Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giành được chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử tổ chức hôm cuối tuần qua, tăng cường khả năng trở thành nhà lãnh đạo có thời gian cầm quyền lâu nhất từ trước đến nay của ông Abe cùng cơ hội thúc đẩy việc sửa đổi Hiến pháp hòa bình.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong một sự kiện tranh cử tối hôm 21/10. (Nguồn: WSJ).
Chiến thắng cách biệt
Liên minh do đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe dẫn đầu đã giành được tổng cộng 312 ghế, giữ được thế "siêu đa số" - 2/3 số ghế - trong Hạ viện gồm 465 thành viên, giới truyền thông Nhật Bản hôm 23/10 cho hay.
Chiến thắng áp đảo này đã cho thấy khả năng ông Abe, người trở thành Thủ tướng Nhật vào tháng 12/2012, sẽ đảm bảo được nhiệm kỳ 3 năm với tư cách lãnh đạo của đảng LDP vào tháng 9 năm tới và trở thành vị Thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất của Nhật Bản.
Chiến thắng này cũng đồng nghĩa với việc chiến lược tăng trưởng kinh tế có tên gọi "Abenomics" mà ông Abe áp dụng với nước Nhật sẽ được tiếp tục. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để chính quyền Abe tiếp tục các nỗ lực sửa đổi Hiến pháp. Theo Điều 9 trong bản Hiến pháp do Mỹ soạn thảo, việc duy trì lực lượng vũ trang bị ngăn cản. Nhưng các đời chính phủ Nhật cho rằng nó vẫn cho phép họ duy trì lực lượng quân sự với mục đích tự vệ.
Những người ủng hộ đề xuất sửa đổi Hiến pháp của ông Abe cho rằng nó sẽ giúp hệ thống hóa lại các điều lệ, trong khi giới phê bình lo ngại rằng việc sửa đổi sẽ cho phép quân đội Nhật mở rộng vai trò ra nước ngoài.
Trong tuyên bố chiến thắng của mình, Thủ tướng Abe nói rằng ông sẽ không gắn với mục tiêu trước đó đưa ra là sửa đổi Hiến pháp vào năm 2020.
"Đầu tiên tôi muốn cuộc tranh luận này sâu hơn và nhận được sự ủng hộ của nhiều người nhất có thể" - ông Abe nói - "Chúng ta nên ưu tiên điều đó".
Đảng Komeito thuộc liên minh cầm quyền thì tỏ ra khá thận trọng về đề xuất sửa đổi Hiến pháp, vốn được hình thành sau thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II. Một số đảng đối lập cũng mong muốn sửa đổi Hiến pháp, nhưng lại không nhất trí về một số chi tiết của đề xuất này.
Được biết, việc sửa đổi Hiến pháp cần có sự phê chuẩn của 2/3 Thượng viện và cả Hạ viện Nhật, sau đó là sự đồng thuận của phần lớn cử tri Nhật trong một cuộc trưng cầu dân ý.
"Giờ thì các đảng ủng hộ sửa đổi Hiến pháp đã giành được 2/3 số ghế trong Quốc hội, nên sửa đổi Hiến pháp sẽ là vấn đề chính trị quan trọng nhất trong kỳ bầu cử năm sau" - Hidenori Suezawa, chuyên gia phân tích tài chính thuộc hãng SMBC Nikko, nhận định.
Thủ tướng Abe từng nói rằng ông cần có thêm một nhiệm kỳ mới để giải quyết cuộc "khủng hoảng quốc gia" liên quan tới mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, cùng vấn đề già hóa dân số. Ông cũng nêu lại chính sách tăng đánh thuế bán hàng để tạo nguồn ngân sách dành cho giáo dục và chăm sóc trẻ em.
Ông Abe đã kêu gọi bầu cử sớm trong bối cảnh đảng đối lập lớn nhất ở nước này chia rẽ và tỷ lệ ủng hộ của ông tăng dần trở lại. Thủ tướng Abe là người ủng hộ quan điểm cứng rắn mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đưa ra đối với Triều Tiên, nước đã phóng tên lửa qua không phận Nhật Bản. Ông Trump sẽ có chuyến thăm Nhật trong khoảng ngày 5-7 tháng 11 tới để tái cam kết quan hệ đồng minh.
Ván cược rủi ro
Ván cược bầu cử sớm của ông Abe từng được xem là rất rủi ro bởi một số dự báo cho thấy đảng LDP có thể mất thế siêu đa số tại Hạ viện, sau khi Thị trưởng tokyo Yuriko Koike thành lập một đảng mới có tên đảng Hy vọng.
Đảng này sau khi thành lập đã thu hút được số lượng lớn thành viên từ ddangr đối lập Dân chủ (DP). Nhưng sự kỳ vọng của giới cử tri Nhật Bản đối với đảng Hy vọng đã nhanh chóng suy giảm, bất chấp những lời kêu gọi của đảng này trong việc đưa ra các chính sách đáng chú ý như từ bỏ điện hạt nhân, ngừng kế hoạch tăng thuế bán hàng...
"Chúng tôi đã tìm cách đưa ra các chính sách mới đầu tiên. Nhưng chúng tôi lại kết thúc với kết quả đầy khó khăn, bởi vậy tôi xin lỗi vì điều đó" - bà Koike phát biểu trên kênh NHK.
Thủ tướng Abe, 63 tuổi, là người đã dẫn dắt đảng LDP và đồng minh Komeito giành được 4 chiến thắng áp đảo trong bầu cử kể từ khi ông lãnh đạo đảng này. Tuy nhiên tỷ lệ bỏ phiếu trong kỳ bầu cử vừa qua là khá thấp, trong khi đảng LDP chỉ cần giành đủ 25% số phiếu là giành chiến thắng.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật ước tính tỷ lệ cử tri hợp lệ đi bỏ phiếu trong hôm Chủ nhật vừa qua - khi mà siêu bão Lan đổ bộ nước này - là khoảng 52,7%, chỉ vượt hơn 1% so với mức thấp kỷ lục trong kỳ bầu cử Hạ viện năm 2014.