khác, bao gồm Pheu Thai.

Dư luận Thái Lan cho rằng, trở ngại chính của ông Pita tại Quốc hội là dự định của MFP có ý định sửa đổi “luật khi quân”, động chạm tới Hoàng gia vốn được coi là có vị trí bất biến.

Vậy, trong trường hợp ông Pita vẫn không được Quốc hội chuẩn thuận tại cuộc bầu chọn thứ 2 vào ngày 19/7, thì kịch bản nào sẽ xảy ra?

Đó là câu hỏi khó, tuy nhiên giới quan sát chính trường Thái Lan cho rằng, trong trường hợp đó đảng Pheu Thai có thể tách khỏi liên minh 8 đảng của MFP và thành lập Chính phủ với các đảng bảo thủ. Lúc đó, đảng Pheu Thai sẽ là biến số chính trong cuộc bầu chọn Thủ tướng mới. Các nhà phân tích ước tính tỷ lệ đảng Pheu Thái (đại diện là bà Paethongtarn) đứng đầu chính phủ đã tăng từ 55% lên 60% trong khi cơ hội của MFP (của ông Pita) giảm từ 35% xuống 30%.

Cho dù cuộc bầu chọn Thủ tướng mới lần 2 tại lưỡng viện Quốc hội Thái Lan dự kiến diễn ra vào ngày 19/7, thì một kịch bản tiềm năng khác cũng có thể xảy ra. Đó là việc các nhà lập pháp có thể bỏ phiếu hoãn cuộc bầu chọn để chờ làm rõ những thách thức pháp lý đối với trường hợp ứng cử của ông Pita.

Nếu vậy, ngoài yếu tố bất lợi thì ông Pita và MFP được cho là sẽ có thêm thời gian để thuyết phục 199 người bỏ phiếu trắng trước đó quay sang ủng hộ. Tuy nhiên, rất có thể đảng Pheu Thai cũng tận dụng cơ hội để tách khỏi MFP lập liên minh mới, và lúc đó nhiều khả năng bà Paethongtarn sẽ được giới thiệu vào chức Thủ tướng. Trong trường hợp cả ông Pita và bà Paethongtarn đều được giới thiệu để Quốc hội bỏ phiếu thì tình thế sẽ càng thêm căng thẳng.

Trong một diễn biến được xem là bất ngờ, ngày 14/7, đảng MFP của ông Pita đã đệ trình một đề xuất lên Quốc hội Thái Lan nhằm tìm cách tước bỏ quyền bầu Thủ tướng của Thượng viện do quân đội chỉ định khi cho rằng cuộc bỏ phiếu hôm 13/7 nhiều thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu trắng và nhiều thượng nghị sĩ khác không tham dự cuộc họp. “Các Thượng nghị sĩ đã cho thấy rõ ràng rằng họ không muốn thực hiện quyền bỏ phiếu của mình” - Tổng Thư ký đảng MFP Chaithawat Tulathon nói. Tuy nhiên, đề xuất này được cho là gặp trở ngại lớn vì nó cần sự chấp thuận của ít nhất 1/3 số Thượng nghị sĩ, tức là khoảng 84 người đồng ý.

Ông Somchai Lertsutiwong - Giám đốc điều hành của Advanced Info Service, nhà cung cấp mạng điện thoại di động GSM lớn nhất Thái Lan cho rằng việc bầu ra tân Thủ tướng và chính phủ mới được thành lập càng sớm thì càng xác định động lực kinh tế rõ ràng hơn. Trong khi đó, ông Kriengkrai Thiennukul - Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) bày tỏ quan ngại nếu cuộc bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới kéo dài sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của doanh nghiệp lẫn nền kinh tế Thái Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Lan bầu chọn Thủ tướng: Những diễn biến khó lường