Ngày 8/9, tại TP HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo giới thiệu Báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ - Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới; Báo cáo tăng cường sức cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn chủ yếu làm gia công cho doanh nghiệp FDI.
Sự chi phối của doanh nghiệp FDI
Tại Hội thảo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước quan ngại tình hình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN nội. Thời gian qua, DN Việt Nam đã tăng được kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên điều đáng buồn, giá trị xuất khẩu khá cao nhưng đều do DN FDI nắm giữ.
Hiện DN FDI đang chiếm ¾ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Một vấn đề quan ngại đang tồn tại dai dẳng nữa là, DN trong nước vẫn chưa thể đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng sản phẩm để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cùng nhà sản xuất lớn.
Còn, DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam thường dẫn dắt thêm một loạt các công ty cung ứng khác, vì vậy DN Việt khó được lựa chọn tham gia trong chuỗi.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thường thì các DN FDI dựa vào hệ thống nhà cung cấp của họ (nhà cung cấp cấp 1) ở nước ngoài để có nguồn cung đầu vào.
Điển hình, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu phàn nàn về việc thiếu các nhà cung cấp trong nước.
Samsung Việt Nam cho biết, trong số 200 nhà cung cấp trong nước đang quan tâmđến việc cung cấp linh kiện mà Samsung muốn tìm mua trong nước, gồm 91 linh kiện cho Samsung Galaxy S4 và 53 linh kiện cho máy tính bảng nhưng không DN nào có thể đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong chuỗi cung ứng điện tử của tập đoàn này.
Hiện nay Việt Nam chỉ có 4 nhà cung cấp trong tổng số 67 nhà cung cấp cho Samsung còn lại là các nước (53 DN đến từ Hàn Quốc, 7 DN Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Anh).
Điều đáng quan tâm, 4 nhà cung cấp cấp 1 của Việt Nam chủ yếu là DN bao bì có giá trị gia tăng thấp, bao gồm: bao bì giấy, bao bì màng mỏng, bao bì giấy gấp nếp.
Không khá hơn lĩnh vực công nghệ thông tin, ngành công nghiệp ôtô có khoảng 200 - 300 DN sản xuất phụ tùng, song phần lớn là các DN vừa và nhỏ với năng lực sản xuất thấp, công nghệ lạc hậu.
Giá trị gia tăng được tạo ra ở các giai đoạn giá trị gia tăng thấp, đó là lắp ráp, hàn, sơn. Ngoài ra, các DN trong nước chỉ đóng góp các chi tiết có giá trị gia tăng thấm và thâm dụng lao động như lốp, ắc quy và dây điện.
Chính vì vậy mà tỷ lệ nội địa hóa của ngành này chỉ chiếm khoảng từ 10 - 20% so với 45% của Thái Lan. Hiện nay các nhà cung cấp đa quốc gia cấp 1 là Denso, Yazaki, Robert Bosch và Sews.
Nói về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, ông Nguyễn Đức Hồng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cao su Thống Nhất cho biết, cao su Thống Nhất cung cấp khớp nối dưới gầm xe, ống cao su để luồn dây điện tại cửa xe cho công ty Nhật.
Tuy nhiên, cao su Thống Nhất phải bán cho một công ty trung gian khác, sau đó công ty này bán lại cho các doanh nghiệp ô tô như: Mazda, Suzuki,… Nghĩa là, dù có tham gia vào chuỗi nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đủ lực để cung ứng tận tay nhà sản xuất cuối cùng.
Nguy cơ bị kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp
“Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là động lực chính phát triển kinh tế nhưng Việt Nam chưa làm được. Việt Nam đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu đơn giản như lắp ráp. Đây chính là công đoạn hạ nguồn của sản xuất giá trị gia tăng, phần thượng nguồn do doanh nghiệp FDI nắm”, ông Charles Kunaka- chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới nhận định; đồng thời cảnh báo, Việt Nam có nguy cơ bị kẹt ở bẫy giá trị gia tăng thấp. Nghĩa là chỉ cạnh tranh giá rẻ.
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ. Một là tiếp tục phát triển như hiện nay, hai là tận dụng cơ hội phát triển công nghiệp trong nước.
“Không thể nói là muốn hay không muốn tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Yêu cầu hiện nay, doanh nghiệp Việt phải tự bứt phá lên nấc thang cao hơn. Rất nhiều doanh nghiệp lớn đang dịch chuyển đầu tư vào Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì mô hình tham gia chuỗi giá trị thông qua khâu hàn, sơn, lắp ráp không còn phù hợp” - ông Nguyễn Thắng - Giám đốc Trung tâm Dự báo, Viện Hàm lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh.
Trước bức tranh không mấy sáng sủa về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của DN trong nước, ông Sebastian Eckardt - Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam phải tận dụng sức lan tỏa hiện nay.
Thực hiện hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho DN, thuận lợi hóa trong thương mại và logistic để kết nối hàng hóa toàn cầu.
Trong đó, phải đặc biệt chú ý xây dựng mối liên kết DN nội địa và DN FDI, ứng dụng công nghệ, tái cấu trúc thị trường, nâng cấp kỹ năng người lao động…
Kết quả khảo sát do Trung tâm Phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (SIDEC) thực hiện mới đây cho thấy, ngay cả đối với các công ty hiện đang tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ, rất ít DN sử dụng công nghệ hiện đại hoạc công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao do các công ty đa quốc gia đặt ra. Các công ty sản xuất kinh kiện kim loại thường sử dụng mác móc của Nhật Bản được sản xuất từ thập kỷ trước hoặc máy móc của Trung Quốc, Đài Loan. Hơn nữa, 65% DN được khảo sát áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng và các hệ thống quản lý chỉ có một số ít các công ty trong nước đạt tiêu chuẩn cao hơn. |