Chúng tôi lên tiếng

Thái Nguyên: Di tích đền Hích cần được giải cứu

Toán Nguyễn 10/06/2024 09:01

Di tích lịch sử – văn hóa Đền Hích cùng lúc đối mặt với sự xuống cấp và nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương chỉ có thể kiến nghị lên cấp trên và chờ đợi phương án khắc phục.

Di tích Đền Hích thuộc xã Hòa Bình (huyện Đồng Hỷ), được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh năm 2007. Không kể Mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng, trong năm âm lịch tại Đền Hích diễn ra 11 sự kiện văn hóa, tâm linh của người dân trong vùng. Trong đó Lễ hội Đền Hích được tổ chức thường niên vào ngày 15 tháng Giêng, đây là lễ hội văn hóa tín ngưỡng lớn nhất và thu hút đông người tham dự nhất ở huyện Đồng Hỷ.

25.jpg
Gian thờ chính Đền Hích đã xuống cấp. Ảnh: Tuấn Tú.

Nguy cơ bị “hà bá” sông Cầu nuốt chửng

Xuất hiện những vết nứt chằng chịt kéo dọc theo bờ sông Cầu, vào tới trước cửa gian thờ chính của đền Hích và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tính mạng con người, cũng như tài sản của Đền. Đề phòng sự cố đáng tiếc xảy ra, UBND xã Hòa Bình đã phải căng dây ngăn người đi lại, cắm biển cảnh báo nguy hiểm.

Ông Đặng Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ cho biết: Vết nứt ở Đền Hích xuất hiện sau trận lụt lịch sử vào năm 2021, trong thời gian qua thì vết nứt này đã rộng hơn. Chúng tôi cũng đã báo cáo vấn đề này lên huyện và các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên có biện pháp giải quyết.

22.jpg
Vết nứt trên sân Đền Hích. Ảnh: Tuấn Tú.

Sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Hòa Bình, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã cử cán bộ chuyên môn lên kiểm tra và đánh giá mức độ nguy cơ sụt lún của Đền Hích.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên thông tin: Đền Hích nằm sát với bờ sông Cầu, phía dưới chân taluy âm là vỉa đá lao ra tới tận lòng sông, nên bình thường thì khó có khả năng xảy ra sạt trượt. Tuy nhiên, nếu có mưa lớn hoặc mưa lũ kéo dài, nước dâng cao thì nguy cơ một phần diện tích của Đền sẽ bị sạt xuống sông bất cứ lúc nào. Chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên để bảo vệ Đền Hích, về lâu dài thì cần thiết phải làm kè chống sạt lở cho đoạn sông này.

26(1).jpg
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Tuấn Tú.

Cơ sở vật chất xuống cấp, nhưng khó đầu tư

Ngoài nguy cơ sạt lở thì cơ sở vật chất hiện nay của Đền Hích cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân địa phương. Đền chỉ có gian thờ chính nhỏ hẹp và đã xuống cấp, nước mưa chảy những vết nứt vào làm hư hỏng nhiều hiện vật. Khu vực là sân khấu sinh hoạt văn hóa của người địa phương lợp bằng mái tôn và xếp gạch làm bục. Còn khuôn viên rộng hơn 2.000m2 xung quanh Đền Hích vẫn là bãi đất, mưa thì không thể tránh khỏi bùn lầy lội.

21.jpg
Bục sân khấu của Đền Hích được xếp gạch tạm bợ để người dân sinh hoạt đã 20 năm nay nhưng chưa thể xã hội hóa vì nhiều lý do. Ảnh: Tuấn Tú.

Ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ thông tin, Đền Hích được Nhân dân trong vùng tự cải tạo cách đây 20 năm rồi, giờ cũng đã xuống cấp. Cơ sở vật chất của Đền cũng rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Chính quyền và Nhân dân trong vùng đã có những đề xuất xã hội hóa như đổ thêm sân bê tông, làm cái bục sân khấu kiên cố... Tuy nhiên, việc đầu tư là không dễ do đây là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cần phải được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên chấp thuận. Địa phương cũng đã có văn bản đề xuất lên các cấp có giải pháp để khắc phục những vấn đề nói trên.

23.jpg
Ông Đặng Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ (áo trắng) chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về những vấn đề tồn tại của Đền Hích. Ảnh: Tuấn Tú.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên) cho biết: Sở chỉ quản lý trực tiếp di tích cấp Quốc gia, còn các di tích cấp tỉnh được giao cho địa phương quản lý, trong đó có Di tích Đền Hích. Đến nay huyện Đồng Hỷ cũng chưa gửi Quy hoạch xây dựng tại chỗ và thiết kế tổng thể Đền Hích để Sở xem xét thẩm định, phê duyệt. Sau đó thì việc xã hội hóa hay đầu tư xây dựng, nâng cấp, tu bổ Đền Hích có thể thực hiện theo thiết kế tổng thể đã được phê duyệt.

29.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên (bên trái) chia sẻ với phóng viên. Ảnh: Tuấn Tú.

Cũng theo ông Thường, việc cứu Đền Hích trước sự xuống cấp và nguy cơ sạt lở không chỉ là trách nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mà còn phụ thuộc vào nhiều cấp, ngành như Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, huyện Đồng Hỷ, xã Hòa Bình...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Nguyên: Di tích đền Hích cần được giải cứu