Theo truyện dân gian của người Ai Cập cổ đại thì lời nói của con người là một đặc ân của Thượng đế. Nhưng sau khi ban cái đặc ân mà không loài động vật nào trên Trái Đất có được ấy, Thượng đế đã nhận được nhiều phản ánh về rất những điều không hay, không tốt do lời nói gây ra, đó là lời khen và tiếng chê.
Theo “Từ điển tiếng Việt”: “Khen là: Nói lên sự đánh giá tốt về ai, về cái gì, việc gì với ý vừa lòng. Thí dụ: Khen em bé ngoan. Khen đẹp. Giấy khen. “Khen cho con mắt tinh đời” (Nguyễn Du)”. “Chê là; Tỏ ra không thích, không vừa ý vì cho là kém, là xấu. Thí dụ: Chê áo không đẹp. “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo” (tục ngữ). “Lươn ngắn lại chê chạch dài/ Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm” (ca dao)”.
Trong ca dao, tục ngữ dân gian đã có những câu để đời dạy dỗ con người như: “Lời nói không mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, hoặc “Lời nói đọi máu” đã nói lên tầm quan trọng, mang tính “máu thịt”, “tầm sinh mạng” của lời nói, hoặc “Họa từ trong miệng mà ra” đã nói lên lời nói có khi gây tai họa, gây hại cho bản thân người nói ra hoặc cho người nghe...
Bài viết này đề cập đến hai loại quan trọng nhất của lời nói, đó là lời khen và tiếng chê.
Để mổ xẻ các chi tiết của “lời khen”, không ai có thể sánh được với đại triết gia La Rochefoucauld (1613 - 1680) vì ông đã phát hiện ra được những 3 chi tiết rất quan trọng, nói cách khác là 3 cơ chế phát sinh, hay 3 hậu quả, hoặc 3 kết quả do lời khen gây ra, tạo ra. Xin thống kê ra 3 nội dung mà La Rochefoucauld đã phát hiện được thể hiện ở 3 câu danh ngôn để đời sau đây.
Câu danh ngôn 1: “Thông thường người ta chỉ ca ngợi, khen tụng để được ca ngợi và được khen tụng lại”. Câu này được viết ra cách đây gần 400 năm mà vẫn tươi mới cho đến ngày hôm nay. Trong quan hệ giao tiếp hàng ngày, nhất là trong các cuộc gặp mặt ngoại giao, lễ tân, cưới hỏi, khánh thành, khai trương, trong các bài diễn văn người ta ca ngợi đối tác với những lời hay ý đẹp cũng là sự thường tình xảy ra, bởi vì người đáp từ lại cũng phải nói những từ có cánh, bay bổng tương tự. Như thế, buổi lễ, buổi tiệc, buổi khai trương mới thắng lợi mỹ mãn.
Nếu chỉ dừng lại ở những “lời nói gió bay” thì không có gì gọi là tác hại hay hậu quả xấu. Nhưng nếu cả hai bên đều giả dối, giả vờ tâng bốc nhau chứ không phải thật lòng với nhau thì những lời khen tụng như câu danh ngôn 1 đã cảnh báo đều rất cần thận trọng, cần theo dõi tiếp và tốt nhất là rất hạn chế việc “nói quá”, “tâng bốc quá” để tránh gặp phải kết quả là một con số O tròn trĩnh.
Rất hiếm có trường hợp cả hai phía đều thật lòng trân trọng, thán phục lẫn nhau mà tâng bốc nhau quá đáng. Bởi vì những người trưởng thành và đứng đắn, tử tế ít ai dùng “kỹ thuật tâng bốc lên mây xanh” với đối tác mà mình trân trọng cả. Câu danh ngôn này của La Rochefoucauld chính là muốn dạy bảo chúng ta rằng dù trong trường hợp nào cũng không nên khen đối tác quá mức để mong đối tác khen lại mình.
Câu danh ngôn 2: “Có những điều trách móc là khen ngợi và có những điều khen ngợi là chê trách”. Câu này của La Rochefoucauld mới thật sâu sắc và có tính kỹ thuật ngôn ngữ cao trong phát ngôn cũng như trong phân tích bình luận. Đông phương cổ học cũng có những câu thành ngữ tương tự như: “Ý tại ngôn ngoại” (tạm dịch: Nói như thế mà không phải như thế, hay: Nói vậy mà chẳng phải vậy, hay: Nói một đường phải hiểu một nẻo). Thế mới khó hiểu, thế mới phức tạp.
Trên thực tế ít ai sử dụng lối nói này, tức là lối chê thành khen và khen lại thành chê. Vì chúng ta đang trích dẫn các ý nghĩa của khen chê từ các câu danh ngôn của La Rochefoucauld nên phải dẫn ra cho đủ thôi, chứ cái cách khen chê như nội dung câu danh ngôn 2 rất khó xảy ra, rất khó thực hiện trong đời sống xã hội. Loại hình này được sử dụng ở đâu và có kết quả như thế nào cũng chả ai dám bảo đảm và dẫn chứng.
Câu danh ngôn 3: “Sự từ chối những lời ca ngợi là sự mong mỏi được ca ngợi gấp bội”. Trên thực tế có những hiện tượng sau đây không biết có đúng với nội dung này mà Rochefoucauld muốn nói không:
Từ chối giải thưởng của một tổ chức chuyên môn, kỹ thuật, học thuật.
Từ chối việc bổ nhiệm vào một vị trí cao trong cơ quan.
Từ chối lời mời tham dự một Hội thảo chuyên môn do bất đồng ý kiến với Ban tổ chức, cho rằng bản thân mình chưa được đánh giá đúng, ...
Bước vào thời kỳ 4.0 như hiện nay, hình như loại từ chối để được đề cao hơn ít ai dùng đến vì thông tin và truyền thông quá nhanh, quá mạnh nên ai muốn làm gì cũng phải thận trọng, suy nghĩ, đắn đo nhiều hơn những giai đoạn trước.
Đoạn trên của bài viết nói về “lời khen”, tiếng khen, đoạn tiếp theo xin nói về “lời chê”, tiếng chê.
Đông phương cổ học Tinh hoa có một câu danh ngôn để đời, nó đúng trong mọi trường hợp, mọi không gian, mọi thời gian, câu đó là: “Đạo ngôn ác giả thị ngô sư” (tạm dịch: Người nào nói cho ta biết điều xấu, điều sai trái của ta, chính là thầy ta vậy). Như thế là rất đề cao việc chê đúng, phê bình đúng, bình phẩm đúng.
Trong lớp học, nhờ có chấm điểm mà người thầy mới biết được ai giỏi, ai kém, ai dốt. Nếu muốn nâng đỡ người kém, người dốt để trở thành người giỏi thì việc đầu tiên phải phát hiện ra cái dốt, cái kém, cái yếu, rồi phê bình, phê phán cho người học sinh đó nhận thức được những điểm kém, điểm yếu của mình, từ đó mới có kế hoạch để bồi dưỡng, để giáo dục, để rèn luyện lại giúp người học trò ngày một giỏi hơn và trước mắt là giỏi hơn trước.
Đó là kết quả của chê đúng, phê bình và phát hiện đúng những sai sót, những khiếm khuyết của một con người, của một tập thể trong cộng đồng.
Triết gia danh tiếng De Latena đã nói công khai là: “Lời phê bình là một ngọn đuốc soi sáng, lời tán dương có khi là một bức bình phong lộng lẫy che mắt chúng ta”. Ý tứ người xưa thật phong phú và quý giá đó đã luôn nhắc nhở chúng ta là: Rất nên thận trọng trong hai trường hợp: Khi nghe những lời khen, lời chê và khi bản thân ta phát ngôn ra những lời khen, lời chê.
Người xưa cũng đã từng nhắc nhở: “Họa từ miệng mà ra”, tức là tiếng nói, đặc biệt là tiếng nói khen, tiếng nói chê có khi mang họa cho người phát ngôn ra, người nói ra.
Louis Pasteur (1822 - 1896) là cha đẻ của ngành Y học Vi sinh của nhân loại, người đã phát minh ra những biện pháp phát hiện và chữa các bệnh gây nên bởi các tác nhân gây hại của vi trùng đã khẳng định; “Hãy kính trọng tinh thần phê bình, phán xét”.
Nhờ có lời dạy bảo này của Pasteur mà hiện nay trên toàn thế giới đã có hẳn một hệ thống các Viện Vệ sinh dịch tễ, hay còn gọi là các Viện Pasteur quốc gia. Các chuyên gia danh tiếng nhất, những học trò ưu tú của Pasteur đã đem tinh thần phê bình, mổ xẻ vấn đề, xét đoán không khoan nhượng, dùng tư duy phản biện để phán xét vấn đề, nên đã dập tắt được cho nhân loại nhiều vụ dịch do vi trùng gây nên trong suốt hàng trăm năm qua.
Đầu thế kỷ XX xuất hiện nhiều cuộc thi, triển lãm về khoa học kỹ thuật và văn học nghệ thuật ở châu Âu, người ta phải thành lập ra các Ban giám khảo để đánh giá và trao giải thưởng. Các thành viên trong Ban giám khảo là những chuyên gia giỏi của từng chuyên ngành nên họ thẳng thắn khen và chê các tác phẩm, các phát minh để công nhận, phát bằng, phát phần thưởng.
Từ đó một ngành tổng hợp cả hai nội dung khen và chê ra đời và được gọi là “Ngành phê bình”, có nhiệm vụ đánh giá chất lượng của các chuyên ngành.
Triết gia Sainte Beuve đã nói rất đúng: “Người đứng ra phê bình phải là người biết cách đọc sách và có thể dạy cho người khác cách đọc sách”.
Thật là sâu sắc và chứa đựng một nội dung rất phong phú, vì chỉ có người nào biết cách đọc sách, biết cách khai thác các tài liệu tham khảo từ sách vở mới đủ trình độ để phê bình, để phán xét. Và, lẽ dĩ nhiên, từ đó mới nhận xét được người khác, dạy được người khác cách đọc sách, cách tham khảo tài liệu một cách thực tế và dựa trên bằng chứng.
Khép lại bài viết, nên nhắc đến lời khuyên của Nữ hoàng nước Nga, Catherine II, khi bà nói: “Tôi khen to nhưng tôi góp ý nhẹ nhàng”.
Quan trọng thay lời nói khen, chê. Vì thế phải hết sức thận trọng khi nói ra những lời khen, chê, như một ngạn ngữ cổ của Pháp đã viết: “Phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”.
Đông phương cổ học Tinh hoa có một câu danh ngôn để đời, nó đúng trong mọi trường hợp, mọi không gian, mọi thời gian, câu đó là: “Đạo ngôn ác giả thị ngô sư” (tạm dịch: Người nào nói cho ta biết điều xấu, điều sai trái của ta, chính là thầy ta vậy). Như thế là rất đề cao việc chê đúng, phê bình đúng, bình phẩm đúng.