Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) tận dụng sự phát triển mạnh của thương mại điện tử (TMĐT) để xuất khẩu hàng hóa hoặc phát triển kênh bán lẻ truyền thống. Kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới trở thành một kênh quan trọng cho việc xuất khẩu. 32% DN vừa và nhỏ đã lên kế hoạch thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu qua thương mại điện tử.
Việc gia nhập những nền tảng TMĐT sẽ giúp DN xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, từ đó mở rộng được cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu, đồng thời giảm chi phí liên quan đến việc xúc tiến thương mại truyền thống như tham gia hội chợ, triển lãm, thiết lập văn phòng tại các thị trường mục tiêu. Thống kê cho thấy, năm 2018, doanh thu của TMĐT Việt Nam ở mức 143 tỷ USD. Dự báo, thời gian tới DN vừa và nhỏ sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch sẽ tăng nhanh, đến năm 2020 con số trên đạt 160 tỷ USD.
Ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại TPHCM (ITPC) nhận định, Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế số khá trong khu vực Asean, xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, tỷ lệ người sử dụng Internet cao, TMĐT đang phát triển nhanh. Việt Nam vào top 3 thị trường TMĐT tăng trưởng nhanh nhất thế giới, sau Thái Lan và Malaysia. Đây chính là điều kiện thuận lợi thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh.
Ông Bernard Tay - Giám đốc Bán hàng toàn cầu của Amazon khu vực Đông Nam Á cho hay: “Internet bùng nổ, lực lượng lao động trẻ, am hiểu công nghệ cùng sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất tại Việt Nam đã khiến các DN vừa và nhỏ ứng dụng TMĐT ngày càng nhiều. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất sản phẩm trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài”.
Bà Ngân Lê, đại diện Công ty Paper Color - DN có bề dày kinh nghiệm bán hàng trên TMĐT từng chia sẻ: “Nhờ tận dụng bán hàng qua TMĐT đến nay công ty đã xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, thay vì chỉ xuất khẩu qua thị trường 2 nước”. Theo vị này, bán hàng điện tử giúp DN tiếp cận lượng khách hàng khổng lồ trên toàn thế giới, tiết kiệm được chi phí bán hàng và tiếp thị.
Theo các chuyên gia kinh tế, TMĐT đang tạo thuận lợi cho cả người bán, người mua. Nhà sản xuất có thể phân phối hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng mà không cần qua trung gian. Tuy nhiên, DN Việt cần tập trung vào chất lượng sao cho người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn. Song song đó, muốn xuất khẩu thành công ngoài năng lực sản xuất, doanh nghiệp Việt cần xúc tiến marketing, quảng cáo, chào hàng chuyên nghiệp trên sàn giao dịch quốc tế.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) khẳng định: “Hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu là một trong những mục tiêu trọng tâm của Cục Xúc tiến thương mại. Từ tháng 4 năm 2019, Cục Xúc tiến Thương mại phối hợp tổ chức chuỗi chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí trên quy mô toàn quốc cho khoảng 200 doanh nghiệp Việt Nam mỗi đợt. DN tham gia khóa đào tạo xuất khẩu hàng hóa trực tuyến được trang bị những kiến thức cũng như thông tin bổ ích về việc bán hàng trên thị trường quốc tế.
Ủng hộ xuất khẩu qua TMĐT nhưng ông Châu Việt Bắc - Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, phát triển theo xu hướng kinh tế số là cần thiết, nhưng yếu tố về chứng cứ bằng văn bản cần được chú trọng nhằm hạn chế những rủi ro và yếu thế khi phát sinh tranh chấp.