Văn hóa

Thăm các 'cụ' xích tùng hơn 700 tuổi trên đỉnh thiêng Yên Tử

Nguyễn Quý 02/01/2024 11:56

Ba năm mới quay trở lại thăm các “cụ” xích tùng, loài cây cổ đặc trưng có tuổi đời hơn 700 tuổi ở Yên Tử, tôi không khỏi ngậm ngùi. Đã có thêm 5 “cụ” chết đi, chủ yếu vì già cỗi, bệnh tật…

Đường Tùng hôm nay vẫn tĩnh lặng như 3 năm trước tôi đến. Đó là con đường dành cho khách bộ hành lên chùa Hoa Yên (Khu di tích Yên Tử). Ven đường có 2 hàng tùng cổ thụ tuổi thọ gắn liền với cuộc đời sự nghiệp hành đạo của Đức Hoàng đế anh hùng Trần Nhân Tông, với thời gian hơn 700 năm.

Hàng cây vẫn đứng uy nghiêm. Thân cây sừng sững hiên ngang, nhánh cành uốn lượn khúc khuỷu. Rễ cây bám chắc vào vách núi, trồi lên trên mặt đất, vươn theo lối đi tạo thành những bậc thang tự nhiên vô cùng đẹp mắt. Tán lá mềm mại, xanh thẫm toả rộng như những chiếc lọng che rợp con đường lên cửa Phật.

W_dsc_8164.jpg
Nhiều du khách chọn đi bộ qua đường Tùng để trải nghiệm vẻ cổ kính và trầm mặc của núi rừng Yên Tử.

Tương truyền rằng, trước đây Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng đệ tử của ngài và các thế hệ tu hành của Thiền phái Trúc Lâm đã trồng cây xích tùng ở đây và nhiều nơi trên núi Yên Tử.

Đường Tùng là di sản quý, vừa là chứng tích lịch sử, thể hiện tình yêu sự sống, tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên - một giá trị cốt lõi của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đi giữa hai hàng xích tùng cổ kính, du khách có thể tận hưởng bầu không khí trong lành, thoáng mát.

Theo Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, từ năm 2020 đến nay đã có thêm 5 cây xích tùng cổ bị chết, tổng số cây còn lại trong quần thể Khu di tích Yên Tử là 228 cây. Nguyên nhân do tuổi thọ cây cao, quá trình phát triển bị sâu bệnh, cây bị thoái hóa, rễ không còn vững chắc, vị trí cây đứng trên nền đất yếu, một số cây gặp gió xoáy lốc khiến cây bị quật đổ.

Riêng đường Tùng cổ thụ có tới 51 cây bị mục rỗng thân, gốc và sâu bệnh hại. Bên cạnh đó thì còn có nhiều nguy cơ xâm hại rất lớn khác cho cây tùng như bệnh xỉ mủ làm chết hoại dần phần thân gỗ, bệnh khô cành, thân do nấm…

Năm 2019, Dự án chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử được triển khai, ngân sách từ tiền bán vé tham quan Yên Tử. Tổng số vốn cho dự án trên 26 tỷ đồng, kéo dài 5 năm. Tháng 12/2019, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới đã khám và chữa bệnh cho 233 cây xích tùng cổ.

Theo ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, số cây xích tùng trồng mới đến nay là 758 cây, tỷ lệ đạt cao. Cùng với 228 cây xích tùng cổ, số cây trồng mới hiện vẫn đang được chăm sóc, theo dõi và bảo vệ chặt chẽ.

Dưới đây là một số hình ảnh PV Đại Đoàn Kết ghi nhận trong chuyến thăm các "cụ" xích tùng Yên Tử:

W_dsc_8184.jpg
Theo các nhà nghiên cứu, hàng trăm cây xích tùng với tuổi đời lên đến hơn 700 năm tại Khu di tích quốc gia Yên Tử được trồng vào thời Phật hoàng Trần Nhân Tông, khi ngài lên núi thiêng Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc lâm.
W_dsc_8173.jpg
W_dsc_8221.jpg
Trong số đó con đường mòn độc đáo đi xuyên qua rừng, được gọi là đường Tùng. Đường Tùng gây ấn tượng bởi rễ cây bám chắc vào vách núi, trồi lên trên mặt đất, vươn theo lối đi tạo thành những bậc thang tự nhiên.
W_dsc_8185.jpg
W_dsc_8232.jpg
Tán lá mềm mại, xanh thẫm toả rộng như những chiếc lọng che rợp con đường lên cửa Phật.
W_dsc_8230.jpg
Các cây xích tùng cổ được đánh số để tiện theo dõi chăm sóc và bảo vệ.
W_z5020071012680_063a87a6e8fbb1c4fba735d16795f4db.jpg
W_z5020074607330_bb0164fb26378ee4a2ad38bb2e1152dd.jpg
Tuy nhiên, nhiều cây bị mục rỗng thân, gốc.
W_dsc_8211.jpg
2 cây tùng và thông cổ thụ bị sét đánh chết vào năm 2021.
W_dsc_8214.jpg
Thân cây đã khô.
W_z5020073673015_f03d70cabb0bc25558d082b608ee60c8.jpg
Không tránh khỏi quy luật "sinh, lão, bệnh, tử", một "cụ" xích tùng bị bệnh chết từ năm 2013 nằm bên đường.
W_z5020064927384_78642898f6dc7d883b93b1c421853e8d.jpg
Cán bộ Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử chăm sóc những cây xích tùng mới trồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thăm các 'cụ' xích tùng hơn 700 tuổi trên đỉnh thiêng Yên Tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO