Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi

PGS.TS VĂN GIÁ 21/07/2023 07:26

Thâm Tâm sinh ra để làm nghệ sĩ. Văn chương chọn anh, chứ không phải anh chọn văn chương. Vâng, văn chương đã chọn Thâm Tâm để cất cánh trở thành thơ ca và truyện ngắn, trong đó có những vần thơ bất hủ, và nhiều áng văn xuôi đẹp đẽ.

Nhà thơ Thâm Tâm (1917 - 1950).

Có một cách hình dung về đội ngũ những người sáng tạo văn học, căn cứ vào mức độ gắn bó với nghề, có thể chia làm hai loại: Một, những người nếu không viết vẫn sống được, họ có thể bỏ bút đi làm nghề khác; và hai, những người nếu không viết thì không thể sống nổi, hiểu theo nghĩa cụ thể, vật chất, và cả với nghĩa tinh thần của nó.

Không sống nổi bởi vì, nếu không viết văn thì họ chẳng biết làm gì, họ không có cái khả năng mưu sinh bằng những nghề khác, họ không thạo đi giữa cuộc đời. Không sống nổi bởi vì cái đam mê văn chương như là định mệnh, nó cứ ám ảnh suốt đời. Nhà văn Thâm Tâm thuộc trường hợp thứ hai, nghĩa là Thâm Tâm sinh ra để làm nghệ sĩ.

Gia cảnh Thâm Tâm rất cơ hàn, túng quẫn. Từ Hải Dương lên Hà Nội (1938), kéo theo cả nhà gồm: cha mẹ già, hai người chị cùng bốn đứa em còn nhỏ và người vợ, có đến cả chục miệng ăn. Ngần ấy người dồn ép vào sống trong một căn nhà thuê rộng khoảng chừng hai chục mét vuông. Thâm Tâm nhận việc đóng sách cho Nhà in Mai Lĩnh rồi mang về cho cả gia đình làm, còn riêng mình thì đi vẽ tranh minh họa cho các báo, làm thơ, viết truyện, viết kịch, viết tạp văn… gửi đăng các báo vừa để sinh nhai, vừa thỏa cái mộng văn chương hằng ấp ủ.

Nhà văn Vũ Bằng kể lại: Khi đương giữ chân thư ký tòa soạn cho tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy quãng năm 1941- 1943, ông thấy gia cảnh bạn mình túng thiếu, nên thường ưu tiên cho đăng của Thâm Tâm hai bài trong một số (hoặc một truyện, một thơ; hoặc một truyện, một kịch với hai bút danh: Thâm Tâm và Tuấn Trình) để bạn mình có chút đỉnh nhuận bút. Bây giờ nếu ai có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với tờ Tiểu thuyết Thứ Bảy vào quãng thời gian này sẽ thấy liên tục trên các số báo có tác phẩm của Thâm Tâm với hai bút danh như vậy. Ngoài ra ông còn viết cho Truyền bá, Phổ thông bán nguyệt san (cũng của nhà Tân Dân), Tiểu thuyết Thứ Năm của Lê Tràng Kiều (chủ bút) và một số báo khác. Tính sơ bộ trong tài liệu mà chúng tôi sưu tầm được, ông có hàng chục bài thơ, trên 80 truyện ngắn truyện dài, hơn chục vở kịch, một số tạp văn… ra đời trong quãng thời gian này. Có thể khẳng định rằng cái động cơ thôi thúc Thâm Tâm viết được nhiều như vậy chủ yếu thuộc về lý do mưu sinh, viết văn để kiếm sống, để phụ giúp vào một gia đình mà lúc nào cũng có nguy cơ đứt bữa.

Có thể ai đó sẽ cho rằng cách giải thích này không được “thơ” cho lắm, nhưng quả thật như thế! Mà chẳng cứ gì Thâm Tâm. Nhiều nhà văn nhà thơ ưu tú của chúng ta thời đó vướng vào nghiệp văn chương, cũng đã từng lận đận mưu sinh bằng ngòi bút. Tuy nhiên, ở những nhà văn có tài, trong số các văn phẩm ít nhiều chạy theo số lượng ấy vẫn có những tác phẩm đỉnh cao như thường. Vâng, phải có tài, người có tài thì ngay cả khi viết trong một điều kiện ngặt nghèo nhất, hoặc viết chạy theo một mục đích sát sườn nhất thì các trang viết vẫn cứ lấp lánh.

“Tống biệt hành” của Thâm Tâm là một thi phẩm thuộc vào hàng đỉnh cao sáng giá như vậy. Xin kể lại một kỷ niệm thời còn học đại học vào quãng những năm sau ngày giải phóng miền Nam 1975, lúc bấy giờ hầu hết Thơ Mới đang bị định kiến, bị hiểu lầm. Cho nên trong giới sinh viên, ai biết được bài nào liền thì thụt đọc hoặc chép cho nhau, vì thế nên có tình trạng tam sao thất bản. Riêng với bài “Tống biệt hành”, lứa sinh viên bọn tôi chỉ biết có bốn câu đầu. Vì là thể hành, nên đoán chắc bài thơ sẽ còn dài nữa, nhưng chẳng mấy ai biết phần tiếp theo là như thế nào, mà hỏi thầy thì không dám. Thôi thì đành ngâm nga bốn câu thơ đầu: “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?/ Bóng chiều không thắm không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?”.

Phải thừa nhận rằng bốn câu mở đầu này có một sức quyến rũ mê người. Và hầu hết trong số chúng tôi đều coi mấy câu thơ ấy viết về tình yêu, viết về cuộc tiễn biệt của đôi trai gái yêu nhau nào đó. Sau này, khi tư liệu về Thơ Mới được công bố công khai, rộng rãi, mới biết rằng không phải như thế. Hóa ra bài thơ là câu chuyện và tâm sự của hai người đàn ông tráng chí nặng tình tiễn biệt nhau, một ở lại một lên đường vì chí lớn. Thậm chí lại có tư liệu cho biết nhà thơ Thâm Tâm viết tặng cho một người bạn hoạt động bí mật trong tổ chức cách mạng nhân lần tiễn bạn đi chiến khu chiến đấu. Tuy nhiên, không vì thế mà ý nghĩa bài thơ bị bó hẹp vào một cách giải thích cụ thể nào, hoặc vẻ đẹp của nó bị suy giảm. Với bài thơ bất hủ này, nhà văn Vũ Bằng, một người bạn đàn anh của Thâm Tâm đã tặng Thâm Tâm một thi hiệu nghe lạ lạ và thú vị: “Nhà phù thủy hô sóng vào lòng và gọi hoàng hôn lên mắt”.

Nhà thơ Thâm Tâm (thứ 3 từ trái sang) với đồng đội Báo Vệ Quốc Quân. Ảnh tư liệu.

Nhưng nếu chỉ nói như thế không thôi, thì Thâm Tâm không đi xa hơn là mấy so với các nhà thơ trung đại. Cái điều làm cho Thâm Tâm trở thành điệu hồn Thơ Mới, “Tống biệt hành” trở thành thi phẩm Thơ Mới là ở chỗ: Nhà thơ đã thể hiện được một cách sâu sắc và thành thực đến cảm động cái mối giằng xé giữa con người tráng chí (con người tỏ mình trước cuộc đời) với con người tình nghĩa (con người vừa mang bổn phận hiếu đễ với gia đình, vừa thuận theo cái tình cảm tự nhiên mà ai cũng có với người thân, với bạn bè). Mối giằng xé này đã làm vọt ra những câu thơ đứng vào hàng tuyệt bút.

Hãy thử lắng nghe niềm day dứt, nỗi xót thương của một người nặng tình biết bao nhiêu, tưởng như những giọt nước mắt cố nén nay chực vỡ òa: “Người đi? Ừ nhỉ người đi thực!/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say”. Bài thơ đã chạm vào nỗi lòng muôn thuở của kiếp người, thứ tấm lòng thuộc về nhân loại. Chính vì thế, bài thơ đã đi vào bất tử. Không có cái tôi Thơ Mới, các nhà thơ của chúng ta làm sao có thể đập vỡ được cái vỏ ước lệ thuộc về cái ta trung đại để bước vào cái tôi nhân văn phổ quát.

Hà Nội có phố mang tên nhà thơ Thâm Tâm

Chiều 4/7, tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số tuyến đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Theo đó, phố Thâm Tâm được đặt ở quận Cầu Giấy, cho đoạn từ ngã ba giao cắt phố Trung Kính đối diện số nhà 89, cạnh Trường THCS Trung Hòa đến ngã ba giao cắt tại tổ dân phố 22 - phường Yên Hòa (cạnh trạm biến áp Trung Hòa 31).

Thơ ca cũng như văn xuôi của Thâm Tâm có khá nhiều tác phẩm trình bày hình ảnh người ra đi. Tất cả những điều đó nói với chúng ta rằng Thâm Tâm thuộc trong số không nhiều các nhà văn có khí cốt mạnh mẽ lúc bấy giờ. Họ không thích kêu rên, than khóc. Cũng không muốn chết chìm vào trong những khoái thú cá nhân. Họ muốn đổi thay, muốn lên đường. Dòng huyết mạch chảy mạnh mẽ trong cơ thể họ. Quả tim trẻ tuổi đang đập rộn trong lồng ngực họ.

Thơ của Thâm Tâm, Trần Huyền Trân có cái ngang tàng, khoẻ khoắn, dám đi “ngược gió” giữa đời. Sự thực là sầu hận và chí lớn đã tạo nên cái “chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” trong "Tống biệt hành" như Hoài Thanh đã từng cảm nhận: Tôi nghĩ rằng nếu nói lúc viết “Tống biệt hành” (1940-1941) Thâm Tâm đã đứng vào hàng ngũ hoạt động cách mạng thì e hơi sớm, nhưng bảo là Thâm Tâm đã cảm nhận được không khí sục sôi đang diễn ra từng ngày từng giờ của thời đại do những người Cách mạng khởi xướng, lãnh đạo và đồng tình với nó thì chắc chắn là đã có. Cho nên, như một tất yếu, sau Cách mạng Tháng Tám, Thâm Tâm sớm đi theo kháng chiến, đứng vào hàng ngũ những người cách mạng .

Ông là thư ký Tòa soạn báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân ngày nay) có trụ sở đóng tại vùng căn cứ kháng chiến thuộc tỉnh Cao Bằng. Theo các tài liệu trong hồi ức của bạn bè đồng chí, Thâm Tâm là một người làm báo tận tụy, rất có trách nhiệm trước công việc, trước bạn đọc. Chỉ một cái địa danh in sai trên bản in thử mà ông đã băng rừng gần chục cây số để sửa. Ông mất vì bệnh sốt rét rừng.

Cũng là do làm việc quá sức, ăn uống kham khổ, lại khí hậu khắc nghiệt mà ra cả. Đồng đội ông kể lại rằng khi phát hiện ra Thâm Tâm bị ốm thì đã vội cáng nhà thơ về trạm xá của đơn vị cách chừng một ngày đường đi bộ để điều trị, tiếc thay trên đường nhà thơ đã lặng lẽ ra đi, không kịp trăng trối điều gì. Lúc ấy vào rạng sáng một ngày thu sương trên núi rừng Việt Bắc - 18/8/1950. Cuộc tống biệt này không có ngày đoàn tụ. Mỗi khi nhớ về ông, bỗng lại có sương khói hoàng hôn và những gợn sóng lòng ba động.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thâm Tâm - Một thời và mãi mãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO