Các nhà hoạt động môi trường ở Trung Quốc đang kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về sự việc hàng trăm học sinh tại một thành phố ở nước này bị nhiễm độc - một số bị nhiễm độc nặng - sau khi nhập học tại một ngôi trường được xây trên bãi rác thải độc hại.
Trường Ngoại ngữ Changzhou ở tỉnh Giang Tô đang
là tâm điểm của vụ bê bối (Nguồn: Guardian).
Trong một vụ việc được xem là thảm họa môi trường tồi tệ nhất từ trước đến nay, khoảng 500 học sinh tại một trường học ở tỉnh phía Đông Trung Quốc Giang Tô từ cuối năm 2015 được cho là đã bị mắc các triệu chứng như sổ mũi, đau đầu, ho, nổi phát ban và nặng nhất là mọc u lym phô và ung thư bạch cầu.
Theo các báo cáo từ giới truyền thông Trung Quốc, các cuộc thử nghiệm mẫu không khí và đất mới đây tại trường Ngoại ngữ Changzhou, người ta đã phát hiện ra nhiều độc chất có mức độ nguy hiểm cao, trong đó có cả Chlorobenzen - chất độc có thể gây tổn thương cho gan, thận và hệ thần kinh.
Vụ bê bối này đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của giới truyền thông Trung Quốc trong những ngày qua và làm dấy lên làn sóng phản ứng trong cộng đồng người dân nước này sau khi kênh truyền hình CCTV đưa tin trực tiếp về sự việc ở trường Changzhou.
“Chân của cháu bị chuột rút và nổi mụn rộp” - CCTV dẫn lời một nữ sinh 12 tuổi của trường học này - “Tay cháu bị bong da nữa”.
CCTV cho hay trong tổng số 641 học sinh trường này đến khám bác sỹ, có 493 em được phát hiện mắc các triệu chứng bất thường. Ma Jun, một nhà hoạt động vì môi trường nổi tiếng ở Trung Quốc, nói rằng thảm kịch này đã gây chấn động, khiến người ta nhớ đến thảm họa chất thải công nghiệp ở Love Canal, Mỹ hồi năm 1978.
Phát biểu trong hôm 19/4, ông Ma, giám đốc Viện Nghiên cứu Môi trường công cộng, đã kêu gọi “một cuộc điều tra độc lập toàn diện” để tìm hiểu nguyên nhân vì sao mà thảm họa này lại xảy ra ở Trung Quốc.
Theo một số báo cáo của các hãng truyền thông trong nước, trường Ngoại ngữ Changzhou mới mở thêm một khu mới trong năm 2015 tại vị trí mà trước đây từng có 3 nhà máy hóa học: Changyu, Huada và Changlong. Các lớp học tại khu nhà mới này được cho là đã bắt đầu ngay trước khi một báo cáo môi trường được công bố, trong đó cảnh báo rằng nguồn nước ngầm và đất ở khu vực này đã bị nhiễm độc.
Một nhân viên từng làm việc tại nhà máy hóa học Changlong trước kia - nhà máy hóa học lớn nhất trong vùng - đã nói với CCTV rằng công nhân nhà máy này từng đổ “những chất hóa học cực độc hại” ra một con sông trong vùng và chôn rác thải hóa học gần đó. Chlorobenzen được phát hiện ở mức độ cao gấp 100 lần so với mức an toàn cho phép.
Đối mặt với phản ứng tức giận của người dân, Bộ Môi trường Trung Quốc tuần này đã tuyên bố mở một cuộc kiểm tra khẩn cấp trường học Changzhou và rằng họ sẽ “làm việc để bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh”.
Tuy nhiên, trong ngày 19/4, chính quyền Changzhou lại cố gắng làm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc. Theo tờ Beijing News, chính quyền thành phố này tuyên bố rằng chỉ có 4 trong số 2.415 học sinh ở trường học xin nghỉ vì bị ốm và các quan chức bác bỏ thông tin một số học sinh được chẩn đoán mắc ung thư bạch cầu.
Nhưng các nhà hoạt động, giới chuyên gia và gia đình có con em đang học tại trường này lại phản ứng với tuyên bố trên một cách ngờ vực. “Chúng tôi rất sợ hãi và không hiểu nên tin vào bên nào”, tờ South China Morning Post dẫn lời một bà mẹ có con đi học tại ngôi trường này, nói.
Tổ chức Hòa bình Xanh thì nói rằng, vụ bê bối này cho thấy công tác quản lý các chất hóa học độc hại ở Trung Quốc đang rất lỏng lẻo. Trong một tuyên bố, tổ chức này nói rằng, chính quyền đã thất bại trong việc đánh giá toàn diện về các rủi ro liên quan tới việc xây dựng một trường học ngay trên mảnh đất có nhà máy hóa học trước kia.
Chứng cứ chắc chắn về mối liên hệ giữa các triệu chứng bất thường của các học sinh trường Changzhou và tình trạng nhiễm độc hiện vẫn chưa có, nhưng giới chuyên gia cho rằng nó thực sự tồn tại. “Ô nhiễm rõ ràng là có, và theo tôi biết thì các chất độc được phát hiện mới đây trùng khớp với các chất thải hóa học mà các nhà máy trước đây từng xả ra”, CCTV dẫn lời ông Pan Xiaochuan, một chuyên gia Y tế thuộc Đại học Peking, nhận định.
Ông Ma còn nói rằng, khi các công ty Trung Quốc xả các chất thải độc hại một cách bất hợp pháp, họ luôn có xu hướng xả các chất độc hại nhất bởi chi phí để xử lý chúng rất cao.
“Tất cả đều vì lợi nhuận, nhưng là lợi nhuận bất hợp pháp” - ông Ma nói.