Thẩm định sách giáo khoa: Ngại trách nhiệm thì đừng tham gia Hội đồng

Thu Hương (ghi) 20/10/2020 07:45

Đối với những sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 đang thẩm định vòng 1 và những bộ sách khác sắp tới sẽ được thẩm định, Bộ GDĐT nên sớm công bố công khai để dư luận được biết và góp ý rộng rãi trước khi được phê duyệt, phát hành.

GS Phạm Tất Dong.

Đó là ý kiến của GS. TS Phạm Tất Dong, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực về việc biên soạn và thẩm định SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chia sẻ với Đại Đoàn kết, GS Phạm Tất Dong cho rằng: Kết luận mới nhất của Bộ GDĐT về SGK lớp 1 Cánh Diều hiện nay, tôi cho rằng có lẽ đó là phương pháp chữa cháy thôi. Tức là xem chỗ nào sai nhiều thì bỏ, thay thế, sai ít thì sửa.

Trên thực tế, SGK các môn học khác của bộ Cánh Diều hay các bộ khác, tôi không thấy nhiều ý kiến góp ý lắm. Tôi có đọc một bộ sách đầy đủ thì nhận xét chung là các tác giả viết kiến thức hơi cao cho học sinh (HS) 6 tuổi.

Thực ra là không phù hợp với HS ở nông thôn, miền núi mà chỉ các trường ở thành thị, hiện đại với các điều kiện cụ thể, HS phải có đời sống phong phú mới làm được… Vì vậy, nhân dịp này, cần có một cuộc rà soát lại tất cả những cuốn sách khác của tất cả những bộ sách đã phát hành.

Không phải cứ đến khi nhân dân kêu thì mới sửa, mà tác giả, hội đồng thẩm định… cần phải kiểm tra lại ngay để tránh những ồn ào, lo lắng của phụ huynh nếu có. Việc này cần làm trước khi phát hành sách lớp 2 vì làm như vậy mới khiến nhân dân tin tưởng.

Những nhà viết sách đang thiếu một phần nào đó về hiểu biết tâm lý trẻ em, hiểu biết tâm lý sư phạm nên dẫn đến những sai sót về ngôn từ khó hiểu, không phù hợp với năng lực ngôn ngữ của trẻ lên 6,7.

Hội đồng Thẩm định SGK thì phải cực kỳ có trách nhiệm. Để xảy ra sai sót thế này, giờ đổ cho ai? Mà đổ cho ai cũng không quan trọng bằng người chịu hậu quả cuối cùng chính là những HS lớp 1 đang học bộ sách này.

Nếu phê phán sách viết sai, công bằng mà nói, phải phê phán Hội đồng cho qua vì dễ dãi, nể nang hay vì lý do gì… Nói một cách dân dã, Hội đồng là cha là mẹ.

Làm gì có chuyện Hội đồng cho rằng không được mà quyển sách vẫn được phê duyệt, cấp phép để xuất bản? Nếu nói Hội đồng Thẩm định làm sơ sài thì tôi cũng không hiểu, sao với một số cuốn sách khác chỉ ra đến 300 lỗi? Sách này tại sao lại nhiều lỗi thế mà không sửa, vẫn cho qua?

Đối với SGK lớp 2 và lớp 6 hiện nay đã thẩm định xong vòng 1, GS Phạm Tất Dong chia sẻ: Quan điểm của tôi là không nên chọn Hội đồng như hiện nay vì Hội đồng đó cần tập trung làm rõ, sửa chữa sai sót của bộ lớp 1.

Trao quyền và trao trách nhiệm cho những người khác để làm sao sách lớp 2, lớp 6 và các lớp sau không để xảy ra sai sót như thế này, nếu không thì “hòa cả làng”. Bộ sách nào cũng bị kêu thì quá nguy hiểm.

Từ đây, cũng đặt ra vấn đề, Bộ GDĐT cần có một Hội đồng riêng xem xét từng bộ sách một và chọn lấy một bộ cho là hay nhất để làm cơ bản, còn những bộ sách khác có sai thì sửa và làm sách tham khảo.

Cần phải có một bộ sách mà Bộ GDĐT đứng ra chịu trách nhiệm, nếu để các nhà xuất bản in và chịu trách nhiệm thì không được. Tu sửa các bộ sách từ bây giờ đi và chọn lấy bộ phù hợp nhất, hay nhất sau khi tham khảo từ nhiều nhà giáo dục, từ giáo viên và sau đó Bộ GDĐT có thể mua bản quyền bộ này để quản lý…

Mong Bộ GDĐT đừng để những sai sót xảy ra nữa. Ý kiến cá nhân của tôi, khi SGK hoàn toàn của tư nhân, trong một thị trường như thế này, nếu sự cạnh tranh không lành mạnh thì dễ dẫn đến nhiều điều rất nguy hiểm.

Đó là chưa kể có những phê phán quá nặng, nhìn những người viết sách như phản động hoặc lôi những câu chuyện đời tư của tác giả ra để soi mói, thậm chí dựng chuyện về tác giả… Cách phê phán đó nguy hiểm lắm.

Tất nhiên, tôi cũng mong muốn giá như những nhà thẩm định sách đứng ra nói rằng, chúng tôi có sai sót khi để xảy ra lỗi, các tác giả cũng nhận sai sót thì dư luận sẽ bình tĩnh hơn…

Trước câu hỏi, liệu có phải là do công nghệ thông tin phát triển nên ngày nay, SGK mới bị nhặt sạn nhiều. Trước đây, có cuốn tái bản đến lần thứ 4 rồi vẫn đính chính nhưng không thấy người dân nào ý kiến?

GS Phạm Tất Dong trả lời: Tôi khi là Phó Viện trưởng Viện Giáo dục được giao biên soạn sách cho cải cách giáo dục năm 1979, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, khi đó những người viết sách, thẩm định… chẳng ai nhận một đồng nào từ ngân sách nhà nước cả. Bây giờ tốn bao nhiêu tiền vẫn bị kêu? Phải xem lại vấn đề trách nhiệm, quản lý.

Ở đây có 3 vấn đề là trình độ và trách nhiệm của người viết, thứ hai là của nhà quản lý và của người thẩm định trước khi thông qua SGK - một sản phẩm sử dụng đại trà. Trước đây, những nhà viết sách rất cẩn thận. Họ viết đúng trình độ con trẻ tiếp thu.

Cũng có thể là dân ngày xưa dễ tính hơn và họ tin tưởng vào giáo dục hơn bây giờ. Sách ngày xưa có tỳ vết nào đó nhưng người ta cũng có thể cho qua.

Trình độ dân trí bây giờ khác rồi. Họ là khách hàng khó tính rồi. Chỉ một chuyện nhỏ cũng có thể ồn ào lên nữa là SGK sử dụng trên cả nước…

Phải đánh giá đó là sự tiến bộ xã hội. Dân “khó tính” là đúng và nếu được thẩm định nhiều vấn đề khác, không chỉ SGK đâu thì mọi thứ sẽ tiến bộ lên rất nhanh.

Khi người dân tham gia vào thẩm định sẽ tạo ra những ý kiến đa dạng, cần lắng nghe những góp ý cầu thị và nghiêm túc, khách quan, thiện chí…

Theo GS Phạm Tất Dong: Viết SGK rất khó, đòi hỏi trình độ rất cao, ngay cả viết cho lớp 1 cũng đòi hỏi đúng tâm lý trẻ lớp 1, đúng đường lối chính sách, chương trình… Nếu so sánh với một luận án tiến sĩ, xét đến cùng nó chỉ là một bài tập, chỉ cần một số người chấm.

Trước khi chấm, cần thực hiện phản biện kín để cho hội đồng có ý kiến kỹ càng hơn. Luận án sai cũng chỉ bị chê thôi, không chết ai cả. Luận án cũng chưa thể áp dụng ngay, thậm chí cất đi không dùng… nên chỉ cần phản biện kín để giúp cho hội đồng hiểu thêm…

Còn SGK, tôi cho rằng không cần phản biện kín mà cần rất công khai, tường minh vấn đề này. Hội đồng Thẩm định gồm những ai, trách nhiệm thế nào phải công khai, sao lại phải giấu? Nếu ai ngại trách nhiệm, thì đừng tham gia Hội đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thẩm định sách giáo khoa: Ngại trách nhiệm thì đừng tham gia Hội đồng